Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Những đối tác từ Mỹ bắt đầu gửi email tạm ngừng nhận đơn hàng trong tháng 4 với một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam để xem xét mức thuế.

Một ngày sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam lên 46%, Công ty TNHH Thanh Long Agro đã nhận được email tạm ngừng nhận hàng trong tháng 4 từ năm đối tác Mỹ để chờ xem xét mức thuế. Để ứng phó với tình hình sụt giảm đơn hàng có thể kéo dài, 20 công nhân tại chuyền sản xuất này đã phải tạm ngừng hoạt động.
Ông Đoàn Ngọc Thơ, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Long Agro cho biết: "Việc áp thuế xảy ra bất ngờ nên đơn hàng không xuất được, nhiều đơn hàng đã phải tạm ngưng sản xuất. Công ty cũng phải gặp công nhân trình bày khó khăn cho họ hiểu để tạm ngừng công việc".
Mỹ hiện chiếm 90% thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Mức thuế các nhà nhập khẩu từ Mỹ chịu hiện là 7%, vì vậy, nếu thuế lên đến 46%, đơn hàng từ Mỹ có thể mất. Người lao động tại đây cũng không tránh khỏi những lo lắng.
Chị Hồ Thị Kim Cúc, công nhân Nhà máy Thanh Long Agro nói: "Hiện công ty chưa thông báo nhưng mình cũng đọc báo biết tình hình như vậy. Cũng lo lắng không có đơn hàng thì công ty sẽ ngừng hoạt động, rồi sản xuất mà không xuất được hàng thì kinh tế khó khăn".
Ngay khi Mỹ thông tin về mức thuế suất đối ứng với Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may đã dự báo về khả năng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Hiện một số doanh nghiệp đã nhận được thông báo ngừng nhận hàng từ Mỹ. Một số vẫn trao đổi với đối tác để cùng nhau tìm cách ứng biến.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Thắng Jeans cho biết: "Cái này khó, tôi nghĩ họ có chia sẻ với chúng tôi thì cũng như chia sẻ với các đơn vị sản xuất trong nước đâu đó khoảng 10-20%. Còn để thích ứng được với thuế cao như thế này thì cũng phải từ nay đến quý III để xem sức mua của người dân cũng như phản ứng của người dân thế nào".
Theo ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Việt Nam, cần phải có một chiến lược thay đổi về thị trường, đa dạng hóa thị trường, tập trung vào các thị trường mới như châu Âu, chúng ta có EVFTA. Năm nay, thuế quan đã về 0%, đây là một lợi thế. Các nước thành viên trong khối CPTPP mà chúng ta chưa khai thác, có thể tìm những thị trường đó để bù đắp những thiếu thụt từ Mỹ.
Các doanh nghiệp trong ngành dệt may hiện vẫn nghe ngóng tình hình với kỳ vọng Việt Nam có thể đàm phán với Mỹ để có mức thuế phù hợp hơn, bởi việc chuyển đổi thị trường cũng cần thời gian và Mỹ vẫn là thị trường quan trọng.
Nguồn hanoionline