Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Karaoke, spa ở TP.HCM trở tay không kịp
Thứ bảy: 10:45 ngày 20/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau khi vay hàng tỷ đồng để mở lại dịch vụ, các quán karaoke, spa lại ngậm ngùi nhận quyết định tiếp tục đóng cửa chỉ trong vòng 2 ngày.

15h ngày 17/11, 18 chi nhánh karaoke ICool đồng loạt đón khách trở lại. Tuy nhiên, 15h ngày 18/11, doanh nghiệp cùng các đơn vị khác trong ngành karaoke, spa, massage đã phải nhận quyết định tiếp tục đóng cửa.

"Nhân viên thất vọng, hụt hẫng, còn chủ đầu tư thì điêu đứng, kiệt quệ", ông Nguyễn Quế Sơn, quản lý chuỗi karaoke ICool nói với Zing.

Doanh nghiệp lẫn lao động đều gặp khó

Ông Sơn kể, ngay sau khi TP ban hành Quyết định 3900 tối 16/11, ICool đã lập tức ký bảo lãnh với ngân hàng vay 2 tỷ đồng để có tiền mua hàng hóa và bảo dưỡng thiết bị cho những ngày đầu mở lại. Hiện doanh nghiệp phải thương lượng với các nhà cung cấp trả lại hàng hóa. Tuy nhiên, khoảng 30-40% trong số đó là rau củ, trái cây đành chia lại cho nhân viên sử dụng.

Các hệ thống karaoke chỉ kịp đón khách vào buổi chiều và tối 17/11. Ảnh: Quỳnh Danh.[TPHCM dung karaoke, spa anh 1]

Các hệ thống karaoke chỉ kịp đón khách vào buổi chiều và tối 17/11. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với Nnice. Sau khi huy động toàn lực nhân viên quay lại, vệ sinh các chi nhánh, bảo trì tất cả máy móc, thiết bị thì chuỗi lại quay về trạng thái "cửa đóng then cài" như những tháng qua.

"Hàng hóa coi như chịu lỗ, nhưng với nhân viên thì chúng tôi không biết hỗ trợ sao. Họ đã bỏ công việc đang làm để quay lại với Nnice, giờ nhận tin đóng cửa mà thất thần, không biết trở về người ta còn nhận lại không. Chúng tôi thật sự chơi vơi", ông Lê Hoàng Việt - quản lý chuỗi karaoke Nnice - nói.

Không riêng gì ngành karaoke, các cơ sở spa, massage cũng rơi vào thế khó với số tiền đã bỏ ra để chuẩn bị cho việc đón khách trở lại. Đồng thời, những nhân sự đã quay lại TP.HCM hiện tại chưa biết xoay xở như thế nào để trang trải tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt trong những ngày tiếp tục thất nghiệp.

"Thật sự hụt hẫng vì sau bao nhiêu ngày mong ngóng được đi làm, nay mới mở lại một ngày thì chúng tôi đã phải dọn dẹp để đóng cửa", ông Phan Tiệp, Giám đốc Công ty CP Erada Việt Nam - đơn vị cố vấn vận hành cho các hệ thống spa, thẩm mỹ viện - chia sẻ.

Theo những đại diện ngành karaoke, spa, massage, họ vẫn ủng hộ TP nếu phải đóng cửa vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tuy nhiên, chính quyền nên cho doanh nghiệp thời hạn vài ngày để kịp xoay xở, ít nhất là xử lý hàng tồn kho và sắp xếp cho nhân viên.

Cơ hội phục hồi còn bỏ ngỏ

Trải qua gần 2 năm đối phó với đại dịch, karaoke, spa, massage là những ngành đầu tiên phải đóng cửa và cũng là những ngành cuối cùng được mở cửa. Chỉ tính riêng năm nay, người lao động chỉ được làm việc mấy chục ngày. Sự bấp bênh trong công việc khiến họ quyết định bỏ nghề, hoặc chấp nhận về quê nghỉ ngơi ít nhất đến hết Tết Nguyên đán 2022.

Theo quản lý một chuỗi spa lớn ở TP.HCM, mặc dù chấp nhận chi hoa hồng giới thiệu nhưng doanh nghiệp vẫn không tuyển được đủ nhân sự cho các cơ sở. Tình trạng dự kiến kéo dài đến quý I năm sau nếu TP chưa thật sự sống chung với dịch.

Ngành spa, massage thiếu nhân lực sau dịch. Ảnh: Lan Anh.[TPHCM dung karaoke, spa anh 2]

Ngành spa, massage thiếu nhân lực sau dịch. Ảnh: Lan Anh.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là Covid-19 đã làm mất đi sự hấp dẫn của những ngành này. Ông Phan Tiệp cho rằng khó khăn lớn nhất khi mở lại của các cơ sở là không có khách, do người dân e ngại dịch bệnh, đồng thời cũng không còn thoải mái chi tiền cho các dịch vụ làm đẹp.

"Kể cả giờ mở lại thì cũng chỉ để duy trì hoạt động cho doanh nghiệp và có công ăn việc làm cho anh em, chứ doanh thu chắc sẽ thấp hoặc nhiều khi không có. Tôi nghĩ còn lâu nữa ngành này mới phục hồi được như trước", ông Phan Tiệp nêu ý kiến.

Thực tế, theo quan sát của ông, không ít spa, thẩm mỹ viện đã phá sản trong 2 năm qua. Chính công ty ông cũng đang nhận thanh lý một số máy móc, thiết bị giúp khách hàng là các spa đã đóng cửa.

Ngành karaoke nói riêng và các ngành dịch vụ nói chung đã gặp khó khăn đủ đường về cơ sở vật chất, chi phí mặt bằng, nhân viên, hy vọng các quyết định của TP sẽ không làm khó thêm nữa.

Ông Lê Hoàng Việt

Còn với ngành karaoke, kể cả những ông lớn như Nnice, Kingdom... cũng đã dần thu hẹp quy mô hoạt động, chỉ giữ lại những chi nhánh có thể thương lượng giá thuê với chủ nhà.

Chia sẻ với Zing, các doanh nghiệp cho rằng TP.HCM đã thống nhất sống chung với dịch thì nên sớm mở cửa các hoạt động một cách bình thường để vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Với riêng ngành karaoke, các chuỗi ICool, Nnice đều nhấn mạnh khách hàng thường đi theo nhóm bạn bè, người thân nên có thể đảm bảo an toàn, nếu so với các loại hình ăn uống, rạp chiếu phim...

"Chỉ mong TP hiểu cho khó khăn của chúng tôi. Ngành karaoke nói riêng và các ngành dịch vụ nói chung đã gặp khó khăn đủ đường về cơ sở vật chất, chi phí mặt bằng, nhân viên, hy vọng các quyết định của TP sẽ không làm khó thêm nữa", ông Lê Hoàng Việt chia sẻ.

Nguồn Zing

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục