Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khẩn trương nhập khẩu thuốc hiếm cứu người
Thứ ba: 10:11 ngày 23/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Có sẵn nguồn thuốc hiếm giải độc là điều các bác sĩ mong muốn để sớm trả người bệnh trở về cuộc sống, thay vì nằm thở máy 3-6 tháng với rất nhiều rủi ro

Liên quan việc hết thuốc giải độc botulinum điều trị cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn chả lụa bán dạo ở TP Thủ Đức, TP HCM, ngày 22-5, đại diện Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho biết hiện nguồn cung thuốc giải độc botulinum vẫn có, các bệnh viện đang liên hệ để đặt hàng.

Chi phí thở máy cao hơn thuốc giải độc

"Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới đề nghị hỗ trợ thuốc trong tình huống Việt Nam không mua được thuốc giải độc botulinum" - Cục Quản lý dược thông tin thêm.

Về tình hình sức khỏe của các bệnh nhân, chiều 22-5, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay có 7 người bị ngộ độc botulinum do ăn chả lụa bán dạo ở TP Thủ Đức. Trong nhóm 4 người cùng gia đình thì 1 người lớn bị nhẹ, đã khỏe hẳn. Riêng 3 em nhỏ thì 1 em đã khỏe hẳn, 2 em còn thở máy, sức cơ cũng đã dần hồi phục.

Riêng nhóm 3 người lớn ngộ độc botulinum phát hiện sau (18 tuổi, 26 tuổi và 45 tuổi) hiện phải thở máy, sức cơ chỉ còn 0/5, có nghĩa là đã liệt hoàn toàn. "Liệt tay chân thì chưa nguy hại tính mạng nhưng liệt cơ hô hấp là nguy hiểm, dẫn đến suy hô hấp cấp và có thể tử vong nếu không điều trị hỗ trợ" - bác sĩ Hùng lo ngại.

Một trong 3 bệnh nhân người lớn ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Bác sĩ Hùng cho biết việc thở máy lâu dài dẫn đến rất nhiều biến chứng. "Đứng về góc độ kinh tế, trong 3-6 tháng chăm sóc một người liệt nằm thở máy lâu dài thì chi phí còn nặng hơn so với một liều thuốc giải độc vài ngàn USD. Có nguồn thuốc chủ động là điều bác sĩ chúng tôi vô cùng mong muốn để giải quyết sớm nhất và trả người bệnh trở về cuộc sống" - BS Hùng nhấn mạnh.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bác sĩ Cao Tấn Phước, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, cho biết hiện bệnh viện không lưu trữ các loại thuốc hiếm, khi có ca bệnh thì sẽ chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Bởi những thuốc hiếm như điều trị ngộ độc botulinum hoặc kháng nọc rắn thỉnh thoảng mới có một ca. Nếu bệnh viện lưu trữ tại kho của mình mà không có ca bệnh, để thuốc quá hạn phải hủy rất phí, hơn nữa, bệnh viện không đủ tiền mua.

"Do đó, cần có một trung tâm lưu trữ thuốc hiếm đặt ở các cơ sở y tế lớn để khi có bệnh nhân thì sẽ được chuyển đến đó hoặc phân phối thuốc điều trị" - bác sĩ Phước đề xuất.

Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hiệp Phát, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết thuốc hiếm như thuốc BAT giải độc botulinum giá rất đắt, từ vài ngàn USD đến hàng chục ngàn USD trong khi hạn sử dụng ngắn, bảo quản gắt gao hơn cả vắc-xin (âm 40 độ C).

Trước quan điểm thành lập trung tâm lưu trữ thuốc hiếm tại mỗi địa phương, theo bác sĩ Phát, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ở đây, quan trọng nhất là tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức, tránh sử dụng thực phẩm không an toàn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm cần gắt gao hơn trong việc quản lý. "Thuốc mắc tiền, bảo quản khó mà mỗi tỉnh mỗi có thì rất phí. Nên chăng, chỉ để trung tâm lưu trữ thuốc hiếm tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM" - bác sĩ Phát nêu quan điểm. 

Sẽ có 6 trung tâm lưu trữ thuốc hiếm?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo Nghị quyết số 30/NQ-CP về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế của Chính phủ, trong quý III/2023, Bộ Y tế sẽ phải báo cáo cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch, trong đó giao các đơn vị đề xuất, lấy ý kiến của các cơ sở y tế; sau đó bộ sẽ tập hợp, đề xuất giải pháp cơ chế mua sắm, quản lý sử dụng và thanh quyết toán đối với nhóm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Với danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có, Bộ Y tế đề xuất giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc; chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn.

Hiện nước ta có 6 vùng kinh tế - xã hội gồm: Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, lựa chọn các bệnh viện trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn mỗi vùng để giao quản lý, hướng dẫn sử dụng, điều phối thuốc hiếm.

Nguồn NLDO

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh