Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 11.7, tại Trạm dừng chân Trà Tâm Lan (xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu), Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (XTTM) tỉnh Tây Ninh phối hợp Trung tâm XTTM tỉnh Đăk Lăk, Trung tâm Khuyến công và XTTM tỉnh Trà Vinh cùng các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa 3 tỉnh.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm bầu hồ lô của doanh nghiệp Tây Ninh.
Chương trình nhằm phát huy lợi thế hiện có của mỗi địa phương thông qua việc hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động công nghiệp - thương mại, tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, nhất là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm chế biến từ nông nghiệp…; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế mỗi tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Sở Công Thương Tây Ninh cho biết, chương trình kết nối giao thương là cơ hội để mở rộng giao thương, trao đổi, học hỏi và nâng cao hoạt động xúc tiến thương mại của các địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp các tỉnh tham gia có cơ hội tiếp cận trực tiếp thị trường, thiết lập quan hệ hợp tác, kinh doanh lâu dài.
Chương trình có sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp là các hợp tác xã, nhà sản xuất, phân phối cung ứng tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá đến từ 3 tỉnh Đăk Lăk, Trà Vinh và Tây Ninh. Đặc biệt, có sự tham gia kết nối của siêu thị Tứ Sơn đến từ tỉnh An Giang, siêu thị Go chi nhánh Hoà Thành và siêu thị Co.opMart chi nhánh Tây Ninh.
Doanh nghiệp Tây Ninh trưng bày sản phẩm tại hội nghị kết nối giao thương.
Siêu thị Tứ Sơn- An Giang là doanh nghiệp với quy mô kinh doanh trên 20 ngành hàng, hơn 200.000 mặt hàng của hơn 1.700 nhà cung cấp. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 36 tỉnh, thành với 211 doanh nghiệp là đối tác cung ứng sản phẩm hàng hoá với siêu thị Tứ Sơn. Riêng tỉnh Tây Ninh, hiện tại có 6 doanh nghiệp với gần 60 mặt hàng đã có mặt trên kệ của siêu thị Tứ Sơn với doanh số ngày càng phát triển.
Trong hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của các tỉnh, các doanh nghiệp đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình kết nối giao thương cũng như tại các kênh phân phối, siêu thị nói chung và các kênh siêu thị, điểm bán hàng, trạm dừng chân tại tỉnh Tây Ninh nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đăk Lăk cho biết, Đăk Lăk có vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên với nhiều điều kiện rất thuận lợi để phát triển giao thương. Đăk Lăk được mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam với tổng diện tích trồng cà phê hơn 200.000 ha, cùng các sản phẩm đặc trưng như hồ tiêu, ca cao, ong mật, sầu riêng, chuối, xoài, bơ, mít… Với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các tỉnh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kết nối giao thương trong lĩnh vực trao đổi hàng nông sản, thực phẩm.
Bên cạnh đó, tại hội nghị kết nối giao thương, doanh nghiệp các tỉnh mong muốn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm nông sản, nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của địa phương về nguồn nguyên liệu nông sản phong phú.
Nhi Trần