Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 22.10, tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát (Tân Biên), Đoàn khảo sát của Bộ Quốc phòng do Đại tá Hoàng Hữu Chiến- Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng làm trưởng đoàn đã khảo sát thực tế phục vụ xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới thay thế Nghị định 169/2013/NĐ-CP.
Nghị định 169 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia ra đời năm 2013, qua 5 năm thực hiện, Nghị định này đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần thiết phải ban hành một Nghị định mới thay thế.
Đại tá Hoàng Hữu Chiến – Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp thu các ý kiến góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 169/2013/NĐ-CP.
Ngay khi có kế hoạch soạn thảo Nghị định, từ đầu tháng 8.2019 đến nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đã xây dựng đề cương Nghị định, lấy ý kiến tham gia của 54 cơ quan, đơn vị đầu mối trong toàn lực lượng BĐBP; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng. Từ ngày 15.10 đến nay, tiến hành khảo sát thực tế tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Bà Rịa Vũng Tàu và Tây Ninh.
Đối với Tây Ninh- một trong những tỉnh nằm trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, tình hình VPHC trên tuyến biên giới diễn ra tương đối phức tạp. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, từ đầu năm 2014 đến nay, lực lượng BĐBP tỉnh đã phát hiện, xử lý 1.088 vụ VPHC với 1.281 đối tượng vi phạm trên khu vực biên giới của tỉnh.
Trong đó, có 269 vụ/343 đối tượng bị xử lý VPHC theo Nghị định số 169/2013/NĐ-CP. Các hành vi VPHC phổ biến như: cư dân biên giới qua lại biên giới không mang theo giấy tờ tùy thân, qua lại không đúng các điểm quy định dành cho việc qua lại biên giới; cư dân biên giới đi vượt quá vi phạm quy định khi được phép qua lại biên giới; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới...
Báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc, bất cập của Nghị định số 169/2013/NĐ-CP, gây khó khăn cho công tác xử lý VPHC trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới như mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe; sự thay đổi tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các chức danh thẩm quyền xử phạt VPHC dẫn đến thay đổi về thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bị giới hạn bởi thẩm quyền xử phạt tiền dẫn đến tình trạng dồn quá nhiều vụ việc lên cơ quan cấp trên…
Tham gia ý kiến tại buổi khảo sát, lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và đại diện các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương khu vực biên giới đều nhất trí về việc ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 169/2013/NĐ-CP, cơ bản nhất trí với bố cục, cấu trúc, các điều khoản, hành vi, mức xử phạt trong dự thảo Nghị định. Bên cạnh đó, đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Nghị định, cụ thể như: cần có chế tài xử lý vấn đề di dân qua biên giới; mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 7 còn thấp, không đủ sức răn đe.
Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 nên nghiên cứu thay cụm từ “cư trú” bằng “tạm trú”. Điểm a, Khoản 1, Điều 11 cần quy định cụ thể giá trị hàng hóa để xác định mức khung tiền phạt cho phù hợp… Đồng thời, kiến nghị bổ sung một số hành vi xử lý VPHC trong Nghị định mới như hành vi cho mượn giấy tờ tùy thân để xuất nhập cảnh qua biên giới; điều chỉnh các chức danh của lực lượng Quản lý thị trường theo đúng tổ chức, bộ máy hiện hành; phân định thẩm quyền các ngành phù hợp, tránh chồng chéo…
Đại tá Hoàng Hữu Chiến – Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp thu các ý kiến tại buổi khảo sát. Trên cơ sở khảo sát thực tế, Đoàn sẽ có rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào dự thảo Nghị định đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn.
Phương Thuý