Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Qua đơn bạn đọc
Kháng cáo vì bị buộc phải đền bù tiền sử dụng đất cho lối đi chung
Chủ nhật: 10:38 ngày 17/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Trường hợp nếu nguyên đơn phải đền bù tiền sử dụng đất cho cả tuyến đường như bản án sơ thẩm đã tuyên, thì về lý, con đường phải thuộc về tài sản riêng của bên phía chi tiền đền bù, theo đó cũng có quyền rào chắn và sử dụng riêng. Lưu ý, thực tế, hộ ông Nhiều và ông Sử cũng chỉ có con đường này để vào khu đất của gia đình” - bà Lắm nói.

“Bản cam kết chừa lối đi chung đã được Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an xác định rõ chính vợ chồng anh Nhiều có ký tên vào đó, tức trước đây từng có sự thoả thuận về lối đi chung. Việc Toà án cấp sơ thẩm buộc nguyên đơn phải đền bù tiền sử dụng đất cho cả tuyến đường là vấn đề cần xem xét lại”. Đó là ý kiến của ông Trần Văn Trị, ngụ khu phố Ninh Trung, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh.

Ông Trị cho biết, ông Sử đã cố ý trồng cây lâu năm lấn vào phạm vi đất đường đi chung.

Theo đơn trình bày của ông Trần Văn Trị và vợ là bà Tạ Thị Mỹ Nhân, trước đây, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bon có chuyển nhượng cho anh Nguyễn Hoàng Tuấn và chị Nguyễn Ngọc Minh Tâm một phần đất diện tích 1.557,1 m2, thuộc thửa số 267, tờ bản đồ số 15, hiện nay toạ lạc tại khu phố Ninh Thành, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh.

Ông Bon cùng vợ chồng người con trai là anh Nguyễn Văn Nhiều có làm một tờ cam kết vào ngày 6.7.2011 về việc chừa lối đi chung. Lối đi này có chiều ngang 3m, dài đến phần đất của anh Tuấn đã nhận sang nhượng. Đến năm 2014, ông Bon tặng cho anh Nhiều một phần đất giáp ranh với đất của anh Tuấn và chị Tâm.

Khoảng cuối năm 2014, anh Tuấn, chị Tâm đã chuyển nhượng phần đất 1.557,1m2 cho vợ chồng ông Trị (đo đạc thực tế còn 1.259,3m2). Cơ quan chức năng cũng đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho vợ chồng ông Trị vào khoảng thời gian đó. Năm 2015, anh Nhiều chuyển nhượng phần đất giáp ranh với đất của ông Trị cho anh Đoàn Thanh Sử và vợ là chị Đoàn Thị Kim Cẩm.

Trong quá trình sử dụng đất, anh Sử đã tiến hành trồng cây dừa lấn vào con đường đi chung. Năm 2018, vợ chồng ông Trị sang nhượng phần đất trên cho bà Đặng Kim Lắm nhưng chưa sang tên. Trước tình hình con đường đi chung ngày càng xuống cấp, cuối đường bị thu hẹp do cây trồng lấn chiếm. Bà Lắm chủ động chi tiền để sửa cống ngang đường, chuẩn bị thi công nâng cấp cả con đường thì vấp phải sự ngăn cản từ hộ anh Sử và anh Nhiều. Vụ việc sau đó được vợ chồng ông Trị nộp đơn khởi kiện tại TAND thành phố Tây Ninh, yêu cầu các bên có đất liên quan phải trả lại con đường đi chung theo tờ cam kết trước đó.

Trong Bản án dân sự sơ thẩm số 167 ngày 30.11.2018 của TAND thành phố Tây Ninh, bị đơn Đoàn Thanh Sử cho biết khi mua đất của anh Nhiều không thể hiện con đường đi chung như đang đề cập. Từ trước đến nay, ông Trị muốn vào khu đất của mình phải đi nhờ qua đất của vợ chồng anh Dũng (có nhà ngay đầu đường đang tranh chấp và giáp với đường nhựa Trần Văn Trà), anh Nhiều, anh Sử.

Anh Sử còn trình bày, phần đất được cho là đường đi chung chưa bị rào chắn hay trồng cây lâu năm lấn chiếm. Thực tế, vẫn còn lối đi khác dẫn đến khu đất của ông Trị. Anh Sử không đồng ý trả lại con đường theo yêu cầu của nguyên đơn, anh chỉ cho ông Trị đi nhờ qua đất nhưng với điều kiện phải đi bộ hoặc bằng phương tiện xe hai bánh.

Cũng trong Bản án số 167, người đại diện phía anh Nhiều khẳng định anh Nhiều đã không ký tên vào tờ cam kết chừa lối đi chung đề ngày 6.7.2011, nên cũng thống nhất theo hướng ý kiến của anh Sử. Về phía anh Dũng cho hay, anh có mua một phần đất của cha mẹ là ông Bon và bà Bông ngay tại đầu đường đất đang tranh chấp nhưng chưa sang tên.

Anh Dũng cũng không đồng ý trả lại con đường theo yêu cầu của vợ chồng ông Trị, đồng thời chỉ cho đi nhờ ngang qua đất, thông cảm khi cần vận chuyển vật tư có thể sử dụng xe bốn bánh. Riêng anh Tuấn và chị Tâm quả quyết, phần đất mà anh chị mua lại từ ông Bon nằm ở vị ví trong cùng, muốn vào thửa đất phải đi qua bất động sản của gia đình ông Dũng, ông Nhiều, ông Sử. Do đó, tờ cam kết chừa đường đi chung ngang 3m như đã ký là điều kiện thoả thuận bắt buộc trước khi anh chị quyết định mua đất.

Trong bản án dân sự sơ thẩm còn nhiều ý kiến của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác… Thêm nữa, tại Kết luận giám định số 2394/C54B ngày 29.6.2018 của Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã xác định chữ ký trên tờ cam kết đề ngày 6.7.2011 chính là của anh Nhiều và chị Nguyệt (vợ anh Nhiều) ký.

Bản án số 167 của TAND thành phố Tây Ninh đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của ông Trần Văn Trị và bà Tạ Thị Mỹ Nhân “tranh chấp quyền về lối đi qua” đối với vợ chồng anh Sử, anh Nhiều, anh Dũng. Buộc vợ chồng anh Sử, anh Nhiều, anh Dũng phải mở lối đi ngang 3m dẫn từ đường Trần Văn Trà vào đầu thửa đất của ông Trị và bà Nhân.

Phần đường này có diện tích 353,3m2. Buộc ông Trị, bà Nhân có nghĩa vụ đền bù tiền sử dụng đất cho vợ chồng anh Dũng với số tiền 150 triệu đồng, đền bù cho vợ chồng anh Nhiều tiền sử dụng đất và thiệt hại cây trồng trên đất hơn 31 triệu đồng, đền bù cho vợ chồng anh Sử số tiền gần 15 triệu đồng. Tổng cộng số tiền mà ông Trị và bà Nhân phải đền bù cho 3 hộ vừa nêu là khoảng 197 triệu đồng, ngoài ra còn phải chịu hơn 9 triệu đồng tiền án phí...

Ông Trị, bà Nhân đã nộp đơn kháng cáo một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 167 nêu trên. Nội dung kháng cáo nêu: trên thực tế, lối đi như trong tờ cam kết là lối đi duy nhất vào thửa đất của vợ chồng ông Trị, kể cả hộ ông Nhiều và ông Sử cũng chỉ có lối đi này để vào bất động sản của gia đình, ngoại trừ hộ ông Dũng.

“Vợ chồng tôi khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết lối đi chung chứ không phải lối đi riêng, tại sao bản án buộc nguyên đơn phải đền bù tiền sử dụng đất đối với một con đường có nhiều người sử dụng chung, cụ thể là hộ ông Nhiều và ông Sử? Chưa kể, bản cam kết chừa lối đi chung đã được Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an xác định rõ chính vợ chồng anh Nhiều có ký tên vào đó, tức trước đây từng có sự thoả thuận về lối đi chung. Việc Toà án buộc nguyên đơn phải đền bù tiền sử dụng đất cho cả tuyến đường là vấn đề cần xem xét lại”, ông Trị trình bày.

Mặt khác, đương sự nộp đơn kháng cáo còn thắc mắc về số tiền án phí bị tuyên buộc phải đóng, trong khi Bản án số 167 đã chấp nhận một phần yêu cầu nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn. Vừa qua, vợ chồng ông Trị đã lập hợp đồng uỷ quyền cho bà Đặng Kim Lắm được nhân danh, thay mặt cho bên uỷ quyền trực tiếp tham gia và toàn quyền quyết định trong suốt quá trình tố tụng, kể cả giai đoạn thi hành án dân sự cho đến khi kết thúc vụ kiện với tư cách là nguyên đơn theo Bản án số 167.

 Qua trao đổi với bà Lắm vào ngày 13.2.2019, bà cho biết sẽ yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm xem xét lại mức giá đền bù tiền sử dụng đất đối với hộ ông Dũng, vì bà cho rằng giá đất mà bản án sơ thẩm đã tuyên là cao hơn giá thị trường. Về giá đất đền bù cho hộ ông Nhiều và ông Sử, bà Lắm không ý kiến. “Trường hợp nếu nguyên đơn phải đền bù tiền sử dụng đất cho cả tuyến đường như bản án sơ thẩm đã tuyên, thì về lý, con đường phải thuộc về tài sản riêng của bên phía chi tiền đền bù, theo đó cũng có quyền rào chắn và sử dụng riêng. Lưu ý, thực tế, hộ ông Nhiều và ông Sử cũng chỉ có con đường này để vào khu đất của gia đình” - bà Lắm nói.

QUỐC SƠN

Tin cùng chuyên mục