Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thế hệ hôm nay, nhất là thế hệ trẻ, phải sống sao để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của những người đã ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc, cho dân tộc đứng lên, không cúi đầu trước ngoại bang.
Đoàn viên thanh niên tham gia lễ thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên. Ảnh: Dương Đức Kiên
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của Nhân dân ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Biểu hiện cao nhất của lòng yêu nước là có ý thức rõ ràng, sâu sắc về nền độc lập dân tộc, coi đó là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cho nên, đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”.
Người giải thích: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”.
Thực tế, sau hai cuộc chiến vệ quốc, những nỗi đau dai dẳng, âm thầm suốt hàng chục năm qua của thân nhân hơn một triệu liệt sĩ, trong đó 191.000 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; hơn 849.000 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ; hơn 105.627 liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo…).
Hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, thi thể các anh còn nằm lại trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Biển Đông… Hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính, quê quán, đơn vị… Tỉnh có nhiều liệt sĩ nhất là Quảng Nam với hơn 65.000 người hy sinh trong các cuộc chiến tranh (ngoài ra, tỉnh Quảng Nam còn có hơn 30.000 thương binh). Huyện có nhiều liệt sĩ nhất nước là huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) với hơn 19.800 người (tính đến năm 2012).
Nhằm thể hiện tính nhân văn sâu sắc của một dân tộc anh hùng, hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn, cả nước luôn chung tay chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công; chăm sóc hơn 9.000.000 người có công: trên 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng có chồng, con hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (Quảng Nam là tỉnh có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất với 11.658 mẹ- số liệu tính đến 2001); gần 13.000 Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động; gần 800.000 thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh; hơn 300.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam; gần 111.000 người hoạt động cách mạng, người tham gia kháng chiến bị địch bắt giam, tù đày, tra tấn trong các nhà tù nổi tiếng như (nhà tù Hoả Lò, Sơn La, Lao Bảo, Côn Đảo, Phú Quốc…).
Vì độc lập tự do, vì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia mà dâng hiến tuổi xuân xanh, bao nhiêu chiến sĩ cách mạng đã nằm xuống, vết thương mà chiến tranh để lại cho mỗi người, mỗi gia đình, bạn bè và người thân các thương binh, liệt sĩ vẫn còn đây.
Những giá trị độc lập, hoà bình mà chúng ta đang thụ hưởng hôm nay do các thế hệ cha anh, các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh đã không tiếc xương máu, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, lại đang bị các thế lực thù địch, nhóm người xét lại lịch sử xuyên tạc, bôi đen, hạ thấp. Những kẻ chống cộng lưu vong ở nước ngoài, thậm chí, có kẻ đang hưởng thụ cuộc sống hoà bình ngay trên đất nước này đã buông lời bỉ ổi, vô ơn, phủ nhận sự hy sinh của các thế hệ cha anh, xảo trá xuyên tạc chính sách người có công của Đảng và Nhà nước ta.
Một mặt chúng cho rằng cần phải cào bằng sự hy sinh của những người chiến sĩ cách mạng đấu tranh bảo vệ chính nghĩa với quân nguỵ đã tử trận do tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa, do bán nước cầu vinh; chúng rêu rao rằng Chính phủ phải có trách nhiệm với các thương, phế binh nguỵ và đưa ra kiến nghị phải công nhận thương binh, liệt sĩ cho những người đã phục vụ nguỵ quyền; phải có trách nhiệm chỉnh trang khu nghĩa địa của nguỵ quân ở Biên Hoà (chúng gọi là Nghĩa trang quân đội Biên Hoà) với lý do là nguỵ quyền Sài Gòn mới chính danh chính nghĩa, là đồng minh bình đẳng với Mỹ, “miền Bắc” mới là kẻ xâm lược. Chúng còn đòi tôn vinh, đặt tên đường theo tên những người phục vụ cho ngoại bang mà chúng cho là những anh hùng.
Có kẻ lợi dụng vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, xuyên tạc, vu khống, nói xấu Đảng, Nhà nước ta: “Đảng không nhớ, Nhà nước đã lãng quên, không quan tâm đến thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng”. Họ kêu gọi, tập hợp những người bất mãn để lập ra các câu lạc bộ, hội, nhóm cựu chiến binh, kích động biểu tình, viết thư ngỏ đòi yêu sách, gây rối an ninh trật tự.
Hằng năm, vào tháng 4 và tháng 7, trên không gian mạng lại xuất hiện những bài viết, video clip và tác phẩm văn học xuyên tạc chính sách thương binh - liệt sĩ; phủ nhận sự hy sinh, đóng góp của những người có công với nước. Chúng trắng trợn rêu rao rằng: “Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là không cần thiết, vô nghĩa” để hình thành chế độ Cộng sản, “Đuổi Pháp, Mỹ là đuổi văn minh khỏi nước ta. Để rước cái vớ vẩn từ nước Tàu, nước Nga”; từ đó chúng cho rằng: vì vậy, cũng không cần quan tâm quá nhiều đến đối tượng này; kinh tế đất nước chậm phát triển là do gánh nặng của các chính sách xã hội, trong đó, có việc thực hiện chính sách hậu phương, quân đội.
Chúng còn tìm cách hạ thấp sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh trong quá trình giải phóng dân tộc bằng những luận điệu hết sức xảo trá, ý đồ chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tất cả những ý đồ xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ nói trên của các thế lực thù địch đã không qua được tai, mắt của nhân dân và sự cảnh giác của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an của ta. Những ý đồ vừa nhen nhúm đó đã bị phát hiện khi còn trong trứng nước, bị tẩy chay, không có đất để diễn ở Việt Nam đã phải quay trở lại hang ổ phản động của chúng ở bên kia bán cầu.
Vụ việc xảy ra ở Đăk Lăk vừa qua cho thấy kẻ thù không từ một thủ đoạn nào để lôi kéo, chống phá chế độ, sẵn sàng giết hại đồng bào mình không thương tiếc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất an ninh trật tự, an ninh quốc gia.
Đảng ta chủ trương hoà hợp dân tộc với những ai cầu thị muốn phục vụ quê hương, đất nước, muốn trở về với dân tộc mình trong hoà bình, khép lại quá khứ, hoà hợp dân tộc để phát triển đất nước. Chúng ta nhất định không tha thứ cho những kẻ vô ơn với xương máu của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, những kẻ có ý đồ chống phá nền hoà bình, độc lập của dân tộc.
Thế hệ hôm nay, nhất là thế hệ trẻ, phải sống sao để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của những người đã ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc, cho dân tộc đứng lên, không cúi đầu trước ngoại bang. Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7, chúng tôi, những người mang nặng nghĩa ơn đối với các bậc tiền nhân, xin được tri ân, tưởng nhớ bằng việc thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, quyết tâm bảo vệ trọn vẹn và phát huy những thành quả cách mạng, bảo vệ nền hoà bình, độc lập, hạnh phúc cho nhân dân.
Nguyễn Thị Thu Cúc