Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong cuộc thi viết phóng sự - ký sự, Ban tổ chức đã nhận được 28 bài viết của 15 tác giả. Sau khi sơ tuyển, Ban giám khảo đã chọn đăng trên Báo Tây Ninh 19 bài và loạt bài. Chiều ngày 2.10 vừa qua, Ban giám khảo tiếp tục sơ tuyển lần thứ hai và đưa vào chấm giải 8 bài và loạt bài.
“Ánh nến tri ân”- tác phẩm đoạt giải C của tác giả Nguyễn Ngọc Thành.
Sau 6 tháng phát động, cuộc thi viết phóng sự - ký sự và ảnh báo chí lần thứ I- năm 2017 do Báo Tây Ninh tổ chức với chủ đề “Tây Ninh - khát vọng vươn lên tầm cao mới” đã khép lại.
Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống Báo Tây Ninh (10.1946 - 10.2017), đánh dấu một bước phát triển mới trong chuyên môn - nghiệp vụ của đội ngũ làm báo, cũng như sự tích cực tham gia của các cộng tác viên- những người đã gắn bó với tờ báo suốt nhiều năm qua, xem Báo Tây Ninh không chỉ là “món ăn tinh thần”, mà còn là nơi để thể hiện niềm đam mê của mình.
Trong cuộc thi viết phóng sự - ký sự, Ban tổ chức đã nhận được 28 bài viết của 15 tác giả. Sau khi sơ tuyển, Ban giám khảo đã chọn đăng trên Báo Tây Ninh 19 bài và loạt bài. Chiều ngày 2.10 vừa qua, Ban giám khảo tiếp tục sơ tuyển lần thứ hai và đưa vào chấm giải 8 bài và loạt bài.
Nhìn chung, các bài viết đã thể hiện đúng mục đích - yêu cầu của cuộc thi là phản ánh mọi vấn đề thiết thực với cuộc sống người dân Tây Ninh trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, quốc phòng - an ninh...
Những biến chuyển trong đời sống, trong công cuộc xây dựng và phát triển; những điển hình tiên tiến tập thể và cá nhân trong công cuộc đổi mới trên mọi lĩnh vực, trên mọi mặt đời sống xã hội; những con người và sự kiện độc đáo, mới lạ và thú vị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh…
Đối với các tác phẩm đoạt giải cao, các tác giả đã phản ánh kịp thời những vấn đề nóng, đi sâu vào việc tìm hiểu, phân tích và đưa ra những giải pháp thiết thực, được các cơ quan chức năng đồng tình, dư luận quan tâm.
Đơn cử như loạt bài “Thâm nhập “hang ổ” tôn giáo trái phép” của hai tác giả Thảo Nguyên - Tâm Giang, sau khi báo đăng về hoạt động tôn giáo trái phép của bà Nguyễn Kim Hà, sinh năm 1969, ở xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, dư luận kịch liệt lên án hành vi trái pháp luật của vị “Phật mẫu” này. Chính quyền địa phương lập tức vào cuộc, tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ các vật dụng, công trình, đồng thời buộc bà Kim Hà chấm dứt ngay hoạt động tôn giáo trái phép.
Trong loạt bài khác, tuy là đề tài không mới, đó là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Trong loại bài 3 kỳ “Đau thương và sức mạnh”, được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, hai tác giả Đức An và Đại Dương đã tìm lại những nhân chứng lịch sử - những người trực tiếp chứng kiến, chỉ huy và chiến đấu khi bè lũ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sari xua quân tràn sang biên giới, chặt đầu, mổ bụng, moi gan, xé xác trẻ em ném vào lửa, chôn sống, tàn sát tập thể nhiều gia đình tại các ấp Tân Khai, Tân Chánh, Tân Thành, Bảy Bàu, Chàng Riệc… thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên.
40 năm đã trôi qua, không phải dễ tìm những nhân chứng như bà Nguyễn Thị Túc, 64 tuổi, hiện ngụ ở ấp Tân Tiến, xã Tân Lập; ông Nguyễn Văn Mừng- 63 tuổi, một giáo viên may mắn còn sống sót sau đợt thảm sát của bọn Pol Pot tại Trường tiểu học Tân Thành; ông Som Phát- 57 tuổi, sinh sống ở ấp Thmei, xã Bos Mon, huyện Rom Doul, tỉnh Svay Rieng…
Hay những người trực tiếp chỉ huy, cầm súng chiến đấu chống quân Khmer Đỏ như Đại tá Hoàng Sa, ông Lê Xuân Kinh- nguyên Trung đội trưởng Trung đội Trinh sát và vận động quần chúng của Đồn Phước Tân. Điều đó cho thấy, hai tác giả Đức An - Đại Dương đã bỏ ra rất nhiều công sức để những ký ức dù đau thương, mất mát cũng không bị lãng quên; niềm tự hào về những tấm gương hy sinh anh dũng trong công cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương, phên giậu của Tổ quốc…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, từ cuộc thi viết phóng sự - ký sự lần này cho thấy nhiều hạn chế, đặc biệt là các phóng viên trẻ. Nhiều bài viết lầm lẫn thể tài, chưa thể hiện rõ đặc trưng của thể loại phóng sự - ký sự; ít nghiên cứu, đầu tư; lặp lại đề tài cũ, tính phát hiện còn yếu.
Đối với cuộc thi ảnh báo chí. Dù số lượng ảnh tham gia khá nhiều, đến 46 tác phẩm của 12 tay máy- cả phóng viên lẫn các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, những người từng đoạt nhiều giải cao trong, ngoài tỉnh, thậm chí là quốc tế… nhưng chỉ có 16 ảnh được chọn đăng. Đây là lần đầu tiên Báo Tây Ninh tổ chức một cuộc thi ảnh báo chí.
Cũng cần phải nói thêm rằng, ảnh báo chí là một trong những hình thức thông tin của báo chí, thông qua các hoạt động thực tiễn của đời sống xã hội, bằng những hình ảnh cụ thể, chân thực và sinh động, nhằm mang lại cho người xem một lượng thông tin, giá trị tư tưởng và thẩm mỹ nhất định. Vì thế, mỗi tác phẩm đòi hỏi phải có chú thích ảnh, nêu rõ ai, việc gì, ở đâu, ra sao và tại sao theo đúng yêu cầu cơ bản của một tin vắn, nhưng ở đây hình ảnh là thông tin chủ yếu.
Cũng vì những lý do trên, nên phải thừa nhận rằng, đây là một cuộc thi không mấy thành công khi không có tác phẩm đoạt giải A, và chỉ có một giải B. Có những ảnh đạt về bố cục, cách thể hiện lại thiếu thông tin; hoặc có những tấm có đầy đủ yếu tố thông tin, nhưng ảnh lại không đạt, và cũng có không ít ảnh trùng lặp mảng, đề tài…
Điều đọng lại sau hai cuộc thi này, đó là hình ảnh đất và người Tây Ninh đã và đang rất khát vọng vươn lên một tầm cao mới - mà các tác giả đã đặc tả, thể hiện qua các tác phẩm tham gia dự thi. Đây cũng là tiền đề để Báo Tây Ninh tiếp tục tổ chức các cuộc thi tiếp theo với mong mỏi mang đến cho bạn đọc niềm tin, quyết tâm cùng với quê hương chung tay xây dựng Tây Ninh ngày càng phát triển.
Đặng Hoàng Thái
Giải Nhất: Loạt bài Thâm nhập “hang ổ” tôn giáo trái phép - tác giả: Thảo Nguyên - Tâm Giang.
Giải Nhì: Loạt bài Đau thương và sức mạnh, tác giả: Đức An - Đại Dương.
Giải Ba: Bất hợp lý việc bảo vệ rừng ở xã Phước Ninh, tác giả: Đại Dương - Thái Hoà; Phía sau bản án, tác giả: Đức An.
Giải Khuyến khích: Kiếm tiền sạch từ những nơi chưa sạch, tác giả: Quốc Sơn; Rác- chuyện không nhỏ, tác giả: Đại Dương - Thái Hoà; Chuyện người đàn ông hơn 30 năm vớt xác, tác giả: CTV Thuỳ Dung.
* Các tác phẩm đoạt giải cuộc thi Ảnh báo chí:
Giải B: Lễ đắp núi cát của người Khmer, tác giả: Nguyễn Nhật Tường.
Giải C: Bến cá chiều nghịch ngợm, tác giả: Giang Phương; Quyết liệt, tác giả: Đại Dương; Ánh nến tri ân, tác giả: Nguyễn Ngọc Thành.
Giải Khuyến khích: Khơi dòng nhựa trắng, tác giả: Lê Văn Hải; Phơi chén mủ, tác giả: Lê Văn Hải; Phút chạm vạch chiến thắng, tác giả: Hồng Thắm; Khúc quanh, tác giả: Đại Dương; Kiểm tra dây chuyền sản xuất, tác giả: Đỗ Thành Nhân; Nước rút, tác giả: Lê Bi; Vượt lên số phận, tác giả: Đỗ Thành Nhân; Lễ tắm chư tăng, tác giả: Nguyễn Duy Hậu.