Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kà Tum-ngày ấy, bây giờ
Thứ bảy: 00:12 ngày 04/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kà Tum là một địa danh rất quen thuộc đối với người dân Tân Châu nói riêng và Tây Ninh nói chung. Địa danh này khi xưa vừa là tên phum, vừa là tên xã. Sau này, Kà Tum không còn là địa danh hành chính nữa và được thay thế bằng cái tên mới Tân Đông.

Tân Đông là một trong bốn xã biên giới của huyện Tân Châu, được thành lập năm 1989 với diện tích tự nhiên là 85,26km2 , gồm 9 ấp, trong đó có ba ấp tập trung nhiều đồng bào Khmer sinh sống là Kà Ốt, Tầm Phô và Suối Dầm.

Nhìn trên bản đồ, ta thấy địa bàn xã Tân Đông có một vị trí chiến lược rất đắc địa là giáp các trục lộ quan trọng như đường 785 từ thị trấn Tân Châu đi lên nối liền với đường 792 qua Tân Hà, Tân Lập - Tân Biên và đường 894 từ ngã ba xã ngược lên hướng Suối Ngô, Tân Hoà qua Bình Long - Bình Phước.

Xã Tân Đông có 14km đường biên, giáp với tỉnh Tbong Khmum, vương quốc Campuchia. Xã còn có cửa khẩu quốc gia Kà Tum thông thương với cửa khẩu Chan Moul của huyện Memot. Có thể nói đây là vị trí rất thuận lợi để định hướng phát triển nhiều mặt.

Nói về Kà Tum, đầu tiên xin nói về ý nghĩa của địa danh này. Kà Tum vốn là mộc danh gốc Khmer “Đơm Kratom”, nghĩa là cây giam/giâm. Đây là một loại cây bản địa có nguồn gốc từ Đông Nam Á, thường được tìm thấy ở Thái Lan, Indonesia, Campuchia và biên giới Tây Nam Việt Nam. Xứ Kà Tum xưa vốn là một xã rất rộng lớn, diện tích tự nhiên bao gồm cả một khu vực như Tân Đông, Tân Hà, Suối Ngô, Bổ Túc và Tân Hội ngày nay.

Xin trở lại một chút lịch sử với mảnh đất này. Vào tháng 7.1963, Mỹ cho đổ quân bằng trực thăng xuống Kà Tum và bắn xối xả vào ngôi chùa ở đây, làm chết 6 người dân Khmer. Tháng 8.1963, du kích Kà Tum đánh chiếm được đồn Kà Tum từ tay địch và truy quét nhiều biệt kích.

Kể từ sau 1963, Kà Tum thực sự trở thành một trong những tiền đồn làm vỏ bọc vững chắc bảo vệ an toàn cho Trung ương Cục và Quân uỷ miền Nam. Cũng vì tính chất đặc biệt quan trọng của xã Kà Tum mà nơi này trở thành điểm oanh tạc rất dữ dội của địch, đặc biệt là trong chiến dịch Juntion City mùa khô 1967.

Trong tài liệu 30 năm đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Biên anh hùng (1945-1975) có viết: “ Trên lộ 4 biên giới Kà Tum đêm 21.2.1967, địch dùng hàng chục phi vụ B52 trút bom xuống căn cứ thứ hai Tà Bét, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân…

Lúc 9g ngày 22.2.1967 trong khi máy bay quần rà nhiều tầng nhiều lớp để yểm trợ cho C130 chuẩn bị đổ quân tại đồng trống Tà Bét, bất ngờ bị lưới bủa phòng không tầm thấp và vũ khí du kích đan xen bắt rớt tại chỗ nhiều máy bay C130 và trực thăng, riêng du kích Kà Tum bắn rơi hai chiếc…

Sau hàng giờ vất vả địch mới đổ quân xong, khó khăn lắm chúng mới định hình tập hợp được lực lượng hỗ trợ cho bọn công binh  xây dựng hai chốt đóng quân trên cầu Nước Đục có 1 tiểu đoàn Mỹ và 1 trung đoàn 25 nguỵ, một chốt ở Suối Nước Trong do một tiểu đoàn nguỵ đóng. Chúng tổ chức nhiều cuộc càn quét lùng sục…

Càng đánh chúng càng sa vào thế trận chiến tranh nhân dân ta bày sẵn. Khi những tên lính Mỹ lữ đoàn 173 còn lơ lửng trên không, du kích Kà Tum và lực lượng huyện căn cứ Tà Đạt nổ súng chính xác diệt 100 tên, bắn rơi 12 máy bay đổ quân, một phản lực…”.

Chỉ cần lược sử bao nhiêu đó thôi cũng đủ để chúng ta hình dung mặt trận Kà Tum trong chiến tranh chống Mỹ nói chung và chiến dịch Juntion City là ác liệt đến mức nào. Mảnh đất này đã hứng chịu không biết bao nhiêu là bom đạn của quân thù trải xuống.

Kẻ thù đã tàn phá từ chùa chiền, nhà cửa, ruộng vườn đến sinh mạng con người của xứ sở này không sao kể siết. Chính vì vậy, những năm tháng sau chiến tranh, từ Đồng Pal trải dài lên tận Kà Tum vắng vẻ, hoang tàn lắm.

Nhà cửa thưa thớt, xa xa mới có một xóm nhỏ vài chục nóc nhà lụp xụp ven các trảng cỏ nước. Còn hố bom thì cơ man nào mà đếm cho xuể. Phương tiện đi lại ngày ấy chủ yếu là xe ngựa, xe trâu bò.

Nhìn con ngựa gầy kéo xe chạy lọc cọc trên con đường đất đỏ bụi mù, trong lòng người mang mang một nỗi buồn khó tả, không biết xứ sở này bao giờ mới được đổi thay!

Vậy mà, ngày nay đến trung tâm xã Tân Đông, ta thấy đây hoàn toàn không còn là một miền quê hẻo lánh, mà là một khu đô thị mới đang từng bước hình thành. Chợ Kà Tum - tên mà mọi người vẫn quen gọi, nay là chợ Tân Đông.

Có thể nói đây là một trung tâm thương mại. Bởi khu chợ này chính là nơi trao đổi, mua bán hàng hoá lớn nhất giữa hai huyện Tân Châu và Memot - Campuchia. Có rất nhiều mặt hàng ở những nơi khác không có, nhưng ở Tân Đông vẫn có.

Từ chợ Tân Đông rất nhiều loại hàng hoá sẽ được lưu thông về các nơi khác  tiêu thụ. Bên cạnh chợ Tân Đông, xã còn có hai siêu thị là Điện Máy Xanh và Bách Hoá Xanh rất phong phú sản phẩm cung ứng cho người tiêu dùng.

Ngoài lĩnh vực phát triển kinh tế, Kà Tum - Tân Đông còn phát triển bền vững nhiều lĩnh vực khác như văn hoá, giáo dục và quốc phòng an ninh. Về giáo dục, Tân Đông có đủ các cấp học từ mẫu giáo cho tới trung học phổ thông.

Về lĩnh vực văn hoá Kà Tum - Tân Đông nổi bật nhất là các lễ hội tôn giáo và lễ hội dân gian của bà con dân tộc Khmer, mà trung tâm chính là ngôi chùa ở Kà Ốt. Hằng năm, ngôi chùa là nơi diễn ra nhiều lễ hội văn hoá đậm màu sắc của bà con Khmer như lễ tắm Phật, lễ Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok, lễ dâng y Kathina, Sene Donta, lễ cầu siêu… rất đông vui, hoành tráng. Có thể nói làng Kà Ốt là nơi giữ gìn bản sắc văn hoá Khmer đậm đặc nhất trong các làng Khmer Tây Ninh hiện nay.

Nếu nói đến bản sắc văn hoá Khmer Kà Ốt thì không thể không nhắc đến ba nhân vật đã cống hiến rất nhiều cho bà con ở đây là già làng Nách Chan, trưởng ấp Cao Văn Xây và cô giáo Chan Nên.

Già làng Nách Chan là người có uy tín nhất nơi đây. Ông là người chịu trách nhiệm quản lý về đời sống tinh thần của bà con. Trưởng ấp Cao Văn Xây là người đại diện cho chính quyền của ấp, anh là người luôn quan tâm và giúp đỡ bà con rất nhiều mặt.

Chính vì vậy, anh được bà con tín nhiệm bầu chọn giữ cương vị này suốt nhiều năm qua. Còn cô giáo Chan Nên là một giáo viên rất mực tận tâm, hết lòng vì trẻ nhỏ. Bao nhiêu năm cô làm công tác giảng dạy là bấy nhiêu năm cô giữ gìn linh hồn con chữ cho trẻ em nơi biên giới xa xôi này.

Công lao của cô cũng được Nhà nước  ghi nhận bằng các bằng khen cấp Trung ương, trong đó đặc biệt có bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khen tặng về  “thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn năm học 2018-2019”.

Có thể nói, nhắc đến Kà Tum là nhắc đến địa danh gắn liền với bao năm tháng thăng trầm của lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; còn Tân Đông là địa danh gắn liền với thời đại mới, gắn liền với sự phát triển và đi lên của một miền biên giới đang khởi sắc.

Trong nhiều năm qua, đời sống của nhân dân trên địa bàn xã Tân Đông  từng bước được nâng cao, xoá đói giảm nghèo, cơ sở hạ tầng phát triển là nhờ vào sự quan tâm sâu sát, cũng như việc đề ra và thực hiện các chính sách đúng đắn, phù hợp của chính quyền địa phương, đặc biệt là có sự bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ nhiều mặt của Đồn Biên phòng Kà Tum.

Trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Kà Tum luôn chung tay với chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ đến các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào Khmer tại các ấp Kà Ốt, Tầm Phô và Suối Dầm. Đó cũng là một trong những điều kiện giúp bà con thực sự từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống, phát triển đi lên, quân dân một lòng, biên cương vững chắc.

Ký sự: ĐÀO THÁI SƠN

Tin cùng chuyên mục