PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đoàn công tác liên ngành Trung ương:
Khảo sát, đánh giá thực trạng các cột mốc
Thứ sáu: 17:06 ngày 09/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong hai ngày 8 và 9.10, Đoàn công tác liên ngành Trung ương do ông Phùng Thế Long – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn khảo sát thực địa và làm việc với tỉnh Tây Ninh về thực trạng các cột mốc bị hư hại, sạt lở trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Cùng đi có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Tổng tham mưu – Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Công an…

Tham gia khảo sát và làm việc với đoàn có ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các Sở, ngành và đơn vị có liên quan.

Việc khảo sát thực trạng các cột mốc trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 176 ngày 18.1.2019 về khắc phục các mốc quốc giới có nguy cơ sạt lở trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, trong đó có tỉnh Tây Ninh.

Sau khi hai Đoàn cùng đi kiểm tra thực địa khu vực các cột mốc và thống nhất ghi nhận một số nội dung về hiện trạng một số cột mốc như: cột mốc chính 96 nằm trên sườn đồi, dòng chảy tràn trên mặt làm xói lở đất phía ta-luy dương và chân cột mốc, một phần sân cột mốc đã bị đất vùi lấp; cột mốc chính 118 nằm trong khu vực Cửa khẩu quốc tế Xa Mát và cột mốc chính 171 nằm trong khu vực Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đều nằm trong tình trạng đá lát sân cột mốc tại một số vị trí bị vôi hoá, nứt, mạch vữa tại một số vị trí bị bong, tróc; cột mốc chính 150 nằm trong khu vực Cửa khẩu chính Phước Tân, gần rạch phía Campuchia, chưa có dấu hiệu sạt lở, đá lát mặt đế mốc bị vôi hoá, nứt, vỡ; cột mốc phụ 147/6 nằm trên mỏm đất bên bờ suối không tên (đường biên giới khu vực này cắt ngang suối), nền đất hai bên mặt cột mốc bị sạt lở do tác động của dòng chảy tràn, tạo thành các đìa nước hai bên cột mốc; cột mốc phụ 152/2 nằm bên bờ mương nước nhỏ, sát mép nước, đất nền xung quanh chân cột mốc bị sạt lở. Bên cạnh đó một số cột chống sét bằng inox của mốc chính đã bị gãy, hỏng hoặc mất; kim chống sét bằng đồng tại nhiều cột mốc chính đã bị mất.

Qua khảo sát, đoàn thống nhất các phương án khắc phục đối với từng trường hợp như: tạo rãnh nước phía trên mái dốc ta-luy dương để nắn dòng chảy tràn ra khỏi khu vực cột mốc, đắp đất, xếp rọ đá quanh khu vực các chân mốc, lấp đất các đìa nước hai bên cột mốc, làm cống ngầm bên cạnh cột mốc để duy trì dòng chảy của mương nước, tạo đường đi ra cột mốc, phục hồi nền đất xung quanh chân mốc nhằm bảo vệ chân mốc và tăng cường sự ổn định của cột mốc hay việc thay đá lát sân mốc, trụ sắt bảo vệ cột mốc tại các vị trí mốc chính nằm trong khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và chỉnh trang cảnh quan khu vực cột mốc phù hợp với thực trạng hoạt động và cảnh quan chung của các cửa khẩu.

Đối với các cột chống sét bị gãy, hỏng hoặc mất và kim chống sét đã bị mất của một số cột mốc chính, Đoàn liên ngành Trung ương đề nghị tỉnh sớm có biện pháp khắc phục. Riêng việc kè, gia cố bảo vệ các cột mốc cần đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và nhất là cần trao đổi, thống nhất với phía bạn trước khi triển khai.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh sớm giải quyết dứt điểm các đoạn biên giới chưa hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, góp phần xây dựng đường biên giới  ổn định, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Thu Hằng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục