Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 7.12, Báo Tây Ninh có phóng sự: “Nước kênh cầu Rạch Rễ Dưới ô nhiễm nghiêm trọng”, phản ánh tình trạng nước kênh đoạn gần cầu Rạch Rễ dưới (thuộc ấp Trường Ân, xã Trường Đông, Thị xã Hòa Thành) có hiện tượng sủi bọt trắng, bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và canh tác nông nghiệp của người dân trên địa bàn.
Người dân lội qua kênh.
Sau khi nắm thông tin phản ánh, các cơ quan chức năng của địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhanh chóng vào cuộc, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra hướng khắc phục tình trạng ô nhiễm tại đây.
Ông Văn Tiến Dũng- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, ông đã trực tiếp đến khu vực cầu Rạch Rễ Dưới - nơi báo chí phản ánh để ghi nhận, đồng thời chỉ đạo đoàn thanh tra đến kiểm tra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nghi xả thải gây ô nhiễm. Đoàn kiểm tra hiện đang rà soát để trình lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phương án xử lý.
Ông Ngô Tùng Minh- Trưởng ấp Trường Ân, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành cho biết, chính quyền địa phương đã tiến hành nạo vét khơi thông dòng chảy tại rạch Rễ Dưới. Hiện tình trạng ô nhiễm môi trường đã được cải thiện.
Bên cạnh đó, ông Minh cũng đề nghị các ngành chức năng cần kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng lén lút xả chất thải, không để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường như thời gian qua.
Báo cáo tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh ngày 8.12 vừa qua, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Văn Tiến Dũng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 600 doanh nghiệp được cấp Giấy phép môi trường, trong đó, có 250 doanh nghiệp nằm ngoài Khu công nghiệp. Ngoài ra, còn khoảng 3.000 doanh nghiệp thuộc quản lý của UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Nước kênh tại cầu Rạch Rễ dưới đã dần trong trở lại.
Thời gian qua, các sở, ngành có liên quan đã tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép, từ năm 2022 đến tháng 10 năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 6 khu công nghiệp, khu chế xuất; 75 nhà máy chế biến cao su, khoai mì; 127 dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và 80 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác trên địa bàn tỉnh. Qua đó Sở kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 40 cơ sở với tổng số tiền 6,1 tỷ đồng (trong đó đình chỉ hoạt động có thời hạn 3 tháng đối với 4 cơ sở); đang xem xét hồ sơ xử lý 32 cơ sở, lỗi vi phạm chủ yếu là xả nước thải xử lý chưa đạt tiêu chuẩn quy định ra môi trường.
Về mùi phát sinh gây khó chịu chủ yếu là từ hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản như mì, mía, cao su, các điểm thu mua mủ cao su các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các cơ sở nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục, cải tạo các công trình xử lý chất thải, tuyệt đối không xả nước thải chưa xử lý đạt quy chuẩn quy định ra môi trường, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động (thuộc đối tượng) để truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Giám sát điều hành tập trung tỉnh Tây Ninh để theo dõi, giám sát.
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh như cơ sở chế biến tinh bột sắn, mía, cao su và các cơ sở chăn nuôi; yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các giải pháp, biện pháp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường theo quy định.
Phát biểu tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá X (nhiệm kỳ 2021-2026), ông Nguyễn Thành Tâm- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các địa phương, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động và phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xả thải rác thải sinh hoạt, xả thải từ hoạt động sản xuất kinh doanh để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định về việc bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Minh Dương