Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Israel bị phản ứng mạnh khi lực lượng LHQ liên tục trúng đòn tấn công
Thứ hai: 09:59 ngày 21/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Israel đang chịu áp lực lớn từ đồng minh cũng như cộng đồng quốc tế khi liên tục dính cáo buộc “cố tình” tấn công Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Lebanon (UNIFIL).

Israel những tuần gần đây liên tục bị cáo buộc tấn công Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Lebanon (UNIFIL). Những vụ việc này gây ra phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế và đang làm ảnh hưởng uy tín của Israel.

Chuỗi diễn biến nóng

Vụ việc mới đây nhất xảy ra vào sáng 16-10 (giờ địa phương). UNIFIL báo cáo rằng binh sĩ UNIFIL quan sát thấy một xe tăng Merkava của Lực lượng Phòng vệ Israel bắn vào tháp canh của UNIFIL gần làng Kafer Kela (Lebanon). Vụ nổ súng phá hủy hai camera và làm hư hại tháp canh.

“Một lần nữa chúng ta lại chứng kiến ​​cảnh bắn trực tiếp và có chủ đích vào vị trí của UNIFIL. Chúng tôi nhắc nhở Lực lượng Phòng vệ Israel và tất cả các bên liên quan về nghĩa vụ đảm bảo an toàn và an ninh cho nhân viên và tài sản của LHQ và tôn trọng quyền bất khả xâm phạm của cơ sở LHQ” - theo tuyên bố của UNIFIL.

Các thành viên Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ (UNIFIL) tại một ngôi làng ở miền nam Lebanon. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Sự việc trên xảy ra trong bối cảnh số vụ tấn công vào UNIFIL được cho là do Israel thực hiện ngày càng tăng. Theo số liệu của LHQ, kể từ khi Israel phát động chiến dịch trên bộ ở Lebanon vào đầu tháng 10, khoảng 5 nhân viên UNIFIL đã bị thương.

Cụ thể, ngày 9-10, UNIFIL cáo buộc binh sĩ Israel “cố tình nổ súng và vô hiệu hóa” một vị trí của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại làng Labbouneh.

Một ngày sau đó, hai binh sĩ UNIFIL được báo cáo đã bị thương sau khi một xe tăng Israel bắn vào một tháp quan sát tại trụ sở UNIFIL.

Sang ngày 11-10, hai binh sĩ UNIFIL đã bị thương sau khi hai vụ nổ xảy ra gần một tháp quan sát. Về vụ việc, Lực lượng Phòng vệ Israel nói rằng mình phản ứng với “mối đe dọa tức thời”, đồng thời lưu ý rằng Israel đã chỉ thị cho nhân viên UNIFIL di chuyển.

Cũng trong ngày 11-10, một nhân viên thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đã bị bắn tại TP Naquora trong “hoạt động quân sự” của Israel, theo UNIFIL. Tổ chức này cho biết thêm rằng các tòa nhà của LHQ tại làng Ramyah đã chịu “thiệt hại đáng kể” do các vụ nổ từ các cuộc pháo kích gần đó.

Đến ngày 12-10, UNIFIL tố binh sĩ Israel ngăn chặn một hoạt động di chuyển hậu cần quan trọng của UNIFIL gần làng Meiss ej Jebel.

Ngày 13-10, UNIFIL cáo buộc Lực lượng Phòng vệ Israel vi phạm luật pháp quốc tế sau khi lùi xe tăng vào căn cứ của UNIFIL ở làng Ramyah, đột nhập vào căn cứ và yêu cầu tắt đèn. Israel sau đó cho biết một xe tăng của nước này đã lùi vào căn cứ trong lúc đang di tản những binh sĩ Israel bị thương.

Loạt diễn biến trên đẩy căng thẳng giữa Israel và UNIFIL leo thang. Ngày 13-10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu yêu cầu các nhân viên của UNIFIL phải di dời, cảnh báo nguy cơ các thành viên của tổ chức “bị Israel bắn trúng” nếu không “tạm thời sơ tán khỏi các vị trí” ở miền nam Lebanon.

Ông Netanyahu cũng cáo buộc căn cứ của UNIFIL là nơi che giấu các chiến binh của nhóm vũ trang Hezbollah.

Đáp lại, Tổng thư ký Antonio Guterres tuyên bố UNIFIL sẽ giữ vững vị trí ngay cả khi Israel tăng cường hoạt động quân sự trong khu vực. Người đứng đầu UNIFIL - ông Pierre Lacroix nói rằng các quốc gia thành viên của LHQ ủng hộ quyết định này và cho biết LHQ sẽ bắt đầu điều tra về các cuộc tấn công vào nhân viên và cơ sở của UNIFIL.

Cộng đồng quốc tế phẫn nộ
Việc lực lượng UNIFIL tại Lebanon liên tục trúng đòn tấn công từ Israel đã vấp phải phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Ngày 12-10, 40 quốc gia đóng góp binh sĩ cho UNIFIL đã ra tuyên bố chung lên án các cuộc tấn công của Israel, tờ Politico đưa tin.

“Những hành động như vậy phải dừng lại ngay lập tức và cần được điều tra đầy đủ. Chúng tôi coi vai trò của UNIFIL là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình leo thang ở khu vực” - theo tuyên bố chung của 40 quốc gia đăng trên mạng xã hội X.

Tuyên bố cũng kêu gọi “các bên trong cuộc xung đột” đảm bảo an ninh và an toàn cho nhân viên UNIFIL “để họ có thể tiếp tục công tác hòa giải và hỗ trợ cho hòa bình và ổn định”.

Tây Ban Nha, Pháp và Ý cũng ra tuyên bố chung chỉ trích các cuộc tấn công trúng vào UNIFIL là “không thể biện minh được”. Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu Israel phải ngừng “hoàn toàn” các cuộc tấn công trúng vào UNIFIL.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gọi điện cho người đồng cấp Israel Yoav Gallant để nêu lên mối quan ngại của Mỹ về các cuộc không kích vào vị trí của cơ quan LHQ.

“Bộ trưởng Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho lực lượng UNIFIL trong khu vực và kêu gọi phối hợp các nỗ lực để chuyển hướng từ các hoạt động quân sự sang con đường ngoại giao càng sớm càng tốt” - theo tuyên bố của Lầu Năm Góc.

Một binh sĩ UNIFIL làm việc tại Lebanon. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ngày 14-10, Hội đồng Bảo an LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc tấn công trúng vào lực lượng UNIFIL. Hội đồng Bảo an kêu gọi tất cả các bên - không nêu tên cụ thể - tôn trọng sự an toàn và an ninh của nhân viên và cơ sở của UNIFIL.

Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi thực hiện đầy đủ nghị quyết 1701 của LHQ năm 2006 về duy trì hòa bình trên biên giới giữa Lebanon và Israel.

Giới quan sát cho rằng căng thẳng giữa Israel và UNIFIL sẽ đẩy uy tín quốc tế của Tel Aviv xuống thấp hơn nữa trong bối cảnh nước này đang đối mặt với các rắc rối pháp lý ở cả Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Nhiều nhà quan sát lập luận rằng Israel muốn UNIFIL rời đi để lực lượng này không thể giám sát các hành vi có nguy cơ vi phạm luật pháp quốc tế từ lực lượng Israel.

“Việc loại trừ những người quan sát, dù là nhà báo hay lực lượng gìn giữ hòa bình, dường như là một chiến lược có chủ đích nhằm hạn chế sự giám sát đối với lực lượng Israel vào thời điểm quan trọng” - đài Al Jazeera dẫn lời Shane Darcy, giáo sư tại ĐH Quốc gia Galwa (Ireland).

Đồng quan điểm, ông Rob Geist Pinfold - giảng viên về hòa bình và an ninh quốc tế tại ĐH Durham (Anh) cho rằng nếu Israel có thể di dời dân thường và nhân viên UNIFIL khỏi miền nam Lebanon, lực lượng Israel có thể ở lại trong khu vực lâu hơn mà không gặp bất kỳ rào cản nào.

Nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Lebanon

UNIFIL là phái bộ gìn giữ hòa bình được Hội đồng Bảo an LHQ giao nhiệm vụ đảm bảo sự ổn định và an ninh ở miền nam Lebanon kể từ chiến tranh Israel-Lebanon 1978, theo tờ The Washington Post.

UNIFIL hoạt động trong một khu vực rộng hơn 650 km2 được xác định bằng Sông Litani ở phía bắc và Đường Xanh (biên giới tạm thời giữa Israel và Lebanon) ở phía nam. Dọc theo các giới tuyến này, UNIFIL có 50 vị trí và một trụ sở tại thị trấn Naqoura (phía nam Lebanon).

UNIFIL có hơn 10.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình, đến từ 50 quốc gia. 17% hoạt động của UNIFIL được thực hiện chung với lực lượng vũ trang Lebanon.

“Mục tiêu dài hạn của UNIFIL là dần chuyển giao trách nhiệm cho Lực lượng vũ trang Lebanon” - theo trang web của UNIFIL.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục