Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ Giao thông Vận tải:
Khắc phục hạn chế về hệ thống thoát nước trên quốc lộ 22B
Thứ tư: 12:45 ngày 21/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đối với những đoạn có mương thoát nước, một số nơi tấm đan bị sụp lún, hư hỏng, người dân lấp đất gây tắc nghẽn, Cục Quản lý đường bộ IV đã chỉ đạo đơn vị bảo trì thay thế các tấm đan bị sụp lún, hư hỏng, nạo vét khơi thông dòng chảy tại các vị trí bị tắc nghẽn.

Hệ thống mương thoát nước dọc QL22B đã nạo vét, khơi thông dòng chảy.

Ngày 6.8, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có Văn bản số 7294/BGTVT-KCHT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh về việc phản ánh của cử tri tỉnh Tây Ninh gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV.

Trước đó, cử tri phản ánh tại một số địa phương với đại biểu Quốc hội những bất cập của hệ thống mương thoát nước dọc quốc lộ 22 (đoạn qua khu vực thị trấn Gò Dầu) như bị nghẽn gây ngập úng cục bộ, bốc mùi hôi thối; đoạn từ Trường trung học cơ sở Lê Lợi (xã Cẩm Giang) đến cầu Cẩm Giang không có mương thoát nước; đối với những đoạn có mương thoát nước, một số nơi tấm đan bị sụp lún, hư hỏng, người dân lấp đất gây tắc nghẽn.

 Cử tri cũng phản ánh tình trạng nhà thầu đang thi công làm cống ven quốc lộ 22B đoạn qua xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành đã móc mương ngổn ngang, gây mất an toàn giao thông cho người đi đường cũng như gây khó khăn cho việc kinh doanh của các hộ dân dọc hai bên đường. Ở hai bên quốc lộ 22B (ấp Bình Phong và ấp Bình Hoà, huyện Châu Thành), nhiều nơi bị hỏng nắp đậy mương thoát nước; đoạn đường ngay ngã tư Trảng Lớn dễ gây tai nạn giao thông, đề nghị ngành chức năng khảo sát, sửa chữa.

Bộ GTVT trả lời cử tri như sau: Về hệ thống mương thoát nước dọc quốc lộ 22B (đoạn qua khu vực thị trấn Gò Dầu từ Km46 đến Km48), đến nay, đơn vị bảo trì tuyến đường đã nạo vét, khơi thông dòng chảy bảo đảm thoát nước. Tuy nhiên, do khẩu độ của lòng mương nhỏ, khi mưa lớn, nước thoát không kịp gây ngập úng cục bộ tại Km47+600. Đoạn từ Trường trung học cơ sở Lê Lợi, xã Cẩm Giang đến cầu Cẩm Giang (Km20+800 - Km20+150, QL22B) hiện không có mương thoát nước. Để  bảo đảm thoát nước, Cục Quản lý đường bộ IV đã chỉ đạo đơn vị bảo trì đào rãnh đất.

Đối với những đoạn có mương thoát nước, một số nơi tấm đan bị sụp lún, hư hỏng, người dân lấp đất gây tắc nghẽn, Cục Quản lý đường bộ IV đã chỉ đạo đơn vị bảo trì thay thế các tấm đan bị sụp lún, hư hỏng, nạo vét khơi thông dòng chảy tại các vị trí bị tắc nghẽn.

Về thi công làm cống ven quốc lộ 22B đoạn qua xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành (đoạn Km41-Km46), đơn vị thi công đã đào phá mương ngổn ngang gây mất an toàn giao thông cho người đi đường cũng như khó khăn trong việc kinh doanh của các hộ dân dọc bên đường, Cục Quản lý đường bộ IV đã kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, thu dọn công trường sạch sẽ khi thi công xong. Đồng thời, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 8, đơn vị thi công thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT tại khu vực thi công công trình. Đến nay, công trình thi công đã hoàn thành.

Về việc bổ sung các đoạn rãnh thoát nước dọc tại các vị trí chưa có rãnh, trong kế hoạch bảo trì năm 2019, Bộ GTVT tiếp tục bố trí kinh phí bảo trì, cho phép sửa chữa hệ thống rãnh trên tuyến quốc lộ 22, 22B để  bảo đảm thoát nước và an toàn giao thông trên tuyến.

Để hạn chế tình trạng ngập úng mặt đường do đô thị hoá, người dân tự ý san lấp mặt bằng để xây dựng công trình làm chặn hướng thoát nước tự nhiên, thoát từ hệ thống thoát nước của đường bộ tới cửa xả, sông, suối, Bộ GTVT đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh có ý kiến với UBND tỉnh khi cấp đất, chuyển đổi mục đích sử dụng, cấp phép xây dựng công trình dọc tuyến quốc lộ phải có giải pháp xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường; đồng thời, tuyên truyền đến người dân và có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn không đổ rác, chất thải làm tắc hệ thống thoát nước, ảnh công trình, ô nhiễm môi trường.

Về việc cử tri phản ánh xung quanh  nắp đậy (tấm đan) mương thoát nước hai bên đường QL22B (ấp Bình Phong và ấp Bình Hoà, huyện Châu Thành) nhiều nơi bị hỏng, theo Bộ GTVT, quốc lộ 22B đoạn từ Km0+000 - Km84+162 đi qua địa bàn tỉnh Tây Ninh được cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2008. Do hạn chế về nguồn vốn, dự án mới được đầu tư xây dựng giai đoạn I. Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hoá nhanh, các công trình dọc hai bên đường được xây dựng đã làm quá tải hệ thống thoát nước dọc trên tuyến. Các nắp đan được lắp đặt trên hè, qua khu dân cư, đường dân sinh bị gãy, vỡ do xe có tải trọng lớn chèn qua.

Rãnh dọc có nắp đậy đoạn Km40+600 đến Km41+200 đi qua địa bàn ấp Bình Phong và ấp Bình Hoà, xã Thái Bình, huyện Châu Thành (ngã tư Trảng Lớn đến ngã 3 Á Đông - chùa Giác Ngạn) đã được đơn vị bảo trì đường bộ thường xuyên nạo vét và thay thế các nắp đan bị hư hỏng.

Việc thay thế các nắp đan nói trên đã phát huy hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người dân. Tuy nhiên, do nguồn vốn bảo trì còn hạn chế, Bộ GTVT đã chỉ đạo đơn vị bảo trì đường bộ thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên nạo vét lòng rãnh, sử dụng kinh phí bảo trì đường bộ hằng năm để thay thế các nắp đan bị hư hỏng và tiếp tục bố trí kinh phí bảo trì thực hiện thay thế nắp đan trong thời gian tới.

NHI TRẦN

Tin cùng chuyên mục