Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kết nối giao thương - cơ hội phát triển hàng hoá của tỉnh
Chủ nhật: 11:55 ngày 18/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kết nối giao thương sẽ kết nối được cung - cầu hàng hoá, góp phần bảo đảm đầu ra cho sản phẩm thế mạnh giữa các tỉnh, thành với nhau.

Các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh tìm hiểu về sản phẩm của tỉnh Đăk Lăk.

Ông Lê Khánh Trình- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng đa phần có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên khi tham gia vào các hệ thống phân phối sẽ phải gặp không ít khó khăn về vốn và khả năng cung cấp, đáp ứng chất lượng nguồn hàng.

Nếu không tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, các doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể phát triển và vững mạnh. Vì vậy, vai trò kết nối giữa nhà sản xuất với nhà phân phối để tìm được tiếng nói chung thực sự cần thiết, nhằm thực hiện tốt việc kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hoá.

Giải quyết được vấn đề này, các ngành chức năng không chỉ làm tốt nhiệm vụ giúp cho nhà sản xuất phát triển thị trường, mà còn giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn khi mua hàng hoá với giá cả hợp lý.

Cơ hội tiêu thụ và quảng bá sản phẩm

Thời gian qua, tỉnh ta đã tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương và tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh, thành với nhau. Tham gia các hoạt động kết nối giao thương là dịp để các doanh nghiệp trực tiếp giới thiệu sản phẩm, đặc sản của mình cũng như làm tốt công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng tại các thị trường có tiềm năng; giúp doanh nghiệp kết nối với các nhà phân phối lớn, nhỏ trong cả nước để tìm kiếm đối tác, tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường. Đồng thời, tham gia các chương trình kết nối, doanh nghiệp sẽ được các đối tác lớn tư vấn, hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói, chất lượng sản phẩm... để đưa vào kênh phân phối hiện đại.

Doanh nghiệp máy sấy Ánh Dương chuyên chế tạo máy sấy thực phẩm tại khu phố Hiệp Nghĩa, phường Hiệp Ninh TP. Tây Ninh hoạt động đã gần 15 năm, bước đầu đạt được một số thành tựu nhất định. Sản phẩm cà phê Bazan của công ty này được người tiêu dùng tín nhiệm.

Thời gian qua, công ty chú trọng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới nhằm đa dạng hoá sản phẩm, từng bước nâng cao sức cạnh tranh; đầu tư xây dựng nhà xưởng mới và trang bị một số máy móc, thiết bị tương đối hiện đại. Hiện công ty đang nghiên cứu phát triển cà phê không cafein dành cho giới nữ, trái cây sấy các loại…

Tại buổi kết nối giao thương và tiêu thụ sản phẩm tỉnh Tây Ninh - Đăk Lăk cuối năm 2017, công ty đã bày tỏ mong muốn liên kết, tìm kiếm đối tác tiêu thụ, mở thêm đại lý phân phối tại tỉnh Đăk Lăk.

Nhận thấy máy sấy thực phẩm của Công ty Ánh Dương là thiết bị khá phổ biến và hữu dụng với công nghệ sấy khô vượt trội, ngoài sấy thực phẩm còn có nhiều công dụng sấy khô khác, nên các doanh nghiệp Đăk Lăk rất quan tâm đến sản phẩm này.

Bởi thực tế, các doanh nghiệp chế biến trà, ca cao, cà phê, mắc ca ở Đăk Lăk đa phần phơi khô chứ chưa sấy. Do đó, nhiều doanh nghiệp Đăk Lăk đã ký thoả thuận tiêu thụ sản phẩm máy sấy Ánh Dương với số lượng lớn để sử dụng cho ngành công nghiệp chế biến ở Tây Nguyên.

Ông Võ Tấn Dũng- Tổng Giám đốc Công ty TNHH phân bón Đất Phúc cho biết, công ty chuyên sản xuất kinh doanh phân bón NPK hỗn hợp 3 màu, phức hợp 1 màu các loại và phân hữu cơ vi sinh, với 1 xưởng sản xuất NPK và 1 xưởng sản xuất phân hữu cơ, công suất 60.000 tấn/năm...

Tại chương trình kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hoá, đại diện một HTX ở Đăk Lăk cho biết, phân bón của Công ty Đất Phúc rất tốt. Đây là dịp để HTX gặp trực tiếp nhà sản xuất, nắm thông tin về hàng hoá, mua được hàng chất lượng tốt với giá hợp lý.

Mới đây, Sở Công Thương cùng một số đơn vị sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tham gia chương trình kết nối giao thương tại tỉnh An Giang. Các doanh nghiệp tỉnh miền Tây này cho biết, các sản phẩm đặc sản của Tây Ninh như bánh tráng, muối tôm, mãng cầu, kẹo đậu phộng... đã có mặt trên thị trường tỉnh, và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Một số doanh nghiệp Tây Ninh mong muốn hình thành hệ thống phân phối đặc sản tại An Giang với số lượng lớn để đáp ứng cho thị trường đầy tiềm năng này.

Ông Lê Khánh Trình, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết thêm, hiện đã có nhiều đối tác tiêu thụ hàng hoá đặc sản của tỉnh, trong đó các đối tác lớn như Tập đoàn Vingroup, siêu thị Co.opMart, siêu thị Aeon (ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh), siêu thị Tứ Sơn (An Giang), các trạm dừng chân ở miền Tây... Ngoài ra, còn có đối tác ở các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng khắp các tỉnh, thành trong cả nước…

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Năm 2017, thông qua các chương trình kết nối giao thương, đã có nhiều thoả thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp Tây Ninh và các nhà phân phối tại các tỉnh, thành trong cả nước. Kết quả đó giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến với người tiêu dùng, giao lưu hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành nghề nhằm trao đổi kinh nghiệm, cách thức phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường theo hướng hiện đại hơn, an toàn hơn.

Cụ thể, qua các chương trình kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành, doanh nghiệp trong tỉnh đã ký kết được hơn 120 hợp đồng, biên bản ghi nhớ.


Khách hàng tham quan siêu thị đặc sản Tây Ninh.

Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại Tây Ninh sẽ tiếp tục tổ chức kết nối giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; kịp thời nắm bắt thông tin, định hướng về thị trường để làm tốt vai trò hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường mới. Đồng thời, Trung tâm chú trọng kết nối các thị trường mà sản phẩm có sự khác biệt, tương phản cần gắn kết, bổ trợ nhau: sản phẩm tỉnh này có mà tỉnh kia không có và ngược lại.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp trong tỉnh cũng sẽ được chú trọng về các vấn đề sản xuất sạch, tiêu chuẩn sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu, quản trị doanh nghiệp…

Ngoài ra, Trung tâm sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh để nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó có những tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chính quyền các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình sản xuất, cung cấp hàng hoá sạch, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Tự thân các doanh nghiệp, các đơn vị cũng cần tích cực tìm kiếm cơ hội làm ăn trên cơ sở hợp tác với các cơ quan quản lý Nhà nước với vai trò là trung gian, cầu nối…

Trong quá trình hợp tác, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm tiêu chí hai bên cùng có lợi. Có như vậy, việc kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm mới bền vững.

T.N

Tin cùng chuyên mục