Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ghi chép tản mạn
Khi chim về trên phố
Thứ sáu: 01:03 ngày 19/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những đàn chim bay về báo hiệu một sức sống thiên nhiên tràn trề sinh thái. Hỏi có gì vui hơn? Nhất là khi từng đàn chim bé nhỏ bay về vun vút, có lúc quẩn quanh trên ngọn cây như một đám mây, rồi sà xuống và biến mất vào bầu trời sẫm tối.

Đàn cò vườn chim phường 3, TP. Tây Ninh. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Một chiều, từ vườn cò phường 3 trở về, tôi bỗng phát hiện những bầy chim ri, sẻ đá bay về trên phố. Ấy là một đường phố đã bắt đầu đông vui trở lại sau mùa giãn cách vì dịch bệnh. Giống như năm ngoái, tôi bắt gặp những bầy chim sẻ bay về công viên tượng đài khu chứng tích Cầu Quan. Nhưng ít lâu sau chúng “biến” đi đâu không biết nữa. Hoặc là chợ đêm đông đúc ồn ào, hoặc đã có ai đó đi săn bắt nên bầy chim nhỏ đã ra đi.

Thế là tìm được các chú “bạn vàng” của con người rồi nhé! Nhìn các bạn ấy ríu rít trở về, lòng người trên phố thấy vui vui. Cuộc sống con người dần trở lại “bình thường mới”. Những đàn chim bay về báo hiệu một sức sống thiên nhiên tràn trề sinh thái. Hỏi có gì vui hơn? Nhất là khi từng đàn chim bé nhỏ bay về vun vút, có lúc quẩn quanh trên ngọn cây như một đám mây, rồi sà xuống và biến mất vào bầu trời sẫm tối. Vừa hay, phố đã lên đèn.

Các bạn nhỏ này còn lích chích, lanh chanh râm ran trong ánh đèn đường một lúc nữa mới lặng yên đi ngủ. Xin bí mật về con phố này nhé! Đề phòng có ai đó sinh ra tò mò, hoặc muốn kiếm lợi từ việc tìm phá hay săn bắt bầy chim. Chỉ tiết lộ là phố này có những hàng cây dầu sum suê cao vợi, bên đường lại có các trụ sở cơ quan có bảo vệ hẳn hoi, nên bầy chim có thể đã yên lòng.

Nơi đoạn phố có hẻm nhà tôi thì không được như thế. Thỉnh thoảng chỉ có một vài đôi chào mào hay chích choè ruồi làm khách vãng lai. Chỉ hai, hoặc không quá ba đôi, mà chúng đã nhộn nhạo hát ca trong khi chiều xuống, làm vui tai những người bán hàng quán.

Thỉnh thoảng có thêm đôi chim cu lửa. Chúng sà xuống tận hè phố hay con hẻm nhỏ tìm ăn. Xong, lại bay lên một cành cây khô đứng, thả những âm thanh g-rù, g-rù thân thiết. Thân quen như một buổi trưa đồng quê xa lắc khi tôi còn gắn bó với ruộng đồng.

Suýt nữa quên, vì đã thành quen quá. Vườn nhà tôi còn có một đôi chim xanh thường đến. Vì trong vườn có một cây dâm bụt nở đầy hoa. Chúng là loài hút mật, nên thường đến, rúc cái mỏ nhọn dài vào tận nhuỵ hoa tìm mật. Đến là biết liền, bởi tiếng kêu lít chít vang xa. Ngước lên đã thấy chiếc bụng lông vàng óng ả, và đôi lưng cánh xanh như màu chim bói cá, loắt thoắt xuống, lên làm rung rinh cành mềm và những chùm hoa…

Phố đã có chim về. Bầu trời Thành phố trở nên sinh động và gây nhiều hương vị nhớ. Không chỉ là chim, mà còn cả những cánh cò. Tháng 10 trở đi cũng là mùa các bầy cò di trú. Chúng kiếm ăn đâu đó trên những cánh đồng xa hay ở ven núi Bà, rồi chiều muộn lại bay về vườn cò, ngang qua Thành phố.

Vậy ai đi làm về cữ chiều, ngước lên là có thể gặp ngay những sải cánh bay của những bầy cò. Những sải cánh có phần mệt mỏi nhưng vô cùng nhẫn nại. Cũng giống như các bà mẹ đi chợ chiều về, kiên nhẫn bước hay đạp xe trở về nhà với những đứa con đang mong mẹ. Vì thế, cuộc sống không bao giờ là mệt mỏi, dù cho có lúc vấp va đá sỏi trên đường.

Thế là đã 16 năm (kể từ 2005) Thành phố có vườn cò (chim). Năm nay có thể do biến đổi khí hậu nên cò về muộn. Mãi tới đầu tháng 9 âm lịch (6.10 dương lịch) mới thấy cò di trú trở về vườn một nhà dân ở khu phố 4, phường 3. Rất may là người chủ vườn vẫn giữ vườn cho cò bay về cư trú.

Nhưng 5 công vườn (5.000m2) ấy tàn tạ lắm rồi. Cây tràm nước bên trong đã gãy đổ nhiều. Cành cây không còn đủ chỗ cho cò đậu, nhiều con phải đậu trên thân cây gãy ngang lập lờ mặt nước. Có phải vì thế không, mà theo quan sát của tôi mấy tuần qua đã vắng hẳn loài chim cồng cộc.

Loài chim rất dễ nhận ra bởi màu sắc đen tuyền, có cái cổ dài ngật ngưỡng khi bay như cổ rắn. Tên chính của loài này là chim cốc. Vậy mới có câu thành ngữ: “Cốc mò, cò xơi” khi người ta thường chứng kiến cảnh con cốc lặn mò ao bắt được cá ngậm ngang mỏ, vừa lên khỏi mặt nước thì bị cò ta cướp lấy để “xơi”. Người ta cũng thường nói: “công của anh (chị) chỉ là công cốc”. Không biết có phải từ câu chuyện này không?

Cho tới nay, số phận vườn cò vẫn còn mong manh lắm. Dù du lịch đã bắt đầu trở lại, với sự chú trọng ngày càng nhiều hơn đến môi trường sinh thái. Nghe nói, tỉnh có chỉ đạo các sở, ngành liên quan có kế hoạch bảo vệ và phát triển vườn cò. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy một biện pháp cụ thể nào được đưa ra. Mong sao vườn cò tiếp tục được các ngành, các cấp chú trọng để bảo vệ một tài nguyên trời cho, rất có thể sẽ là “vô giá” ở ngày mai. Và cũng để cho công lao của những người từng bảo vệ vườn cò suốt 16 năm qua không trở thành “công cốc”.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục