Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tuần lễ văn hoá, du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng:
Kênh quảng bá đặc sản hiệu quả
Thứ sáu: 06:27 ngày 28/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những đặc sản từ nhiều vùng trong tỉnh cũng được giới thiệu rộng rãi với du khách gần xa. Với nhiều hoạt động hấp dẫn, lễ hội năm nay thu hút đông đảo du khách đến tham quan và thưởng thức ẩm thực.

Du khách trải nghiệm tráng bánh tráng phơi sương tại lễ hội.

Tuần lễ văn hoá, du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần II năm 2018 vừa diễn ra từ ngày 20-25.12 tại sân vận động huyện Trảng Bàng. Qua hai năm tổ chức, lễ hội trở thành sự kiện độc đáo, điểm nhấn văn hoá ẩm thực của tỉnh Tây Ninh. Những đặc sản từ nhiều vùng trong tỉnh cũng được giới thiệu rộng rãi với du khách gần xa. Với nhiều hoạt động hấp dẫn, lễ hội năm nay thu hút đông đảo du khách đến tham quan và thưởng thức ẩm thực.

Thu hút du khách

Lễ hội năm nay có 240 gian hàng giới thiệu về ẩm thực, thương mại, dịch vụ trong và ngoài tỉnh. Các gian hàng có không gian rộng rãi, trang trí đẹp mắt, trong đó phần lớn đều trưng bày và bán những đặc sản của Tây Ninh như các loại bánh tráng, bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, muối ớt, mãng cầu, bưởi… nét đặc trưng của Tây Ninh.

Khu biểu diễn tráng bánh phơi sương Trảng Bàng thu hút khá đông du khách. Tại đây, du khách được tận mắt chứng kiến một số công đoạn làm ra một chiếc bánh tráng phơi sương xứ Trảng như: tráng bánh, phơi bánh, nướng bánh... Du khách được tự tay trải nghiệm cách tráng và nướng bánh do các nghệ nhân lâu năm của làng nghề “cầm tay chỉ việc”. Từ đó, du khách hiểu hơn về sự kỳ công, tình yêu của người thợ dồn vào mỗi chiếc bánh phơi sương.

Chị Nguyễn Thị Thơm, một du khách đến từ Đồng Nai, sau khi được trải nghiệm tráng bánh, chị cho biết, món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là món ăn yêu thích của mình. Mỗi khi có dịp đến Tây Ninh là chị lại ghé Trảng Bàng ăn một phần bánh tráng phơi sương cuốn với rau sông, thịt luộc cho đã thèm. Ăn bánh tráng phơi sương rất nhiều, cũng nghe qua sự kỳ công để ra lò những chiếc bánh tráng phơi sương, nhưng chị Thơm vẫn chưa có dịp tìm hiểu, khám phá thực tế.

Chị Thơm có một mong muốn được đến làng nghề tráng bánh trải nghiệm, và lần này chị đã làm được. Chị Thơm nói: “Năm nay, tôi đã sắp xếp cùng bạn bè đến Tây Ninh tham dự lễ hội. Tôi được tìm hiểu các công đoạn làm bánh, tận tay tráng chiếc bánh phơi sương. Có trải nghiệm mới biết, làm ra chiếc bánh tráng phơi sương rất cực, thật lắm công phu. Qua lễ hội này, tôi thấy thêm yêu những chiếc bánh tráng phơi sương Trảng Bàng”.

Một trong những không gian thu hút nhiều du khách trẻ, “tín đồ” các món ăn vặt là các gian hàng chuyên về bánh tráng với đủ các loại như bánh tráng muối, bánh tráng dẻo, bánh tráng sa tế… Bạn Nguyễn Thanh Trà, một sinh viên đang học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, quê ở tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi theo chân một người bạn quê ở Tây Ninh đến tham gia lễ hội.

Đến đây, tôi được thưởng thức món bánh tráng phơi sương và món bánh canh Trảng Bàng. Những món ăn này thật sự rất ngon. Tôi cũng rất thích ăn các loại bánh tráng muối, bánh tráng me ở Tây Ninh. Những món này được chế biến rất phong phú, ngon, lạ miệng, càng ăn càng ghiền. Lần này đến lễ hội, tôi đã mua một lố bánh tráng đủ các loại đem về giới thiệu với bạn bè”.

Anh Trần Văn Hậu, du khách đến từ Long An, người đã hai lần tham gia lễ hội nhận xét: “Lần này, tôi thấy lễ hội được tổ chức bài bản, chỉn chu hơn năm đầu tiên. Đặc biệt, lễ hội tạo được nhiều điểm mới thú vị, nhất là không gian cho du khách tìm hiểu, trải nghiệm nghề làm bánh tráng phơi sương. Tại lễ hội, du khách có cơ hội tìm hiểu, thưởng thức nhiều món ngon như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng và những món chay đậm hương vị Tây Ninh. Chúng tôi còn có thể mua được nhiều đặc sản địa phương nổi tiếng có thương hiệu ở Tây Ninh, với giá cả hợp lý”.

Trong không khí vui tươi, nhộn nhịp của lễ hội, rất bận rộn với công việc biểu diễn các công đoạn tráng bánh tráng, nhưng nghệ nhân Phạm Thị Đương vẫn vui vẻ, tận tình hướng dẫn du khách trải nghiệm công đoạn tráng bánh. Bà Đương chia sẻ: “Lần thứ 2 được tham gia biểu diễn tráng bánh ở lễ hội, tôi cảm thấy rất phấn khởi, bởi mình có thể góp phần công sức để quảng bá, giới thiệu nghề làm tráng phơi sương truyền thống đến với du khách. Tôi mong rằng qua lễ hội, chiếc bánh tráng phơi sương Trảng Bàng sẽ vươn xa hơn, nâng cao được giá trị, để thắp lên ngọn lửa cho làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một”.

Chắp cánh cho đặc sản

Tại khuôn viên lễ hội, nhiều món đặc sản, đặc trưng của các huyện trong tỉnh cũng được trưng bày, giới thiệu cùng du khách. Ta dễ dàng thưởng thức trái mãng cầu Bà Đen ngọt dịu ở thành phố Tây Ninh; sản phẩm rượu, mứt từ thanh long ruột đỏ của xứ Trảng; những trái ổi, bưởi ngọt từ Dương Minh Châu, hay mùi nồng của muối ớt, chao ở Gò Dầu; dậy thơm mùi đặc trưng của các loại mắm đặc sản vùng Phước Chỉ…

Nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở ở Tây Ninh mong muốn được giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình trong lễ hội, có cơ hội được chắp thêm đôi cánh để vươn xa hơn.

Chị Nguyễn Thị Lan, chủ trang trại cà cuống xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng cho biết, gian hàng của xã Phước Chỉ trưng bày nhiều đặc sản đặc trưng của vùng sông nước như các loại mắm chua lia thia, rễ tre, hay dưa mắm ướp mắm đồng. Bên cạnh đó, có các đặc sản mới là nước mắm cà cuống và tinh dầu cà cuống. Những sản phẩm của chị Lan thời gian qua đã được nhiều người biết đến, có lượng khách quen nhất định trong và ngoài địa phương.

Chị Lan hào hứng chia sẻ thêm: “Được huyện tạo điều kiện với một gian hàng trưng bày sản phẩm, tôi nhận thấy đây là cơ hội giới thiệu sản phẩm đến khách hàng rộng rãi hơn. Đây cũng là cơ hội cho tôi có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhiều bạn trẻ khởi nghiệp”. Mục tiêu chính tham gia lễ hội của chị Lan là quảng bá sản phẩm, với hy vọng thêm nhiều người biết đến những sản phẩm thủ công, món ăn đặc sản đồng quê của mình. Đây cũng là một cơ hội trải nghiệm cho chị Lan trong bước đường khởi nghiệp. Trong thời gian diễn ra lễ hội, các sản phẩm mắm của chị Lan được nhiều du khách quan tâm, hỏi mua và nhận được phản hồi tốt từ người dùng.

Là một cơ sở thành lập chưa lâu, cơ sở sản xuất ruốc sấy Khánh Giang (xã Lộc Hưng, Trảng Bàng) đang hướng tới sản xuất đa ngành, nghề trong đó có các sản phẩm như khô cá lóc, cá trê hai nắng, đậu phộng gia vị. Chị Phạm Lê Như, chủ cơ sở cho biết, chị đang sản xuất dòng sản phẩm sạch, không sử dụng hoá chất. Hiện một số sản phẩm đã được phân phối rộng tại địa bàn các huyện Gò Dầu, Trảng Bàng và thành phố Tây Ninh. Với vẻ hào hứng, chị cho biết đã bỏ ra khoảng 10 ngày để chuẩn bị sản phẩm tham gia lễ hội, trang trí gian hàng cho bắt mắt. Chị Như chia sẻ: “Tôi đến với lễ hội này để quảng bá thương hiệu sản phẩm với khách hàng gần xa”.

Chị Như cho biết thêm, bản thân chị khá tự tin với chất lượng sản phẩm của cơ sở, khi ít nhiều tạo được thương hiệu, được người tiêu dùng đón nhận. Nhưng thời gian qua, hình thức quảng bá sản phẩm của cơ sở chưa tạo động lực để phát triển mở rộng thị trường. Nên lần này, chị Như muốn thay đổi cách tiếp thị sản phẩm đến đối tác cũng như người tiêu dùng thông qua các lễ hội ẩm thực, tiếp thị online.

Quan điểm của chị Như trong sản xuất kinh doanh là chú trọng nguồn gốc sản phẩm, sản xuất theo hướng sạch. Trong thời gian trưng bày sản phẩm tại lễ hội, chị Như luôn túc trực, giới thiệu các sản phẩm đến người tiêu dùng một cách nhiệt tình, chu đáo. Chị còn mời du khách nếm thử các sản phẩm để tin tưởng và an tâm hơn khi chọn mua. Nhờ đó, gian hàng của chị luôn đông khách hàng. Đó là một cách tiếp thị sản phẩm có hiệu quả của chị Như. Chị Như khẳng định vào những năm tới, lễ hội bánh tráng phơi sương Trảng Bàng diễn ra, chị sẽ tiếp tục tham gia để quảng bá sản phẩm và học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp bạn.

CHÂU PHA - VI XUÂN

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục