Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Điện lực Tây Ninh và các doanh nghiệp viễn thông:
Khẩn trương khắc phục tình trạng dây cáp viễn thông chằng chịt
Thứ năm: 14:57 ngày 21/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo phản hồi của Công ty Điện lực Tây Ninh và các doanh nghiệp viễn thông (DNVT), các đơn vị này đã có kế hoạch chỉnh trang, làm gọn và khẩn trương khắc phục.

Thực trạng dây cáp viễn thông chằng chịt, chùng rối như mạng nhện, vướng víu cây xanh, trụ điện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho lưới điện, cho người và phương tiên lưu thông... tại nhiều khu vực thành thị và nông thôn vừa được phản ánh trên Báo Tây Ninh. Theo phản hồi của Công ty Điện lực Tây Ninh và các doanh nghiệp viễn thông (DNVT), các đơn vị này đã có kế hoạch chỉnh trang, làm gọn và khẩn trương khắc phục.

Tăng cường kiểm tra, rà soát

Ông Phạm Ngô Hoàng Trang- Phó Giám đốc Đầu tư Xây dựng Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết, đến hết năm 2023, đã có 151 tuyến đường, chiều dài hơn 281 km được ngành Điện và các DNVT chỉnh trang, bó gọn. Tổng kinh phí thực hiện trên 14,4 tỷ đồng, trong đó Công ty ĐLTN chịu chi phí 9,4 tỷ đồng (chiếm 65%), các đơn vị viễn thông chịu chi phí 5 tỷ đồng (chiếm 35%).

Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều địa phương kiến nghị cần có biện pháp thu gọn các loại dây cáp hoặc ngầm hoá các loại dây điện, cáp viễn thông để bảo đảm mỹ quan, an toàn cho người dân, ông Trang bày tỏ, giải pháp thu gọn các tuyến dây cáp là một yêu cầu chính đáng, không chỉ vì tính thẩm mỹ mà còn vì an toàn của người dân.

“Các đơn vị viễn thông phải thường xuyên kiểm tra, chủ động khắc phục các vị trí treo không đúng quy định, tránh xảy ra sự cố lưới điện, làm gián đoạn cung cấp điện, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông”.

Thống kê của Điện lực Tây Ninh, trong hai năm 2021-2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 sự cố lưới điện do dây cáp thông tin, cáp viễn thông vướng vào lưới điện. Nguyên nhân phần lớn sự cố do xe tải máng đứt cáp thông tin văng vào đường dây gây phóng điện. Trong năm 2023 đã xảy ra 1 vụ cháy cáp quang phát sinh nhiệt dẫn đến phóng điện thiết bị gây sự cố lưới điện. 

Theo ông Trang, công tác chỉnh trang, bó gọn cáp đã tạo hiệu ứng tích cực từ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước. Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các đơn vị viễn thông treo cáp trên trụ điện, Điện lực Tây Ninh yêu cầu các đơn vị phải tuân thủ quy định về quản lý kỹ thuật, an toàn điện khi thiết kế và thi công. Ngoài các tuyến cáp đã được chỉnh trang, cần phối hợp thực hiện công tác bó gọn, chỉnh trang đối với các tuyến còn lại.

“Điện lực Tây Ninh và các DNVT thường xuyên thông tin, hỗ trợ xử lý kịp thời các vị trí mất an toàn cần khắc phục sửa chữa, cũng như các phản ánh của người dân về cáp viễn thông. Đối với các đơn vị viễn thông đang sử dụng chung hệ thống trụ điện, Điện lực Tây Ninh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp phối hợp chỉnh trang để đảm bảo an toàn”- ông Trang nói.

Nhiều nguyên nhân

Giải thích nguyên nhân, ông Lê Đức Hoà Bình- Phó Giám đốc VNPT Tây Ninh cho biết dây cáp, đặc biệt là đường dây thuê bao sau thời gian sử dụng, dưới các tác động vật lý như giông, gió và nhiệt độ sẽ tác động lớn đến dây cáp, làm dây co giãn và chùng thấp.

Nhiều đơn vị thi công các công việc khác trên mạng lưới, do lực chạm vào dây cáp, làm cho các đường dây cáp bị xuống cấp, dẫn đến giãn; lực trọng trường tác động làm cho các đường dây cáp treo trên cột có khuynh hướng bị chùng xuống giữa các khoảng cột, dẫn đến hiện tượng bị trượt cáp tại các vị trí cố định nên không còn bảo đảm như lúc được lắp đặt ban đầu.

Một số vị trí không được bảo dưỡng, căng chỉnh thường xuyên hoặc thu hồi các đường dây hết sử dụng kịp thời đã để thừa thải trên mạng lưới, làm cho mạng cáp bị rối, ảnh hưởng đến mỹ quan. Mặt khác, một số trường hợp trên cùng hướng tuyến có nhiều dây thuê bao nhưng không được thay thế bằng sợi cáp lớn hơn; kỹ thuật thao tác chưa đảm bảo quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong việc lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông đã để xảy ra tình trạng thừa dây thuê bao tại các cột treo cáp, hoặc buộc cố định chưa đảm bảo khoảng cách gần, dẫn đến tình trạng dây chùng, luộm thuộm, không gọn gàng, các loại dây đan xen vào nhau trên cùng một cột điện ngày càng khá phổ biến.

Viettel Tây Ninh đang quản lý 1.830 tuyến cáp, với chiều dài 6.135 km. Trong đó, 90% tuyến cáp được treo trên hệ thống cột điện lực sử dụng chung hạ tầng và 10% tuyến cáp treo trên hạ tầng cột bê tông ly tâm do Viettel Tây Ninh đầu tư.

Theo Trung tá Phạm Thanh Sơn- Giám đốc Viettel Tây Ninh, các tuyến cáp treo xảy ra hiện tượng chùng thấp được nhận định do nhiều nguyên nhân như: di dời mở rộng đường lộ giới phải thực hiện di dời cáp, các trường hợp bị sự cố đứt cáp đã thay mới nhưng chưa thu hồi triệt để phần cáp hư hỏng, không sử dụng... dẫn đến số lượng cáp treo trên cột tăng thêm, gây rối và chưa quản lý tốt.

Ông Sơn cho biết thêm, từ năm 2013 - 2021, Viettel Tây Ninh đã phối hợp các đơn vị tổ chức rà soát và thực hiện chỉnh trang, bó gọn 255,5 km cáp viễn thông treo trên trụ điện lực tại 122 tuyến đường. Đồng bộ các giải pháp ngầm hóa hạ tầng cáp viễn thông giữa các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. 

Trong năm 2022-2023, đơn vị đã thực hiện 52,6 km tại các tuyến đường, hẻm thuộc khu vực TP. Tây Ninh, huyện Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng và Hoà Thành. “Thời gian qua, Viettel Tây Ninh luôn chấp hành triển khai cáp đúng các quy chuẩn lắp đặt tuyến cáp mới theo quy định của cơ quan nhà nước. Về chi phí, Viettel Tây Ninh là đơn vị có đóng góp nhiều nhất, với 74,37% chi phí nhân công bó cáp trên toàn tỉnh”.

Đã có kế hoạch chỉnh trang, làm gọn mạng cáp

Có nhiều ý kiến cho rằng, ngầm hoá cáp được coi là giải pháp triệt để nhất. Tuy nhiên, nếu theo phương án này, rõ ràng có hiệu quả nhưng lại không đem lại hiệu quả kinh tế cho các DNVT, vì quá tốn kém, cần phải có nguồn đầu tư rất lớn. Do đó, giải pháp trước mắt là chỉnh trang, bó gọn các tuyến dây cáp trên trụ điện và cột thực hiện.

Theo ông Lê Đức Hoà Bình, VNPT Tây Ninh chọn giải pháp tiếp tục đầu tư trụ riêng để dễ xử lý, và đây là đơn vị viễn thông duy nhất có cột treo cáp riêng. Hiện VNPT có 79.800 cột chuyên ngành và 3.913 cột điện lực (chiếm 4,67%) đang thuê sử dụng.

Khoảng 3 năm nay, DNVT này thu hồi khoảng 450 km cáp đồng không còn sử dụng mỗi năm mà thay thế cáp quang nhỏ, gọn hơn. Kế hoạch năm 2024, đơn vị sẽ thực hiện chỉnh trang, bó gọn hơn 20 km cáp viễn thông và cáp quang tại các tuyến Trường Hoà- Chà Là, Khu du lịch Núi Bà, đường ĐT.787B, ĐT.789 (TX Trảng Bàng), đường Nguyễn Chí Thanh (TX. Hoà Thành), cùng các tuyến đường chính theo yêu cầu của địa phương.

“Chúng tôi có đầu tư đường cột riêng, rất ít đi chung cột với điện lực, nên luôn chủ động trong việc căn chỉnh cáp. Giải pháp của đơn vị là thường xuyên tổ chức bảo dưỡng, căng chỉnh cáp, dây thuê bao, thu hồi các đường dây, tủ hộp cáp hết sử dụng trên mạng lưới.

Đồng thời, giao nhiệm vụ kiểm tra, tuần tra các tuyến cáp để kịp thời xử lý khi phát hiện các đoạn cáp, tuyến cáp bị chùng, không bảo đảm chất lượng, an toàn”- ông Bình thông tin thêm, VNPT tổ chức hạ ngầm trên 90% đường dây kéo treo đến tận nhà khách hàng, tại các khu vực tập trung dân cư như: đường 30/4 TP. Tây Ninh, Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Khu công nghiệp Linh Trung III, Thành Thành Công, các khu phố thương mại, khu hành chính trên địa bàn huyện Gò Dầu và TX. Trảng Bàng...

Trung tá Phạm Thanh Sơn cho biết, Viettel Tây Ninh có lực lượng kỹ thuật được phân bổ tại các huyện, thường xuyên thực hiện tuần tra bảo vệ tuyến cáp theo các mốc thời gian quy định 1 lần/tháng đối với tuyến cáp liên tỉnh và 2 lần/tháng với các tuyến cáp nội tỉnh, liên huyện để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ mất an toàn.

Năm 2024, bên cạnh vốn đầu tư do doanh nghiệp bảo đảm triển khai ngầm hoá cáp viễn thông đường CMT8, đường Bời Lời, Viettel Tây Ninh dự kiến sẽ phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty Điện lực Tây Ninh, FPT Tây Ninh Trung tâm Truyền hình cáp - VTV Cab triển khai chỉnh trang, bó gọn khoảng 78,2 km cáp tại 49 tuyến đường trên địa bàn tỉnh.

“Sở Thông tin và Truyền thông khuyến nghị người dân thực hiện phản ánh hiện trạng hạ tầng viễn thông qua các kênh tiếp nhận: 1022 Tây Ninh; ứng dụng Tây Ninh Smart và Tổng đài 1022. Tất cả các phản ánh đều được Sở tiếp nhận, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị có liên quan phối hợp xử lý kịp thời”.

Ông Trần Quốc Hùng- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tây Ninh

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục