Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia
Thứ ba: 09:09 ngày 10/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với việc đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, mỗi năm, Chính phủ, người dân và doanh nghiệp có thể tiết kiệm trên 4.220 tỷ đồng.

Chiều 9.12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội), Văn phòng Chính phủ tổ chức Lễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Chương trình được truyền hình trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự buổi lễ tại điểm cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam- Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. 

Tại điểm cầu Tây Ninh, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành dự lễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự lễ khai trương có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Lễ khai trương là kết quả sau 9 tháng triển khai đề án Cổng dịch vụ công quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 12.3.2019. 

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chánh Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Việc xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, kết nối giữa chính phủ với người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. 

Truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ dichvucong.gov.vn, người dân và doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin thủ tục hành chính (TTHC); thông tin về dịch vụ công; theo dõi trạng thái hồ sơ TTHC; theo dõi việc xử lý các phản ánh, kiến nghị và đánh giá mức độ hài lòng về việc giải quyết TTHC… 

Cùng với đó, Cổng dịch vụ công quốc gia còn đóng vai trò kết nối giữa các dịch vụ công của các bộ, ngành Trung ương và địa phương trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm; tạo dựng một địa chỉ cung cấp thông tin và hỗ trợ việc thực hiện TTHC và dịch vụ công liên tục, minh bạch, chính xác, hiệu quả cũng như chống tiêu cực, tiết kiệm chi phí và tạo một kênh đo lường, kiểm soát chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Với việc đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, mỗi năm, Chính phủ, người dân và doanh nghiệp có thể tiết kiệm trên 4.220 tỷ đồng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, sau khi Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động, người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy nhập vào địa chỉ bằng một tài khoản duy nhất là có thể đăng nhập vào các cổng dịch vụ công cấp bộ, tỉnh để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính, đồng thời có thể tái sử dụng thông tin đã có và tiết kiệm thời gian để chuẩn bị hồ sơ, nhất là những TTHC có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. 

Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 8 dịch vụ công và 2 tiện ích. Cụ thể, có 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố gồm: đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp và cấp điện trung áp. Tại cấp bộ, có 3 dịch vụ công được thực hiện gồm: cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. 2 tiện ích gồm nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp và thanh toán tiền điện. 

Phát biểu tại buổi lễ khai trương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan trong việc chủ động, quyết liệt xây dựng và sớm đưa vào hoạt động Cổng dịch vụ công quốc gia. Hoạt động này sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, cửa quyền, hách dịch, tham nhũng, tạo môi trường đầu tư chống tiêu cực, tham nhũng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương không nên có thái độ buông lỏng, đổ dồn trách nhiệm về Cổng dịch vụ công Quốc gia, mà cần tăng cường hơn nữa sự kết nối liên thông, trao đổi dữ liệu, hướng tới việc kéo giảm các loại TTHC, đồng thời cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, không để xảy ra tình trạng lộ, lọt thông tin.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng ký cam kết triển khai, đưa vào sử dụng và góp phần xây dựng, phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cũng tại lễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và các địa phương đã thực hiện nghi thức ký cam kết điện tử trong việc triển khai, đưa vào sử dụng và góp phần xây dựng, phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đã thực hiện ký cam kết trên máy tính bảng tại chỗ với 6 nội dung. Đó là, Tây Ninh sẽ công bố chính xác, kịp thời những TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; Thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa TTHC, đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện với người dùng trước khi kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; Hằng năm sẽ kết nối, tích hợp thêm 20% dịch vụ công trong tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của bộ, ngành, địa phương với Cổng dịch vụ công quốc gia cho tới khi hoàn thành;

Kịp thời chia sẻ dữ liệu để cung cấp dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp truy cập, khai thác, sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia; Tuân thủ triệt để nguyên tắc “lấy người dùng làm trung tâm” đối với 100% các dịch vụ công cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục