Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đoàn ĐBQH tỉnh:
Khảo sát việc thực hiện các quy định của Luật Thủy lợi và góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Thứ năm: 09:18 ngày 24/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong 2 ngày 22-23.9, đoàn khảo sát do ông Huỳnh Thanh Phương – Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh làm trưởng đoàn đã làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh; Công ty TNHH tinh bột khoai mì Hưng Long (có nguồn xả nước thải ra công trình thủy lợi); Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh (có nguồn xả nước thải ra sông Vàm Cỏ Đông) để khảo sát việc thực hiện các quy định của Luật Thủy lợi về bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi và góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Theo công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh, trong những năm qua, hệ thống công trình thủy lợi do công ty quản lý đều thực hiện tốt, đầy đủ các biện pháp vận hành, điều tiết, không để xảy ra sự cố bể vỡ kênh mương, bảo đảm phục vụ tưới tiêu sản xuất cho nhân dân.

Trong năm 2020, với diễn biến thời tiết bất thường, nắng hạn gay gắt kéo dài từ tháng 12.2019 đến tháng 6.2020, công ty đã chủ động phối hợp với công ty Dầu Tiếng – Phước Hòa, công ty Dịch vụ thủy lợi TP. HCM điều tiết nước tưới hợp lý, thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm nước tưới trên toàn hệ thống theo lịch đã thống nhất.

Khảo sát hệ thống xử lý nước thải công ty TNHH Tinh bột khoai mì Hưng Long.

Đối với công tác bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, công ty thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về xả nước thải vào công trình thủy lợi, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý các hành vi, vi phạm mới phát hiện.

Hiện nay, trong hệ thống công trình thủy lợi do công ty quản lý có 2 đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi là công ty TNHH Can Sports Việt Nam và công ty TNHH Tinh bột khoai mì Hưng Long.

Khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các quy định của Luật Thủy lợi là tình trạng xe tải nặng lưu thông trên bờ kênh làm xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động của công trình và sự an toàn trong quá trình vận hành, quản lý, khai thác; người dân xả rác, chất thải xuống hệ thống công trình thủy lợi…

Liên quan đến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, theo ý kiến của công ty, việc tích hợp 2 loại giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi được quy định (tại Luật Thủy lợi) và giấy phép môi trường (tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi) là phù hợp, nhưng khi thực hiện việc cấp phép phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT.

Còn theo công ty TNHH Tinh bột khoai mì Hưng Long (xã Phan, huyện Dương Minh Châu), công ty có công suất tối đa 150 tấn củ mì/ngày đêm; tổng lượng nước thải tối đa 1.800 m3/ngày đêm.

Lãnh đạo công ty này cho biết, đơn vị  có sử dụng mạch nước ngầm và xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi. Công ty luôn thực hiện đầy đủ các quy định về xin cấp phép như: có giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất với tổng lưu lượng khai thác 2.500 m3/ngày đêm; hoàn thành hệ thống xử lý nước thải với công suất thiết kế hệ thống xử lý nước thải tối đa 3.000 m3/ngày đêm; có giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi với lưu lượng 2.500 m3/ngày đêm. Bên cạnh đó là thực hiện đúng các quy định theo giấy phép xả thải, giấy phép khai thác nước ngầm.

Đối với công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh, hiện công ty đang quản lý tổng diện tích vườn cây cao su là 7.121 ha, phân bố trên địa bàn 5 xã thuộc 2 huyện Gò Dầu và Dương Minh Châu. Công ty có 2 nhà máy gồm: nhà máy chế biến cao su Hiệp Thạnh và nhà máy chế biến cao su Bến Củi. Tình hình xử lý nước thải của 2 nhà máy luôn đạt cột A, QCVN 01-MT:2015/BTNMT trước khi xả thải ra môi trường; xử lý khí thải luôn đạt cột B, QCVN 19:2009/BTNMT.

Các loại chất thải rắn, chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại được công ty hợp đồng với các đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định của pháp luật và các quy định hiện hành như: chất thải rắn, chất thải nguy hại được công ty hợp đồng với công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương VN (địa chỉ ấp Bến Rộng, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) từ năm 2012 cho đến nay. Còn chất thải sinh hoạt, công ty hợp đồng với các đơn vị đóng tại địa bàn huyện Gò Dầu và huyện Dương Minh Châu thu gom, vận chuyển theo quy định.

Đặc biệt, công ty có tái sử dụng nước thải của hệ thống xử lý nước thải sau khi xử lý đạt Cột A, QCVN 01-MT:2015/BTNMT cho dây chuyền sản xuất mủ SVR10 và vệ sinh khu vực nhà máy.

Khảo sát hệ thống xử lý nước thải công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh.

Về quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước, công ty đang quản lý, kiểm soát, sử dụng tiết kiệm, khai thác hiệu quả tài nguyên này theo định mức của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại Quyết định số 368/QĐ-HĐTVCSVN ngày 17.11.2015. Công ty đang hướng đến giải pháp tiết kiệm tài nguyên nước, hạn chế khai thác nguồn nước ngầm dưới lòng đất như thu lại nước mưa trên các mái nhà xưởng để cung cấp lại cho dây chuyền sản xuất của nhà máy; rà soát, quản lý chặt chẽ các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến môi trường và quá trình sản suất của công ty.

Năm 2020, công ty đã lập thủ tục đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục với mức đầu tư là 1,8 tỷ đồng và sẽ hoàn thành trong năm nay. Hiện tại, công ty đã phê duyệt hồ sơ mời thầu chào hàng cạnh tranh qua mạng đấu thầu Quốc gia. Thời gian mở thầu qua mạng đấu thầu là ngày 25.9.2020. Dự kiến thời gian hoàn thành hệ thống quan trắc tự động là 90 ngày, sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng sẽ  đấu nối với Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Công ty thống nhất với dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; cũng như quy định tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (tại Luật Thủy lợi) vào giấy phép môi trường (tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi).

Tại buổi làm việc, các ý kiến, kiến nghị của các đơn vị được đoàn khảo sát tiếp thu, ghi nhận và sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng có liên quan.

TRÚC LY

Tin cùng chuyên mục