Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Internet ở Triều Tiên được kiểm soát như thế nào?
Thứ bảy: 14:24 ngày 11/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trình độ công nghệ của Triều Tiên là điều không thể phủ nhận. Nhưng tại quốc gia này, việc người dân tiếp cận với các dịch vụ mạng ra sao thì là câu chuyện không dễ biết.

Người dân Triều Tiên đang sử dụng các máy tính đầu cuối tra cứu thông tin tại Tổ hợp Khoa học - Công nghệ tại thủ đô Bình Nhưỡng - Ảnh: AP

Và đúng như nhận định của hãng tin AP, dù rất thận trọng, người Triều Tiên vẫn phải lên mạng. Nhờ kết nối mạng, các bác sĩ có thể tư vấn thông qua các hội nghị video trực tuyến, các giảng viên tại trường Đại học danh tiếng Kim Il Sung có thể truyền đạt bài giảng của họ tới các nhà máy và hợp tác xã ở những nơi xa xôi.

Nhiều người Triều Tiên vẫn đang sử dụng từ điển trực tuyến và nhắn tin cho nhau trên điện thoại thông minh. Cũng như thế, trong ví của nhiều người có những tấm thẻ "Jonsong" hay thẻ "Narae" để mua sắm online hoặc thực hiện giao dịch ngân hàng điện tử.

Hai lớp tiếp cận: Internet và Intranet

Tuy nhiên tất cả những hoạt động đó không phải được tiến hành trên nền tảng mạng World Wide Web (WWW) như phần lớn các nước trên thế giới hiện nay. Chúng được thực hiện trên nền tảng một mạng Intranet, một dạng thức mạng nội bộ mà các công ty quy mô tầm trung thường sử dụng cho nhân viên của họ.

Việc truy cập mạng Internet toàn cầu là điều gần như không tưởng với hầu hết người dân Triều Tiên. Những người cố tình luồn lách các quy định trong vấn đề này sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc.

Tuy nhiên dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un, nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên lên nắm quyền trong thời đại của Internet, ý tưởng về một đất nước Triều Tiên kết nối hơn trở nên khá hấp dẫn.

Cùng với kết nối mạng là tiềm năng về những lợi ích to lớn với đất nước có thể khai thác từ công nghệ thông tin. Không những thế, công nghệ cũng mang lại những dạng thức mới trong việc kiểm soát tình hình xã hội, chính trị hiệu quả hơn các thời trước.

Theo đó giải pháp của chính quyền Triều Tiên hiện nay với Internet là áp dụng hệ thống quản lý gồm 2 lớp. Theo đó một nhóm công dân "tinh hoa" được tin tưởng có thể "lướt net" tương đối tự do và một phần đa số còn lại sẽ chỉ được truy cập mạng Intranet quốc gia.

Người dân đang xem xét chiếc máy tính bảng Samjiyon trong hội chợ thương mại tại Bình Nhưỡng - Ảnh: AP

Sử dụng Intranet

"Địa hạt kiến thức" là một ưu tiên chủ chốt của nhà lãnh đạo Kim Jong Un và khu Tổ hợp Khoa học - Công nghệ chính là trung tâm truyền bá các thông tin khoa học trên toàn quốc. Tổ hợp Khoa học - Công nghệ này là một trong những dự án phát triển tiêu biểu của ông Kim Jong Un.

Đây là nơi có thư viện điện tử lớn nhất của Triều Tiên với hơn 3.000 thiết bị đầu cuối (terminal) để các công nhân nhà máy có thể tham gia học từ xa, trẻ em được xem phim hoạt hình và sinh viên đại học có thể tra cứu thông tin nghiên cứu.

Vào một ngày trong tuần, anh Pak Sung Jin, 30 tuổi, học viên sau đại học ngành hóa học, tới thư viện để tìm thông tin hoàn thành tiểu luận. Thư viện đông nghẹt người.

Không giống với phần lớn người Triều Tiên khác, anh Pak có một chút kinh nghiệm sử dụng Internet, mặc dù cũng chỉ truy cập khi cần và có sự giám sát. Nếu anh cần bất cứ thông tin gì từ mạng Internet, các cán bộ có trách nhiệm của trường đại học sẽ tìm giúp anh.

Là một học giả và một nhà khoa học, anh Pak cho biết trách nhiệm của anh là phải luôn cập nhật những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực của mình.

Ngoài những lúc đó, anh chủ yếu sử dụng mạng Intranet quốc gia. Theo đó anh đang sử dụng một chiếc máy tính để bàn màu đen Ullim dán nhãn màu đỏ cho biết đó là máy tính do chủ tịch Kim Jong Un kính mến trao tặng.

Địa chỉ IP của máy 10.76.1.11 cho biết anh Pak đang truy cập mạng intranet có tên là Kwangmyong (có nghĩa là "ánh sáng" trong tiếng Triều Tiên).

Anh đang sử dụng trình duyệt "Naenara" (có nghĩa là "đất nước tôi") nhưng thực sự đó là phiên bản trình duyệt Firefox đã qua chỉnh sửa. Có rất ít các trang web trên trình duyệt Kwangmyong. Một cán bộ tại Trung tâm Khoa học - Công nghệ nói họ có 168 trang web.

Các trang này hoạt động trên các mạng độc lập của các cơ quan chính phủ, trường học và thư viện, các công ty. Tất cả đều do từng nơi điều hành mặc dù các nội dung được chính phủ chấp nhận thu lượm từ mạng Internet có thể được các quản trị mạng đưa lên, chủ yếu để phục vụ các nhà nghiên cứu như anh Pak.

Cũng như hầu hết các máy tính để bàn khác tại Triều Tiên, các máy tính để bàn tại Tổ hợp Khoa học - Công nghệ đang chạy trên nền tảng hệ điều hành "Red Star" do Trung tâm máy tính Triều Tiên phát triển từ mã nguồn mở của hệ điều hành Linux.

Phiên bản Red Star 3.0 có những công cụ phổ biến: trình duyệt Naenara, email, lịch, kPhoto (giống như iPhoto) và cài đặt múi giờ. Các phiên bản cũ hơn có giao diện như Window XP tuy nhiên phiên bản mới nhất có thiết kế như giao diện người dùng của một máy Mac.

Red Star cũng sử dụng một công cụ theo dõi sẽ thường xuyên chụp ảnh màn hình những nội dung hiển thị trên đó. Các ảnh chụp màn hình này, người dùng thông thường sẽ không thể xóa và cũng không thể truy cập, tuy nhiên nếu một nhân viên chính phủ đã qua đào tạo hoàn toàn có thể kiểm tra nếu cần.

Theo ông Will Scott, một người từng là giảng viên môn khoa học máy tính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng năm 2013 và nay đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Washington, các điện thoại Android cũng có một tính năng theo dõi tương tự như vậy.

Một cặp vợ chồng người Triều Tiên dùng smartphone chụp ảnh tại quảng trường Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng - Ảnh: AP

Smartphone Azalea và máy tính bảng Ryonghung Ipad

Người dân Triều Tiên truy cập mạng intranet chủ yếu từ smartphone chứ không phải trên laptop hay desktop.

Khoảng một thập kỷ trước, chỉ một lượng nhỏ quan chức chính quyền và quân đội mới có điện thoại thông minh, nhưng nay, theo các báo cáo tài chính mới nhất cả các nhà cung cấp lớn tại Bình Nhưỡng, hiện có khoảng 2,5-3 triệu chiếc điện thoại di động tại quốc gia có khoảng 25 triệu dân này.

Tốc độ phổ biến mau chóng điện thoại di động là một trong những câu chuyện thành công lớn nhất của thời đại nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Sau những khởi đầu của công nghệ viễn thông di động tại Triều Tiên vào năm 2008 dưới thời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, việc sử dụng điện thoại thông minh thực sự nở rộ trong khoảng 5 năm qua với việc xuất hiện của dịch vụ mạng 3G.

Có được điều này phần lớn nhờ vào hai nhà đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực viễn thông là Loxley Pacific của Thái Lan và Orascom của Ai Cập.

Tuy nhiên cũng giống như mạng intranet, các điện thoại di động ở Triều Tiên cũng không kết nối với các mạng viễn thông của thế giới bên ngoài.

Theo đó các điện thoại "nội địa" của người Triều Tiên có thể gọi điện, nhắn tin cho nhau, chơi game, lướt mạng intranet trong nước và truy cập một số dịch vụ khác.

Người dùng cũng được thoải mái lựa chọn từ hàng trăm mẫu nhạc chuông khác nhau, nhận thông báo cập nhật về thời tiết, tra cứu từ điện và chụp ảnh selfie. Tuy nhiên họ không thể nhận cuộc gọi hoặc gọi điện tới những số ngoài mạng, hay nói cách khác là những số điện thoại ngoài nước.

Giá điện thoại ở Triều Tiên cũng không quá đắt, tuy nhiên người dân phải đăng ký và được chấp nhận trước khi mua dùng điện thoại.

Một mẫu điện thoại thông minh loại tốt của "Pyongyang" hay "Arirang" có giá từ 200 - 400 USD. Các mẫu điện thoại với chức năng cơ bản hơn sẽ rẻ hơn, nhất là những loại đã qua sử dụng. Người Triều Tiên cũng bị cấm sử dụng mạng wifi.

Những người nước ngoài tới Triều Tiên còn bị "hạ cấp" hơn nữa khi phải sự dụng một mạng viễn thông khác mà không thể nhận cuộc gọi hay gọi điện tới các số điện thoại tại Triều Tiên.

Jindallae (Azalea) là chiếc smartphone gắn mác nội địa Triều Tiên - Ảnh:Mangyongdae Information Technology Corporation

Những sản phẩm này giống hệt các sản phẩm của Apple và chưa kể là cả tên gọi "iPad" cũng đã được "hồn nhiên" sử dụng đã khiến các fan của "táo khuyết" giận dữ.

Họ cũng có thể mua điện thoại do Triều Tiên sản xuất nếu muốn, nhưng các thiết bị này sẽ bị xóa bỏ mọi ứng dụng và tính năng thường có, đồng thời nó cũng bị mã hóa luôn để người dùng không thể bổ sung lại các ứng dụng và tính năng đã xóa này sau đó.

Triều Tiên rõ ràng có nhập khẩu và thay đổi thương hiệu của một số sản phẩm IT. Tuy nhiên trong vài tháng qua, hai công ty lớn của họ đã làm dấy lên sự phản ứng gay gắt của các fan Apple khi tung ra những sản phẩm được gắn mác nội địa hóa là smartphone Jindallae (Azalea) và máy tính bảng Ryonghung iPad.

Nhiều người không ngạc nhiên trước điều này vì họ biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un vốn chuộng các sản phẩm của Apple. Ông Kim từng chụp ảnh cùng một máy tính MacBook Pro trên chuyên cơ riêng và thậm chí có một chiếc iMac 21 inch trên bàn làm việc phía sau ông Kim khi truyền thông quốc gia Triều Tiên đưa tin ông đang xem xét "kế hoạch tấn công lục địa Mỹ" 4 năm trước.

Chiếc iPad gây tranh cãi.

Một số chuyên gia cho rằng có vẻ như các chuyên gia công nghệ của Triều Tiên đã "học lóm" một số ý tưởng công nghệ của Apple.

Minh chứng được họ đưa ra là có một chương trình Apple sử dụng trong hệ điều hành OS X và iOS của họ nhằm chống lại các âm mưu vô hiệu hóa tính năng bảo mật của thiết bị đã được sử dụng trong hệ điều hành Red Star.

Nguồn TTO

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục