Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Việc tuyển dụng giáo viên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý ưu tiên tuyển dụng cho những điểm trường khó khăn, vùng sâu vùng xa.
Thầy và trò Trường Tiểu học Tân Khai (ấp Tân Khai, xã Tân Lập). Ảnh: Tâm Giang
Sau khi khảo sát ở các địa phương, chiều 25.5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình “việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông, giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cùng các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Đài Thy chủ trì phiên giải trình. Tham dự phiên giải trình có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong, đại diện chính quyền các địa phương, lãnh đạo Sở GD&ĐT.
Giáo viên mới ra trường thu nhập thấp
Sau khi nghe báo cáo tổng hợp đợt khảo sát của Ban Văn hoá - Xã hội và báo cáo của Sở GD&ĐT (đơn vị giải trình), thành viên dự buổi làm việc nêu nhiều vấn đề đang tồn tại trong ngành Giáo dục, cần tháo gỡ, giải quyết, ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá, thu nhập của giáo viên mới ra trường còn thấp, “nhiều người tiếp tục công tác trong ngành chỉ vì yêu nghề”.
Bà Huỳnh Vương Hiếu, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh nêu, số giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc hằng năm cao hơn số giáo viên tuyển mới. Bà Hiếu đề cập thực trạng lãng phí cơ sở vật chất ở Trường CĐSP Tây Ninh, sinh viên theo học không nhiều, tại sao Tây Ninh không tăng chỉ tiêu đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh đề nghị làm rõ hơn giữa việc đào tạo và tuyển dụng (số sinh viên sư phạm tốt nghiệp và số sinh viên được tuyển dụng).
Bà Nguyễn Thị Chi- Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu tình trạng máy vi tính ở Trường THPT Lương Thế Vinh hầu hết hư hỏng hoặc xuống cấp, không sẵn sàng hoạt động. Đối với chuyện thừa thiếu giáo viên, bà Chi cho rằng cần xem xét bố trí, điều chuyển giáo viên sao cho hợp lý. Ông Dương Quốc Khánh- Chánh Văn phòng HĐND tỉnh nêu chuyện thiếu thiết bị dạy học, đồng thời đề nghị lãnh đạo ngành Giáo dục làm rõ thêm hoạt động của Trường CĐSP Tây Ninh.
Ông Nguyễn Trọng Tấn- Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh nêu vấn đề: ngoài những nguyên nhân đã biết, còn nguyên nào khác khiến việc tuyển dụng giáo viên khó khăn? Theo ông Tấn, nếu chỉ tính lương, lương giáo viên không hề thấp, thậm chí cao hơn so với viên chức ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Ông Tấn cũng nêu chuyện tưởng nhỏ nhưng không nhỏ, đó là trường học cần vệ sinh tốt hơn, cảnh quan sư phạm xanh, sạch, đẹp hơn, hiện nay nhiều trường chưa thật sự sạch sẽ, ngăn nắp.
Ông Thành Từ Dũ- đại biểu HĐND tỉnh, Bí thư Huyện uỷ Tân Biên nêu, giáo viên ở khu vực ấp Tân Khai, xã Tân Lập, sau khi ra trường, trừ mỗi tháng 1 triệu đồng tiền xăng (vì đường xa) thì tổng thu nhập chỉ còn hơn 2 triệu đồng/tháng.
Ông Dũ đề nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết việc thực hiện Nghị định 116 (đào tạo theo địa chỉ) thực hiện đến đâu? Việc mời giáo viên nghỉ hưu tiếp tục dạy, Tân Biên đã áp dụng nhưng hiệu quả không cao, vì những người lớn tuổi không quen áp dụng công nghệ, thù lao mỗi tiết dạy thấp. Ông Dũ còn đề nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết việc sắp xếp, sáp nhập trường, lớp thực hiện thời gian qua như thế nào, hiệu quả ra sao…
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh cho rằng các giải pháp đưa ra để khắc phục chuyện thiếu giáo viên chưa thật thuyết phục.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai ba năm nhưng chưa có thiết bị dạy học, vướng ở đâu?- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong nêu vấn đề. “Hiện nay tỉnh nào cũng tuyển giáo viên, địa phương nào có chế độ, chính sách tốt hơn (ngoài của Trung ương) thì họ đến.
Tỉnh Tiền Giang hỗ trợ cho giáo viên trường khó khăn nhất, xa nhất 3,5 triệu đồng/tháng, Tây Ninh chưa có chính sách này”- ông Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Ban Pháp chế của HĐND tỉnh thông tin. Ông Thanh cho biết thêm, tỉnh Tiền Giang và Hà Tĩnh đều có chính sách hỗ trợ giáo viên dạy liên trường (một giáo viên dạy nhiều trường).
Bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh bình luận, chuyện thiếu giáo viên đã xảy ra từ lâu, vấn đề hiện nay là giải pháp để khắc phục tình trạng này. Bà Đài Thy đề nghị lãnh đạo ngành Giáo dục cần xem lại chủ trương tự đào tạo, vì có một số giáo viên bỏ việc sau khi phải tự đào tạo nâng cao trình độ. UBND tỉnh đã bố trí vốn để mua sắm trang thiết bị dạy học nhưng ngành Giáo dục trả lại, chưa mua sắm được thiết bị giáo dục, đề nghị làm rõ hơn câu chuyện này.
Ông Lê Ngọc Ẩn- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành “hiến kế” đề nghị tuyển chính học sinh phổ thông tại địa phương vùng sâu vùng xa học sư phạm, sau khi tốt nghiệp, những em này sẽ về dạy ở ngôi trường mình học trước đây, như vậy không lo chuyện giáo viên chuyển trường.
Nguyễn Thị Kim Thanh- một trong những giáo viên trẻ hằng ngày cần mẫn “gieo chữ” cho học sinh vùng biên giới ấp Tân Khai, xã Tân Lập, Tân Biên. Ảnh: Tâm Giang
Kết thúc năm học nhưng chưa có thiết bị dạy học
Ông Lê Long Giang- Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết tiếp thu ý kiến về việc có nên rút giáo viên biệt phái làm việc tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Học tập cộng đồng về dạy học tại trường phổ thông hay không, sau đó báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Phát biểu tại phiên giải trình, ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT cho biết, về công tác đào tạo theo địa chỉ, tại Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh chỉ có 63 sinh viên của Long An và Ninh Thuận nhưng đến nay cả hai địa phương chưa quyết toán được kinh phí đào tạo.
Việc tự đào tạo nâng chuẩn theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, ngày 30.6.2020 của Chính phủ về việc quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, ông Phước thông tin, đến cuối năm 2022, các trường đại học (nơi đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên) mới xây dựng xong định mức kinh tế - kỹ thuật, vì thế chưa tổ chức được lớp học này. Mặt khác, việc cử giáo viên Tây Ninh học nâng chuẩn ở TP. Hồ Chí Minh rất bất tiện, khó khăn, vì thế phương án tối ưu là tổ chức lớp học ở Tây Ninh.
Đối với môn tích hợp ở cấp THCS, ông Phước cho biết, bắt đầu từ khối lớp 8, giáo viên môn học nào vẫn được phân công dạy phân môn đó. Việc trang bị cơ sở vật chất, hiện tại chưa thực hiện được do liên quan công tác đấu thầu.
Tham mưu chậm
Chủ trì hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm hỏi lãnh đạo Sở GD&ĐT có đề xuất gì về chính sách để trình HĐND tỉnh hay không? Ông Phước trả lời, Sở GD&ĐT đang xây dựng chính sách (dự thảo) để kịp trình kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh.
Ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhìn nhận, việc tham mưu, đề xuất chính sách của ngành Giáo dục còn chậm. Bậc học mầm non thiếu giáo viên là do mức thu nhập thấp- ông Võ Đức Trong nhận định. Lương thấp, học sinh không học hoặc học xong nhưng không vào ngành.
Điều tiết giáo viên tuy hợp lý nhưng chỉ có tính tình thế, về căn cơ, phải tính đến chính sách thu nhập. “Trước mắt, xây dựng chính sách đối với giáo viên mầm non, cố gắng tháng 7.2023 trình HĐND tỉnh”- ông Võ Đức Trong thông tin.
Bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị rút toàn bộ giáo viên khỏi Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Học tập cộng đồng về các trường để dạy học. Mặt khác, cần khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên vùng sâu vùng xa, sớm mua sắm thiết bị phục vụ công tác giảng dạy của giáo viên.
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đánh giá, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục, giải quyết nhiều vấn đề của ngành. Tuy vậy, sau nhiều phiên chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, những vấn đề của ngành Giáo dục vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Việc tuyển dụng giáo viên, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý ưu tiên tuyển dụng cho những điểm trường khó khăn, vùng sâu vùng xa. “Đề nghị UBND tỉnh khẩn trương xây dựng chính sách để hỗ trợ giáo viên vùng sâu vùng xa”- Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Ngành Giáo dục sớm mua sắm trang thiết bị dạy học, sử dụng có hiệu quả, không gây lãng phí. Về lâu dài, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh rà soát, đánh giá để có kế hoạch dài hạn phát triển đội ngũ giáo viên.
Việt Đông