Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyện thời sự
Khi các vị Tổng thống Mỹ “lẩy Kiều”
Chủ nhật: 23:53 ngày 10/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các nguyên thủ quốc gia Mỹ đã ba lần mượn lời thơ của cụ Nguyễn Du để ca ngợi tinh thần hoà hiếu, khoan dung, độ lượng của dân tộc ta.

-Hồi sáng tôi đọc báo thấy có đưa tin hôm nay, 10.9.2023, ông Biden, Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm nước ta phải vậy không ông?

-Đúng rồi, tin này hầu như rất nhiều cơ quan truyền thông, báo chí đều có đưa từ mấy hôm trước, nay ông mới biết à?!

-Tôi cũng có nghe mấy bữa trước rồi, nhưng hôm nay sẵn gặp nhà báo tôi muốn kiểm chứng lại nguồn tin vậy mà. Vả lại tôi còn nghe chuyến thăm kỳ này của Tổng thống Mỹ là rất đặc biệt, nên tôi cũng muốn hỏi ông ý nghĩa của cái sự “rất đặc biệt” là sao hả ông?

-À chuyện đó là vầy, theo thông lệ ngoại giao thì chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia khách là theo lời mời của nguyên thủ quốc gia nước chủ nhà. Riêng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ kỳ này là theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng ta. Tức là sự kiện này đặc biệt ở chỗ lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đi thăm một nước theo lời mời của một vị lãnh tụ Đảng, chứ không phải của nguyên thủ quốc gia…

-Hiểu rồi. Mà tôi nghĩ vậy mới đúng là Hoa Kỳ “tôn trọng thể chế chính trị” của Việt Nam, khẳng định sự công nhận Đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước ta. Vậy là tính chất đặc biệt của chuyến thăm lần này của Tổng thống Mỹ coi như là tiếp nối tính chất đặc biệt của lần trước cách nay 8 năm.

Lần ấy cũng là lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Obama, mời một vị lãnh tụ Đảng, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ và hội đàm Tổng Bí thư Đảng ta ở phòng bầu dục Nhà Trắng…

-Đúng rồi, ông nhắc tôi mới nhớ, lúc ấy ông Joe Biden, Tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm nước ta lần này, chính là cấp phó của ông Obama và là người tiếp Tổng Bí thư Đảng ta trong buổi chiêu đãi chính thức. Trong buổi tiếp ấy, vị Phó Tổng thống Mỹ đã “lẩy Kiều” khi nâng cốc chúc mừng quan hệ Mỹ -Việt trong bữa tiệc. Bàn Dân nhớ là ông Biden đã “lẩy” hai câu Kiều: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.

-Phải rồi, ông nhớ chính xác, nhưng ông có biết chuyện ông Biden “lẩy Kiều” lần ấy lại không phải là lần đầu tiên một trong những vị “chủ Nhà Trắng” mượn những lời thơ bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du- danh nhân văn hoá thế giới được UNESCO tôn vinh hay không?

-Chuyện ấy Bàn Dân cũng có biết chút chút. Tính ra trong 38 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, các nguyên thủ quốc gia Mỹ đã ba lần mượn lời thơ của cụ Nguyễn Du để ca ngợi tinh thần hoà hiếu, khoan dung, độ lượng của dân tộc ta.

Trước hết là ông Bill Clinton, vị Tổng thống Mỹ đầu tiên tái lập bang giao với Việt Nam, khi sang thăm nước ta vào tháng 11 năm 2000, trong buổi tiệc khoản đãi quốc khách tại Phủ Chủ tịch, ông Bill Clinton đã “lẩy” hai câu Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”, mượn ý tưởng vạn vật bốn mùa không ngừng thay đổi, thời tiết cũng thay đổi từ mùa đông sang mùa xuân, dùng hình ảnh “băng giá” trong quá khứ để nói về quan hệ ngoại giao hai nước cũng đang bắt đầu “tan băng”. Tổng thống Mỹ “lẩy Kiều” rất đúng chỗ, đúng ngữ cảnh, kể ra cũng rất ý nhị.

Lần thứ hai, chính là lần ông Joe Biden khi còn làm Phó Tổng thống Hoa Kỳ đã lẩy Kiều trên đất Mỹ năm 2015 mà ông đã biết rồi đó.

Còn lần thứ ba là lần “lẩy Kiều” của Tổng thống Mỹ Barack Obama diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội ngày 24.5.2016 với hai câu “lẩy” là: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”. Theo Bàn Dân nghĩ, có lẽ ông Tổng thống da màu đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mượn hai câu Kiều ấy để thay lời muốn nói rằng chuyến thăm của ông ta là “của tin” nhằm khẳng định quan hệ bang giao giữa hai nước từng là cựu thù sẽ bền vững lâu dài.

-Đúng là mấy vị đứng đầu cường quốc hàng đầu thế giới này hay thật ông nhỉ, vị nào cũng biết dùng Truyện Kiều, thành tựu văn học cao nhất của đất nước mình để nói chuyện với mình một cách rất thâm thuý…

-Ông nói cũng phải. Ý nghĩa của việc “lẩy Kiều” ấy không phải chỉ là lối nói suông theo kiểu ngoại giao, mà đi theo đó là những kết quả rất thực tế. Rõ ràng là sau gần bốn mươi năm nối lại bang giao, và gần nhất là mười năm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai quốc gia Việt - Mỹ, đã đạt những kết quả không ai ngờ tới.

Chẳng hạn như là về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư có ai nghĩ rằng trong 38 năm, từ chỗ Việt Nam bị cô lập, cấm vận kinh tế, lại đạt mức tăng trưởng thương mại hai nước tăng tới hơn 273 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên tới 123 tỷ USD năm 2022.

Với mức độ tăng trưởng đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Hay như Mỹ đang có tới 1.200 dự án đầu tư, chiếm vị trí thứ 11 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng đang có 230 dự án đầu tư tại Mỹ với tổng vốn đăng ký đạt hàng tỷ USD.

Về văn hoá xã hội, Việt Nam đang là nước có tới 25.000 sinh viên đang du học tại Mỹ. Quả thật đó là những con số rất ấn tượng, là những con số nói lên rất nhiều điều về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đó chứ!

                  Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh