Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khắc ghi bài học lịch sử dưới những tán rừng
Thứ hai: 05:30 ngày 26/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dọc theo cung đường dài khoảng 20 cây số sẽ ngang qua 11 di tích lịch sử được hình thành từ cuối năm 1961 và hoạt động đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Nhà bia tưởng niệm nơi làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1961-1975 khánh thành vào năm 2020.

Trong một lần tham gia tour du lịch của Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò - Xa Mát, chúng tôi được anh hướng dẫn viên giới thiệu về Vườn và không quên giới thiệu các di tích lịch sử ẩn mình bên dưới những tán rừng, minh chứng cho một thời chiến đấu anh dũng của nhiều thế hệ cha anh trên khắp chiến trường miền Nam. Những di tích lịch sử mà có lẽ, thế hệ trẻ hôm nay, không nhiều người biết đến.

Với sự hướng dẫn của anh Kỳ- nhân viên của VQG, qua quốc lộ 22B, chúng tôi rẽ vào Đường tuần tra biên giới hướng từ Lò Gò về Cửa khẩu quốc tế Tân Nam bắt đầu hành trình thăm viếng các bia di tích lịch sử. Dọc theo cung đường dài khoảng 20 cây số sẽ ngang qua 11 di tích lịch sử được hình thành từ cuối năm 1961 và hoạt động đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Đó là những cơ quan tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là những trường học của cán bộ quản lý giáo dục, con em những người chiến sĩ cách mạng năm xưa.

Điểm đến đầu tiên là nhà bia của Trường Sư phạm cấp II miền Nam, tiền thân của Trường đại học Sài Gòn hiện nay, với biểu tượng quyển sách và ngòi bút lửa thể hiện một khí thế hào hùng trong thời chiến. Nơi đây đã từng “đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên giải phóng cốt cán để kịp thời củng cố, mở rộng, xây dựng vùng giải phóng có một nền giáo dục cách mạng, chống nền giáo dục nô dịch, vong bản”.

Lại xuôi theo đường đi, giữa những tán rừng, vạt hoa cỏ hôi bung nở trắng xoá, báo hiệu đã vào đông và tết cũng sắp về. Chúng tôi dừng chân ghé thăm di tích Đài Phát thanh Giải Phóng- Tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập vào tháng 2.1962.

Những ngày ấy, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, biên tập viên thuộc Đài dũng cảm tay bút, tay súng bám trụ nơi đây để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng, truyền đi tiếng nói chính nghĩa, bất khuất của nhân dân miền Nam Việt Nam, sẵn sàng hy sinh, chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.

Cách đó không xa, phiến bia đá tưởng niệm cơ quan Báo Giải Phóng nổi bật giữa rừng xanh. Hình ảnh bản đồ nước Việt chạm nổi sinh động trên phiến đá thu hút người nhìn. Mặt sau bia được khắc tên của các cán bộ, phóng viên, nhân viên đã từng công tác tại Báo Giải Phóng.

Bia đá ghi rằng, Báo Giải Phóng được thành lập năm 1964 tại Căn cứ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phía Đông quốc lộ 22, chiến khu Tây Ninh. Báo ra mắt số đầu tiên vào ngày 20.12.1964.

Trong khoảng 10 năm, kể từ khi thành lập đến năm 1975, với 250 cán bộ, Báo Giải Phóng đã xuất bản liên tục 375 số báo in và viết nhiều bài báo phát trên Đài Phát thanh Giải Phóng, phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ tháng 4.1975, đội xung kích Báo Giải Phóng theo đại quân tiến về Sài Gòn, xuất bản xuyên suốt 15 số báo Sài Gòn Giải Phóng đầu tiên trong những ngày tháng 5 lịch sử. Sau đó, báo tiếp tục xuất bản cho đến số nhật báo cuối cùng vào ngày 29.5.1976; ngoài nhật báo, phiên bản Giải Phóng chủ nhật cũng được xuất bản từ tháng 3.1976 và số cuối cùng ngày 23.1.1977. Báo Giải Phóng hoàn thành sứ mạng lịch sử trong cuộc kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược.

Ở phía đối diện là bia lưu niệm Căn cứ Nhà in Trần Phú hoạt động từ tháng 11.1963 đến 30.4.1975. Nhà in đã được tuyên dương là đơn vị “Anh hùng diệt Mỹ” vào năm 1967.

Xưởng phim Giải Phóng với 31 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên khắp chiến trường miền Nam.

Từ đường vành đai biên giới, chúng tôi rẽ vào con đường mòn nhỏ, chạy thêm 700 mét để đến miếu thờ 7 liệt sĩ Đoàn văn công Long An và Trường văn nghệ “R”. Ngôi miếu thờ giữa rừng nhưng có phần ấm cúng với những bông hoa còn tươi mới, nén nhang vừa tàn. Có lẽ những đồng đội, người thân vừa đến viếng các liệt sĩ. Phía sau miếu là bức phù điêu khắc nổi những nhạc cụ của giới văn nghệ sĩ.

Nơi này, tháng 5.1970, 7 chiến sĩ Đoàn văn công Long An và Trường văn nghệ “R” đã hy sinh trong những trận đánh phá bằng B52 của quân đội Mỹ. Tưởng nhớ các liệt sĩ, đồng đội, gia đình và Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã lập nên miếu thờ vào năm 2018.

Với nhiệm vụ chính trị là ghi nhận kịp thời những hình ảnh chiến đấu, những thời khắc quan trọng thể hiện sự kháng chiến anh dũng của quân dân ta tại miền Nam, Xưởng phim Giải Phóng được ra đời tháng 1.1962. Để ghi lại những thước phim lịch sử, mọi người đã không quản khó khăn, thậm chí mạo hiểm tính mạng mình.

Đã có 31 cán bộ, nhân viên xưởng phim hy sinh khắp các chiến trường miền Nam khi thực hiện nhiệm vụ. Bia kỷ niệm Căn cứ Xưởng phim Giải Phóng được cán bộ, công nhân xưởng phim qua các thời kỳ xây dựng vào năm 2019, ghi dấu một thời kỳ hoạt động kháng chiến hào hùng. Đây là đơn vị được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Gần cuối hành trình, chúng tôi ghé qua nhà bia kỷ niệm ngôi trường Nguyễn Văn Trỗi. Tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, ngôi trường được thành lập năm 1965, một năm sau ngày anh Trỗi hy sinh. Hình ảnh về ngôi trường trong những ngày đầu tiên vẫn còn được lưu giữ và khắc vào bia đá để tưởng nhớ.

Đi qua hơn nửa thế kỷ, ngôi trường mang tên người công nhân anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trở thành niềm tự hào cho nhiều thế hệ thầy, trò từng dạy và học tại đây. Sự tồn tại của ngôi trường trong thời chiến là biểu tượng của một thế hệ thời đại Hồ Chí Minh, nối tiếp giá trị tinh thần, truyền thống dân tộc với lòng yêu nước, luôn sẵn sàng xả thân.

Ông Nguyễn Trọng Xuất (nguyên Phó trưởng Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định) viết về ngôi trường lịch sử trong một ngày đầu xuân năm 2015: “Mười năm trải mình trong chiến tranh ác liệt ở miền Nam. Tuổi của ngôi trường chỉ 10 năm, không dài so với đời người nhưng hàm chứa biết bao ân tình.

Chiến tranh, bom đạn, chiến đấu, lao động và học tập đã gắn bó họ với nhau như một gia đình. Hơn thế nữa, như một đơn vị chiến đấu, đồng hành cùng cha, chú, cô, dì trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”.

Ngày 12.10.1960 tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), qua chiếc máy phát sóng 15 wat, Thông tấn xã Giải phóng đã phát đi bản tin đầu tiên của mình mang hộ hiệu LPA (Libération Press Agency), công bố chính thức với quốc dân đồng bào và nhân dân trên thế giới sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng (gọi tắt là Giải phóng xã)- cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau hợp nhất với Việt Nam thông tấn xã thành Thông tấn xã Việt Nam ngày nay.

Ban Tuyên huấn hoạt động từ ngày 23.11.1961 đến 30.4.1975 đã góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975. Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Nơi đây, tháng 7.2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tôn tạo và khánh thành nhà bia kỷ niệm nơi làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Trong suốt hành trình hơn 20 cây số, đi qua từng di tích, những tấm bia đá ở đó không thể nào ghi hết được tầm vóc lớn lao của một thời gian lao mà anh dũng của bao thế hệ. Nếu có dịp, mời mọi người đến Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, dừng chân để cảm nhận và thêm trân trọng sự hy sinh của cha anh - Tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Vi Xuân - Ngọc Diêu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục