Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khai thác khoáng sản, cần dự tính kỹ hậu quả để lại
Thứ sáu: 05:31 ngày 26/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đó là mong muốn của nhiều hộ dân (ngụ ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên), khi một doanh nghiệp khai thác khoáng sản gần khu dân cư, tứ cận giáp ranh với đất canh tác nông nghiệp.

Chủ nhân ngôi nhà đang bất an khi hầm mỏ cách nhà khá gần.

Giấy phép khai thác khoáng sản số 406, ngày 23.2.2016, của UBND tỉnh Tây Ninh cho phép Công ty TNHH xây dựng công nghiệp Minh Dũng (Công ty Minh Dũng) khai thác khoáng sản vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực ấp Thạnh Lộc và ấp Thạnh Phước thuộc xã Thạnh Bình.

Cụ thể, diện tích khu vực khai thác là 2,1942 ha, mức sâu khai thác 5m, công suất khai thác 25.000m3/năm (nguyên khối), thời hạn khai thác 4 năm; tổng trữ lượng địa chất cấp 121 toàn mỏ là 109.710m3 vật liệu san lấp, trong đó có 53.210m3 thuộc khu mỏ tại ấp Thạnh Lộc, 56.500m3 thuộc khu mỏ tại ấp Thạnh Phước.

Vì khu mỏ tại ấp Thạnh Phước hiện tại Công ty Minh Dũng không còn khai thác (do đã hết khoáng sản), hơn nữa, bà con chỉ có đơn phản ánh khu mỏ tại ấp Thạnh Lộc, nên trong bài báo này chúng tôi chỉ đề cập đến khu mỏ có trữ lượng 53.210m3.

Xem qua hồ sơ do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp về vấn đề khai thác khoáng sản của công ty trên, chúng tôi nhận thấy tất cả các giấy tờ thủ tục khá đầy đủ, duy chỉ thiếu biên bản lấy ý kiến của người dân có đất tứ cận giáp ranh với khu mỏ tại ấp Thạnh Lộc, một thủ tục không thể thiếu ngay từ khâu quyết định thăm dò khoáng sản.

Qua xác minh trực tiếp các hộ dân, tất cả ý kiến đều khẳng định không hề hay biết gì về sự xuất hiện của khu mỏ. “Chỉ đến khi công ty tiến hành rào chắn hàng rào kẽm gai, sau đó cho máy móc và xe tải chở đất đi, bà con mới biết về sự hiện hữu của khu mỏ.

Chúng tôi không đồng ý với cách làm này, vì tứ cận giáp ranh đều là cây trồng nông nghiệp phục vụ nguồn sống cho người dân địa phương từ bấy lâu nay, đột nhiên có hầm đất rộng hơn 1 ha xen vào chính giữa, lại cho phép đào sâu đến 5m, việc này rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, khả năng nhiều vật nuôi sẽ tử nạn dưới hầm, cũng không thể suốt ngày canh chừng bọn trẻ hay nghịch ngợm...

Mong muốn của bà con chúng tôi là tuyệt đối không được đào hầm đất tại đây”, ông Nguyễn Văn Dánh, một hộ dân có vườn cao su giáp ranh trình bày.

Ý kiến của ông Dánh cũng là nội dung chính trong đơn phản ánh về khu mỏ của gần 10 hộ dân. “Đó là chưa kể xe chở đất ra vào thường xuyên dễ gây hư hỏng đường giao thông nông thôn. Từ hầm mỏ, có hai hướng đường để vận chuyển đất ra ngoài, nhưng không rõ vì lý do gì mà các tài xế cứ thích chọn lối đi cặp bên hông nhà tôi và ngang qua trước cổng 2 trường học (mầm non và tiểu học).

Việc này, góp phần làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông trên đoạn đường các em đến trường, mặt khác, còn gây tiếng ồn và bụi bặm”, bà Lê Thị Nga- một hộ dân có nhà ngay đầu đường rẽ vào khu hầm mỏ góp ý thêm. Được biết, cơ quan chức năng cũng đã có ít nhất 3 biên bản làm việc với gia đình bà Nga về vấn đề bà vừa nêu.

Ngày 8.9.2017, đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Biên, UBND xã Thạnh Bình, Công ty Minh Dũng cùng đi đến thống nhất với nội dung bản cam kết như sau: “… Công ty Minh Dũng cam kết sẽ chia ra cho xe chạy đều trên hai tuyến đường, không tập trung trên tuyến đường cặp bên nhà bà Lê Thị Nga, xe chạy với tốc độ chậm để không gây thiệt hại cho người dân (nếu gây thiệt hại phải bồi thường), không gây ô nhiễm môi trường, cũng như bảo đảm an toàn cho người dân tham gia giao thông”.

Thực tế, đường còn lại cũng bị người dân phản ánh về tiếng ồn, bụi bặm, lo lắng sẽ gây chấn động đến nhà cửa. “Tôi từng chặn xe chở đất để nhắc nhở tài xế phải chạy chậm khi đến khúc cua có bụi cây che khuất tầm nhìn, cũng như hạn chế khói bụi và tránh rung động đến tường nhà”, một hộ dân trên tuyến đường kể lại.

Người dân phản đối việc móc hầm mỏ gần sát đất canh tác nông nghiệp.

Qua khảo sát thực tế khu hầm mỏ cùng 8 hộ dân và đại diện chính quyền địa phương vào sáng 22.1, chúng tôi nhận thấy, tứ cận giáp ranh với hầm khai thác khoáng sản là đất đai sản xuất nông nghiệp của bà con (trồng cây cao su và mì), doanh nghiệp đang khai thác tầng phủ khu mỏ, một số hộ dân phải bổ sung thêm lưới rào với kích thước mắt lưới nhỏ hơn hàng rào của công ty để bảo vệ gia cầm.

Cách nơi khai thác khoáng sản hơn 150m là khu dân cư đông đúc. Khách quan mà nói, hai nhánh đường giao thông nông thôn hướng từ khu khai thác đất ra tỉnh lộ 795 chưa bị hư hỏng, không ghi nhận được trường hợp nào về việc xe tải chở đất gây chấn động đến nhà cửa như người dân lo lắng. Riêng phản ánh về tình trạng xe chở đất chạy nhanh, gây bụi bặm và tiếng ồn, do vào thời điểm chúng tôi đến, khu mỏ không hoạt động nên chưa thể đánh giá.

Trong quá trình tác nghiệp của chúng tôi chúng tôi quan sát, nhiều hộ dân bức xúc khi dẫn chứng từng điểm hầm mỏ được móc khá gần với cây trồng và nhà của một hộ dân. Sau khi đi thực tế xong, các hộ dân đồng nhận xét: “móc hầm như vậy là không thể an tâm được, cần xem xét kỹ hậu quả về mai sau”.

Qua trao đổi với Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường vào sáng 23.1, Sở cũng đã nhận được đơn phản ánh của những hộ dân trên, và đã vào cuộc kiểm tra thực tế đối với Công ty Minh Dũng, kể cả đo đạc về độ sâu của mỏ khai thác khoáng sản đang ngưng hoạt động tại ấp Thạnh Phước để làm cơ sở đánh giá việc thực hiện theo giấy phép 406. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường hiện đang trong quá trình xử lý vụ việc.

Quốc sơn

Tin cùng chuyên mục