Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khan hiếm heo giống, nông dân khó tái đàn
Chủ nhật: 15:23 ngày 07/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh được khống chế, không còn phát sinh ổ dịch mới, 9/9 huyện, thị xã và thành phố đã công bố hết dịch. Đây là điều kiện hết sức cần thiết để người chăn nuôi heo tái đàn. Tuy nhiên, hiện nay giá heo giống tăng quá cao, nguồn cung lại khan hiếm khiến nhiều người dân gặp khó trong việc tái đàn.

Giá heo giống tăng gấp hai, ba lần

Đến đầu năm 2020, tình hình dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế và kiểm soát tốt, nhiều địa phương công bố hết dịch, nhưng công tác tái đàn gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn cung, đẩy giá heo giống tăng gấp hai, thậm chí gấp ba lần so với trước khi có dịch.

Đàn heo của gia đình ông Võ Tấn Đạt trước khi xuất bán, đón giá heo tăng cao.

Sau khi đàn heo hơn 30 con của gia đình bị tiêu hủy vì dịch tả heo Châu Phi, ông Võ Tấn Đạt (ngụ tại khu phố Bình Nguyên 2, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng) đã phải tận dụng số chuồng nuôi heo bỏ trống này để chuyển đổi sang nuôi vịt xiêm. Mặc dù được chăm sóc tốt, vịt nhanh lớn nhưng giá bán không cao nên sau gần 3 tháng nuôi, gần 200 con vịt xiêm chỉ mang về cho gia đình chưa được 10 triệu đồng.

Sau khi địa phương công bố hết dịch, ông Đạt quyết định vệ sinh lại chuồng trại và tìm mua heo giống về tái đàn. Tuy nhiên, sau khi thăm dò nhiều nơi, ông không khỏi bất ngờ bởi giá heo giống tăng quá cao, tăng gấp hai, ba lần so với lúc trước khi có dịch, trong khi do mới trải qua đợt dịch nên ông Đạt không đủ tiền chọn con giống tốt.

Từ đó, ông Đạt quyết định đầu tư mua hơn 60 con heo lai với giá trên 100 triệu đồng về nuôi tạm. Sau hơn 5 tháng chăn nuôi, nhờ giá heo hơi tăng cao nên vừa qua, sau khi xuất bán toàn bộ số heo này, ông Đạt thu về được gần 500 triệu đồng.

Tuy vậy, theo ông Đạt, nếu dùng toàn bộ số tiền vừa bán heo vừa qua để mua heo giống chất lượng tốt của các trang trại lớn thì lại chẳng được mấy con, bởi hiện tại giá heo con giống đang rất cao, ở mức 180.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/kg, nhưng nguồn này giờ cũng rất khó tìm vì trong đợt dịch vừa qua, rất nhiều hộ có heo bệnh buộc phải tiêu hủy.

Trong khi đó, một số trang trại lớn không xuất bán heo con làm giống mà chỉ bán heo hậu bị từ 80-100 kg/con, với mức giá heo hơi cao hơn thị trường ít nhất 3 triệu đồng/tạ, nếu tính theo thời giá hiện tại, mỗi con heo mua về làm giống, người chăn nuôi phải bỏ ra không dưới 13 triệu đồng.

Cũng giống như ông Đạt, trong đợt dịch tả heo Châu Phi năm 2019 vừa qua, hơn 20 con heo của gia đình ông Đỗ Thanh Sơn, cùng ngụ khu phố Bình Nguyên 2, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng bị tiêu hủy toàn bộ.

Sau một thời gian dài treo chuồng do dịch bệnh, đến nay ông Sơn cũng đã cố gắng gây đàn trở lại, tuy mới chỉ được hai con, trọng lượng khoảng 30 – 40 kg. Ông Sơn cho biết, hai con heo ông đang gây nuôi là của người bà con bên Bình Dương cho, còn hiện tại nguồn heo giống xung quanh địa phương gần như chẳng còn.

Theo ông Sơn, trước đó, ông đã đi dò la nhiều nơi tìm mua heo giống về tái đàn nhưng gần như không có, heo nuôi trong dân thì không còn, nếu có cũng chỉ một số ít là heo lai nhưng giá cao ngất ngưỡng; còn heo trong trại lớn thì họ không bán heo nhỏ, mà chỉ bán heo đủ tạ, với số tiền lớn khiến người nuôi muốn tái đàn cũng không dễ.

Anh Nguyễn Văn Huy tái dàn heo sau dịch.

Anh Nguyễn Văn Huy, người chăn nuôi heo tại ấp Bình Trung, xã Bình Minh, TP.Tây Ninh cho biết, từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, giá heo hơi liên tục duy trì ở mức cao, có lúc lên đến 10 triệu đồng/tạ, nên nhiều người dân đổ xô tìm heo giống về tái đàn.

Trong khi đó, do bị thiệt hại trong đợt dịch tả heo Châu Phi năm 2019, nên nguồn cung heo giống trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là rất ít. Bản thân anh cũng đang loay hoay tìm nguồn heo lấp vào khoảng hơn 15 chuồng còn trốngh. Anh Huy cho biết, hiện tại nhu cầu tái đàn heo là rất cao, mỗi ngày anh nhận được không dưới 5 cuộc gọi nhờ tìm heo con, nhiều người thậm chí còn nói, chỉ cần có heo, không cần biết là heo lai hay heo giống gì cũng bắt nhưng cũng chẳng có.

Bên cạnh việc nhiều người dân đổ xô tái đàn, đón làn sóng giá heo hơi tăng cao, thì việc giá heo giống quá cao cũng là nỗi lo của người nuôi. Một người chăn nuôi heo ở ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu cho biết, nếu mức giá heo hơi duy trì quanh mức từ 7 triệu đồng/tạ trở lên thì người chăn nuôi hiện nay mới có lãi, vì hiện tại để có được một con heo giống khoảng 15kg, người nuôi phải bỏ ra gần 4 triệu đồng, cộng với các loại chi phí, thức ăn chăn nuôi, và nhất là chi phí vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại phải tốn gấn ba, bốn lần so với trước đây.

Thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y cũng tăng

Thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, gia heo liên tục tăng cao. Bên cạnh giá heo hơi tăng do nhu cầu tái đàn lớn, một số mặt hàng “ăn theo” cũng được đà tăng giá, góp phần đẩy giá thịt heo tăng cao, gây khó khăn cho người tiêu dùng. 

Theo anh Nguyễn Thanh Liêm, nhân viên thú y tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành hiện giá thuốc thú y tại các cửa hàng lớn đã bắt đầu tăng, một số loại chỉ tăng nhẹ từ 10 – 20% nhưng cũng có một vài loại tăng gấp đôi, nhất là các loại thuốc sát trùng.

Anh P. người chăn nuôi tại ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thanh chia sẻ, cách nay khoảng 1 tuần, anh đến một cửa hàng thuốc thú y tại phường 2, TP.Tây Ninh để mua 10 bịch thuốc sát trùng hiệu VIRKON’S của Công ty TNHH Bayer Việt Nam thì bất ngờ được chủ tiệm thuốc thông báo với mức giá 25.000/bịch 10g, cao hơn trước đây đến 15.000 đồng. Bên cạnh đó các loại thuốc điều trị một số bệnh khác cũng tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng/chai loại 100ml.

Còn theo anh Nguyễn Văn Huy, từ nhiều tháng nay, giá cám thức ăn chăn nuôi cũng được đà tăng theo giá heo. Cụ thể, giá cám viên của một thương hiệu Hà Lan được anh tin dùng nhiều năm qua, hiện có mức tăng đến 10% so với trước đây. Khiến anh hết sức băn khoăn, với mức giá heo giống cao như hiện nay, cộng với việc tăng giá của các loại thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi sẽ đẩy người chăn nuôi vào thế khó khăn nếu chính phủ quyết định điều tiết giá heo xuống dưới 70.000/đồng/kg.

Giá thịt heo bị đẩy lên cao do thiếu nguồn cung.

Theo một đại lý thức ăn chăn nuôi, việc tăng giá bán thức ăn chăn nuôi được các công ty sản xuất lý giải là do thiếu nguồn cung nguyên liệu. Tuy nhiên, lấy nguyên nhân này để tăng giá bán là chưa thuyết phục, bởi ai cũng biết, trong đợt dịch tả heo Châu Phi vừa qua, tổng đàn heo không chỉ của Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới suy giảm nghiêm trọng, trong khi nguồn cung những loại nguyên liệu như gạo, cám, bắp... đều ổn định. Việc tăng giá bán thức ăn chăn nuôi là điều khó chấp nhận. Tuy vậy, là một khâu trung gian, nên các đại lý cũng không thể nào không tăng giá để bảo đảm lợi nhuận kinh doanh.

Việc tái đàn, tăng đàn heo là việc làm hết sức cần thiết hiện nay nhằm kéo giảm và tiến tới bình ổn thị trường thịt heo. Tuy nhiên, với việc giá heo giống bị đẩy lên cao, cộng với nhiều mặt hàng ăn theo cũng được đà tăng giá, người chăn nuôi cần hết sức thận trọng, bình tĩnh, không nên nóng vội khi tái đàn.

Bên cạnh đó, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thời gian gần đây, dịch tả heo Châu Phi tiếp tục xảy ra tại một số địa phương, hiện dịch bệnh này đã tái phát tại 155 xã, phường, thị trấn của 20 tỉnh, thành phố, số heo buộc phải tiêu hủy lên đến gần 4.000 con.

Nguy cơ dịch tả heo Châu Phi tiếp tục tái phát và lây lan trên diện rộng trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt là trong điều kiện tái đàn, tăng đàn heo ngày càng tăng nhanh như hiện nay. Người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và đăng ký với chính quyền địa phương để nhận được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong phòng ngừa dịch bệnh.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục