Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giảng dạy văn thơ Tây Ninh trong trường trung học phổ thông:
Kết quả và những vấn đề đặt ra
Thứ năm: 21:51 ngày 19/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Văn học địa phương phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư và mang đặc trưng vùng miền rõ rệt. Vì vậy, giảng dạy văn học địa phương chính là cung cấp cho các em các tri thức về văn hoá, lịch sử, tộc người, tâm tư, tình cảm… về nơi mình sinh ra và lớn lên...

Giáo dục giá trị văn hoá truyền thống bắt đầu từ những điều gần gũi, quen thuộc nhất bởi “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê sẽ trở thành lòng yêu Tổ quốc”. Văn học địa phương phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư và mang đặc trưng vùng miền rõ rệt. Vì vậy, giảng dạy văn học địa phương chính là cung cấp cho các em các tri thức về văn hoá, lịch sử, tộc người, tâm tư, tình cảm… về nơi mình sinh ra và lớn lên...

Sách giáo khoa của Chương trình GDPT 2018

Kết quả đạt được

Sở GD&ĐT nhìn nhận, việc giảng dạy văn thơ Tây Ninh trong trường phổ thông giúp học sinh được bồi dưỡng về tình yêu quê hương Tây Ninh, am hiểu về đời sống vật chất và tâm hồn của cha ông. Thông qua các giờ học văn thơ Tây Ninh, học sinh có cơ hội tiếp xúc với nhiều tác phẩm, được trải nghiệm đọc, tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm. Điều đó giúp học sinh không chỉ phát huy được năng lực văn học mà còn cảm nhận được vẻ đẹp riêng của con người Tây Ninh trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Từ đó, các em biết đồng cảm, thấu hiểu, trân trọng những giá trị tinh thần của vùng đất và con người ở nơi mình đang sinh sống về phong tục, tập quán, lối sống, tinh thần chiến đấu, lao động… Bằng những gợi ý trong chương trình văn thơ Tây Ninh, học sinh hình thành ý thức chủ động sưu tầm, lưu giữ những tác phẩm văn học Tây Ninh, góp phần làm phong phú thêm nền văn học tỉnh nhà.

Tài liệu giáo dục địa phương năm học 2024 - 2025

Đối với Chương trình 2006, văn thơ Tây Ninh chỉ được dạy trong nhà trường 2 tiết/năm học gồm ca dao, thơ, truyện dân gian, truyện ngắn. Vì vậy, những học sinh học Chương trình 2006 chưa được cung cấp cái nhìn toàn cảnh về diện mạo văn học Tây Ninh, chưa khơi gợi học sinh tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu, lan toả nền văn học tỉnh nhà.

Đối với Chương trình 2018, văn thơ Tây Ninh được tăng thời lượng 9 tiết/năm học, gồm nhiều thể loại. Ngoài thơ, truyện còn có các bài lý luận, bài nghiên cứu và có cả các bài khái quát về chặng đường phát triển của văn học tỉnh Tây Ninh. Ở các tiết học, giáo viên giảng dạy cho học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực viết kết hợp nói và nghe.

Học sinh không những được hình thành năng lực ngôn ngữ, năng lực sáng tạo, năng lực tự học, năng lực giao tiếp mà còn khơi gợi hứng thú tìm hiểu, nghiên cứu, mở rộng hiểu biết về tác giả, tác phẩm văn học Tây Ninh. Việc dạy văn thơ Tây Ninh không chỉ là sự tác động một chiều từ phía giáo viên mà học sinh còn là những chủ thể sáng tạo trong quá trình thuyết minh, giới thiệu tác giả, tác phẩm. Hoạt động này lan toả, tạo sự kết nối từ trang sách đến cuộc đời. Từ đó, học sinh có một góc nhìn mới về văn hoá truyền thống của con người ở địa phương để bồi đắp tình yêu, sự trân trọng, tự hào về quê hương của mình.

Những vấn đề đặt ra

Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, do đó, nội dung giáo dục địa phương cũng được triển khai đồng hành. Nghĩa là, từ đây học sinh sẽ được trang bị một cách toàn diện về thành tựu mọi mặt của văn thơ Tây Ninh.

Văn học Tây Ninh được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục địa phương bao gồm hai bộ phận: văn học dân gian và văn học viết. Quan điểm xây dựng chương trình không chỉ thể hiện được đặc trưng thể loại mà còn giúp học sinh biết được tiến trình lịch sử của văn thơ Tây Ninh.

Tiếp nối chương trình văn thơ Tây Ninh đã học ở cấp THCS, văn học dân gian được đưa vào giảng dạy ở lớp 10 nhằm giới thiệu khái quát đặc điểm các thể loại của văn học dân gian Tây Ninh. Nằm trong mạch ngầm phát triển của văn học Nam bộ, truyện dân gian Tây Ninh có đầy đủ các thể loại như thần thoại, truyền thuyết, sử thi, cổ tích. Nổi bật là những truyện, giai thoại về tên đất, tên người có công khai hoang lập ấp, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Văn vần phát triển phong phú, đa dạng như hát ru, hò, lý... nội dung phản ánh vẻ đẹp của quê hương và những phong tục tập quán trong lao động, sản xuất, chiến đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về văn học viết, các chuyên đề “Thơ Tây Ninh”, “Truyện Tây Ninh” được giảng dạy ở lớp 11, 12. Trong chuyên đề “Thơ Tây Ninh”, học sinh được tiếp cận các tác phẩm: Hoa Bạch Mai trên núi Bà - Sương Nguyệt Anh, Bức tranh xuân - Thẩm Thệ Hà, Về Tây Ninh - Phan Kỷ Sửu, Tình yêu người lính - Ngọc Tình. Ở chuyên đề “Truyện Tây Ninh”, các em có cơ hội tìm hiểu các tác phẩm: Ngoài kia trời rộng nước trong - Vân An, Cà na đắng - Nhất Phượng, Mai rừng - Phước Hội. Tác phẩm xây dựng hình ảnh những con người miền Đông chân chất, giản dị nhưng gan góc, can trường trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ẩn chứa dòng chảy ngọt ngào của văn hoá phương Nam.

Chuyên đề văn thơ Tây Ninh giúp học sinh có thể hiểu hơn về những con người trung dũng, kiên cường, để yêu thêm những mảnh đất thấm đượm mồ hôi của cha ông thời mở cõi, để nhận thấy rằng mỗi tấc đất tiền nhân khai phá còn đọng lại những trang sử hào hùng. Từ đó, bồi dưỡng niềm tự hào, tình yêu quê hương, ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của quê hương; vận dụng những điều đã học vào giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tế để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, học sinh bị cuốn theo guồng quay hối hả của công nghệ số, xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và sự “phai nhạt” thói quen đọc sách của giới trẻ trở nên phổ biến, các em có nguy cơ thờ ơ với văn chương nói chung và văn học địa phương nói riêng. Vì thế, việc giảng dạy văn thơ Tây Ninh trong nhà trường như thế nào để đạt kết quả cao nhất, phát huy được năng lực, sở trường tìm tòi nghiên cứu về văn học quê nhà, lan toả niềm đam mê tìm kiếm, sưu tầm của học sinh là vấn đề trong thời gian tới cần quan tâm.

Định hướng giảng dạy văn thơ Tây Ninh

Để nội dung giáo dục địa phương nói chung và chuyên đề văn thơ Tây Ninh nói riêng thực sự phát huy tác dụng trong hoạt động giảng dạy, phù hợp với chương trình GDPT 2018 và góp phần hiện thực hoá mục tiêu giáo dục toàn diện, cần sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của các cấp, ngành chức năng và sự chủ động, sáng tạo từ phía mỗi nhà trường, giáo viên.

Trên tinh thần đó, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Sở GD&ĐT đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình văn thơ Tây Ninh. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến cho giáo viên, qua đó, giáo viên định hướng cách tiếp cận, lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm khơi dậy hứng thú học tập của học sinh.

Về phía nhà trường, trên cơ sở chương trình khung, các trường đã chỉ đạo tổ chuyên môn chủ động, linh hoạt, cụ thể hoá nội dung, xây dựng kế hoạch giảng dạy văn thơ Tây Ninh phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Tổ chuyên môn đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề có tích hợp nội dung văn thơ Tây Ninh nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, góp phần nâng cao kết quả học tập của học sinh.

Giáo viên cần chủ động lựa chọn khối lượng kiến thức, trình tự sắp xếp sao cho vừa bảo đảm tính khoa học, hệ thống theo yêu cầu vận dụng trong từng tiết học, bài học, vừa phù hợp với khung phân phối chương trình của Sở và thực tế nhà trường. Người dạy cần tính toán, cân đối thời gian, lựa chọn phương pháp, hình thức giảng dạy phù hợp, hiệu quả nhằm phát huy tính chủ động, tích cực gắn với phát triển năng lực học sinh.

Qua mục tiêu của từng chuyên đề, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp để các em vừa nắm vững được tri thức vừa hình thành được kỹ năng, quan trọng nhất là các em có thể hiểu được những truyền thống văn hoá tốt đẹp của địa phương. Các em cảm thấy vùng đất mình sinh ra và lớn lên cũng tuyệt đẹp như bao nhiêu vùng đất khác, các em sẽ cảm thấy tự hào, phấn khởi về những giá trị tốt đẹp mà ông cha đã gầy dựng để từ đó cống hiến sức mình để làm giàu cho quê hương, xứ sở.

Để khuyến khích, tạo dựng nền móng, ươm mầm sáng tác, chúng ta cũng cần tổ chức các cuộc thi viết về Tây Ninh không chỉ dành cho các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, công nhân viên chức mà còn có thể phát động trong học sinh, sinh viên.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục