Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả heo châu Phi.
Theo UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) xảy ra tại 50/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, buộc tiêu huỷ 93.261 con heo, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, cả nước có 354 ổ dịch tại 120 huyện của 33 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Riêng tại khu vực 11 tỉnh miền Đông Nam Bộ do Chi cục Thú y vùng VI quản lý có 33 xã, 18 huyện ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bến Tre và Tiền Giang có bệnh DTHCP chưa qua 21 ngày với tổng số heo tiêu huỷ là 1.939 con.
Luỹ kế từ đầu năm đến nay cả vùng có 78 xã, 32 huyện của 07 tỉnh (Bến Tre, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) có bệnh DTHCP, tổng số heo tiêu huỷ là 4.392 con.
Tại Tây Ninh, ngày 22.9.2021 phát sinh 1 trường hợp DTHCP tại 1 hộ chăn nuôi có tổng đàn 21 con thuộc ấp Tân Hoà, xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Sau đó, DTHCP tiếp tục xảy ra tại các xã khác của huyện Tân Biên như Tân Phong, Tân Bình, Mỏ Công, Thạnh Tây. Tính đến ngày 27.9.2021, số heo chết và tiêu huỷ là 50 con, trọng lượng 2.286 kg. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Tân Biên xử lý theo quy định.
Do tính chất nguy hiểm của dịch bệnh như lây lan nhanh, tồn tại lâu, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu nên khả năng lây ra diện rộng rất cao. Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn hỗ trợ tài chính công tác phòng, chống bệnh DTHCP tại địa bàn tỉnh để UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện; đề xuất, tham mưu UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ chủ nuôi có heo bị tiêu huỷ bắt buộc do bệnh DTHCP đúng theo quy định.
Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại; công tác phòng, chống dịch; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi, thú y cơ sở các biện pháp phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để heo bệnh; Tăng cường quản lý nguồn gốc heo vào cơ sở giết mổ; thương lái đưa heo vào cơ sở giết mổ phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, tránh để heo bệnh vào cơ sở giết mổ làm lây lan dịch bệnh ra các địa bàn khác; Tổ chức đợt vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng chống DTHCP và các bệnh gia súc, gia cầm khác trên địa bàn tỉnh, thời gian từ ngày 1.10.2021 đến ngày 1.11./2021; Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị nhân lực, vật tư, hóa chất, bảo hộ lao động, phương tiện, dụng cụ lấy mẫu… để kịp thời xử lý ổ dịch.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT tham mưu trình UBND tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Y tế và các đơn vị liên quan hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố công tác bảo vệ môi trường (xử lý nước thải, rác thải, phân,…) và tiêu huỷ xác heo bị nhiễm bệnh đảm bảo, an toàn vệ sinh môi trường; Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi xả thải trong chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh.
Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển của cơ quan thú y; hành vi xả thải, vứt xác động vật ra môi trường.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong việc ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trái phép trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở ra, vào địa bàn tỉnh; Tổ chức tuyên truyền, vận động cho Nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, sản phẩm gia súc nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát tổng đàn chăn nuôi heo trên địa bàn, báo cáo về Sở NN&PTN trước ngày 12.10.2021; Tổ chức kê khai chăn nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi; Phối hợp với Sở NN&PTNT và các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, đặc biệt là vận chuyển heo để nuôi thương phẩm và heo đến cơ sở giết mổ trên địa bàn, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan; xử lý nghiêm theo quy định; Chỉ đạo UBND các xã (phường, thị trấn) chuẩn bị sẵn sàng việc xử lý ổ dịch phát sinh để không bị động, lúng túng khi có dịch xảy ra. Tổ chức xử lý tiêu huỷ heo bệnh kịp thời, bảo đảm yêu cầu không để lây lan dịch bệnh, không để gây ô nhiễm môi trường.
Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh; vận động Nhân dân thực hiện “05 KHÔNG” trong phòng, chống dịch: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Tăng cường quản lý hoạt động giết mổ động vật trên địa bàn; rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ lậu.
Tại các huyện, thị xã, thành phố giáp với địa phương đang có dịch, bố trí đầy đủ lực lượng liên ngành: Thú y, Quản lý thị trường, Công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ đối với heo và sản phẩm heo vận chuyển qua địa bàn.
Riêng đối với huyện đang có dịch (huyện Tân Biên), thành lập Đội kiểm tra liên ngành gồm: Thú y, Quản lý thị trường, Công an và chính quyền địa phương kiểm tra và xử lý nghiêm, triệt để các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc nhập lậu hoặc không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y; Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch; Tổ chức điều tra, truy tìm nguyên nhân cụ thể để có giải pháp phòng chống hữu hiệu.
Tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các xã có dịch (Tân Lập, Tân Phong, Mỏ Công, Tân Bình, Thạnh Tây) và vùng bị dịch uy hiếp (các xã tiếp giáp xã có dịch), thực hiện tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên, 03 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo. Ở vùng đệm, là các xã tiếp giáp với vùng bị dịch uy hiếp, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc với tần suất 1 lần/ tuần liên tục cho đến khi kết thúc ổ dịch.
Đ.H