Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khai hạ đầu xuân
Thứ ba: 23:02 ngày 07/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm nay (Quý Mão 2023), cán bộ công chức đi làm từ mùng 6 tết, nhưng các đình Hiệp Ninh, Thái Bình vẫn giữ lệ xưa, làm lễ khai hạ (hạ nêu) vào mùng 7 Tết.

Khai trống tại miếu ông Tà ấp 1.

Nhà văn Sơn Nam, trong sách “Đình miếu và lễ hội dân gian” (Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1992) có viết: “Tại đình có những lễ của thời phong kiến còn sót lại như lễ Niêm ấn và lễ Khai sơn. Vào ngày 25 tháng Chạp, hương chức làm lễ rửa con dấu, bỏ vào hộp niêm kín rồi đóng cửa đình, mồng 7 tháng Giêng trở lại làm việc.

Suốt thời gian hương chức ăn tết có dựng nêu làm hiệu. Ở Nam bộ, đình làng dựng nêu vào ngày 25, trong khi dân gian dựng nêu vào lúc giao thừa. Ngày khai hạ là bắt đầu làm việc nên hương chức cúng thần xã, thần tắc, xách cuốc cuốc vài nhát tượng trưng để dân làng lao vào công việc bình thường…”.

Đến nay, cây nêu với nhà dân hầu như đã không còn nữa nhưng vẫn tồn tại ở một số ngôi đình. Như các di tích lịch sử văn hoá quốc gia (LSVHQG) đình Hiệp Ninh và Thái Bình ở TP. Tây Ninh.

Vào ngày 25 tháng Chạp, Ban Quý tế đình vẫn cho dựng cây nêu trước sân, cạnh trụ cờ. Trụ nêu là một cây tre, róc hết cành chỉ để lại chùm lá ngọn. Người ta lấy 2 cái rế (để nồi nấu), lót giấy hồng điều rồi đặt vào gạo, muối và đủ 5 loại ngũ cốc.

Thêm vài thứ bánh mứt rồi buộc úp 2 chiếc rế lại, treo lên gần ngọn tre. Xong rồi dựng nêu lên đứng trước sân đình. Vài năm gần đây, cây nêu còn được trang hoàng thêm dây đèn nhấp nháy đỏ xanh cùng một phong linh (chuông gió).

Đêm giao thừa, gió đông bấc ào ạt thổi, chuông kêu leng keng bên nhấp nháy đèn màu khiến sân đình trở nên sinh động, huyền bí hơn xưa. Và, cây nêu bây giờ, cũng không chỉ đơn giản là “làm hiệu”. Cây nêu còn mang ý nghĩa xua đuổi yêu ma, tà quái nhân lúc người ta nghỉ tết mà lẻn vào quậy phá.

Năm nay (Quý Mão 2023), cán bộ công chức đi làm từ mùng 6 tết, nhưng các đình Hiệp Ninh, Thái Bình vẫn giữ lệ xưa, làm lễ khai hạ (hạ nêu) vào mùng 7 Tết. Các Ban quý tế sửa sang một mâm cúng lạt gồm xôi, chè, bông trái dâng lên tạ các đấng thần linh đã bảo vệ cho dân gian một cái tết bình an.

Nếu so sánh với truyền thống của lễ hội dân gian Nam bộ mà Sơn Nam đã kể, thì vào dịp tết ở đình làng ngày nay đã không còn lễ Niêm ấn. Đơn giản vì chế độ phong kiến đã “cáo chung”, còn đâu hương chức hội tề nữa mà “niêm ấn”.

Vậy chỉ còn một lễ nghi khai hạ này thôi! Nghi lễ này vẫn còn được duy trì bền bỉ ở không chỉ đình làng, mà còn ở khắp các đền miếu tín ngưỡng dân gian. Dù cho nhiều đền miếu đã không còn tục tệ dựng cây nêu, nhưng vẫn luôn có lễ hạ nêu thịnh soạn. Chợt nhớ đến một ngôi miếu có lễ khai hạ rất đông vui.

Là miếu Bà Cậu ở ấp Lộc Khê, xã Gia Lộc (nay là phường) thị xã Trảng Bàng. Năm nay mùng 7 tháng Giêng vẫn đông đủ bà con các xã lân cận trở về tham dự. Rồi sắp đặt bàn ghế, mâm bát bày cỗ heo quay, gà luộc, cùng nhau ăn uống vui vẻ, chúc mừng nhau một năm mới sum suê ruộng vườn, tràn trề sức khoẻ và hạnh phúc.

Miếu Bà Cậu Lộc Khê rất đông vui. Vì một lẽ, mà nhà thơ Tư Lỹ đã giải thích trong một bài thơ viết chữ to ngay trên vách tường ngôi miếu. Rằng: “Trong thời Pháp thuộc bùi ngùi/ Núi Bà, núi Cậu ngược xuôi khó lòng/ Xe bò, đi bộ dài công/ Tổ chức khai hạ cánh đồng nơi đây”.

Thì ra, dưới thời Pháp thuộc với ách cai trị hà khắc, bà con không còn được thong dong xe bò du xuân lên núi Bà Đen. Vậy họ đã lập ngôi miếu này để tụ họp về đây vào ngày khai hạ, cúng vọng lên.

Theo ý nghĩa ấy, miếu Bà Cậu cũng như một phần (tiền trạm) của ngôi Điện Bà trên núi. Bài thơ cũng cho thấy không khí ngày cúng khai hạ thuở xưa cũng thật tưng bừng. Là: “Mỗi năm khai hạ nơi này/ Nông dân 3 xã nơi đây hội hè/ Rủ nhau tát cá Suối Trê/ Đem lên nấu nướng cúng Bà, khai sơn…”.

Ở Tây Ninh vẫn còn một loại hình khai hạ mang ý nghĩa hoàn toàn khác ở một số miếu thờ Ông Tà. Ngày khai hạ cũng chính là ngày dâng cúng phẩm vật lên ông Tà- một vị thần ruộng, thần rừng theo quan niệm của người Khmer cổ.

Có lẽ trong những ngày lưu dân Việt đi khai hoang mở đất đã gặp những ngôi miếu nhỏ do người Khmer đã bỏ đi để lại. Người Việt với lòng tôn trọng các tín ngưỡng bản địa đã tiếp thu và tiếp tục thờ cúng, làm nên một sự giao thoa văn hoá đặc sắc tồn tại tới ngày nay.

Tại ấp 1, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu có đến 2 ngôi miếu ông Tà. Một ngôi ở gần đường 789 nối sang Bùng Binh- Hưng Thuận, gọi là miếu gò Bàu Đá. Ngôi thứ hai cũng ở gần con đường ấy, nhưng cách Bàu Đá hơn 2 cây số về phía Bắc.

Trong khi miếu Bàu Đá vẫn còn giữ lệ xưa với phong tục giản dị, bà con trong xóm ấp tụ về đem theo sản vật từ nhà đến làm món ăn rồi trải đệm ra sân ăn uống cùng nhau; thì miếu ông Tà ấp 1 Bến Củi lại có quy mô như một lễ hội tưng bừng của xã với băng-rôn, cờ hội lộng bay trong gió dưới tàn cây; có đội lân sư rồng đến múa góp vui cùng các võ sinh trang phục đỏ tươi biểu diễn bài trống võ.

Các cụ già hồ hởi nắm tay nhau, cùng nhớ lại chuyện xưa Bến Củi một thời gian khó, mà nay tất cả đã đổi thay. Trẻ em xúm xít vòng ngoài vòng trong xem lân múa rồng bay. Trai thanh gái lịch tha hồ từng nhóm bên nhau chụp ảnh.

Các mẹ, các chị và cả một vài anh thì tất bật lo toan, luôn tay sửa soạn từng món ăn truyền thống. Nào heo quay, gỏi gà, thịt heo luộc, gà nướng. Đặc biệt không thể thiếu những đôi cá trê nướng trui bày lên các ban thờ, cùng những mâm xôi trắng được lèn chặt, cắt ra trông như miếng bánh giày.

Có thể chưa có hội miếu ông Tà nào ở Tây Ninh có quy mô và đông vui đến thế. Càng về trưa, càng đông người từ các nơi đổ về. Hàng trăm người, kẻ đến, người đi làm náo nức một xóm quê bên bờ sông Sài Gòn đầy ắp màu xanh cây trái.

Quan sát lễ khai hạ tại ấp 1 Bến Củi có thể thấy những giá trị của tinh thần thượng võ, những niềm vui lan toả tinh thần tự nguyện tham gia hoạt động, làm tăng thêm mối gắn kết cộng đồng.

Nét đẹp xa xưa của các loại hình nghệ thuật dân gian, trong đó có những món ăn truyền thống có cả trăm năm của những người khai hoang mở đất. Tinh thần khai hạ thế này, ắt là đất và người Bến Củi sẽ có một năm mới tràn đầy sinh lực để xây dựng mỗi gia đình và quê hương Bến Củi giàu có, văn minh.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục