Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội chiều ngày 12.6 về dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung (SÐBS), đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận xét, nói đến giáo dục, bất kỳ ai trong xã hội cũng dành một sự trân trọng cho nghề giáo.
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục hiện nay tồn tại nhiều vấn đề đáng quan ngại, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội trong xu thế hội nhập.
Ðại biểu Phương cho rằng: Hiện nay có thực trạng là khi được đào tạo xong, người học còn thiếu kiến thức thực tế, thiếu kỹ năng thực hành nên đơn vị sử dụng phải đào tạo lại, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu cơ bản đặt ra thuộc lĩnh vực chuyên môn của người học.
Việc mua bằng, chạy điểm còn diễn ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của xã hội. Theo dự thảo Luật SÐBS này, học phí đã được đổi thành “giá dịch vụ đào tạo” tại Ðiều 64 và 65.
Việc thay đổi này nói lên sự tương quan về quyền và nghĩa vụ giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ. Như vậy, bên cung ứng dịch vụ chịu trách nhiệm như thế nào nếu sản phẩm của mình tạo ra không đảm bảo chất lượng? Có thể nói, đây là một sự đổi mới về tài chính, nhưng chưa cụ thể những tiêu chí và chế tài, khi một bên không đáp ứng nghĩa vụ cốt lõi của mình.
Về vấn đề đạo đức trong giáo dục, đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng, xu thế “thương mại hoá” và “vật chất hoá” trong giáo dục hiện nay đã chi phối thái độ và cách hành xử của giảng viên và sinh viên trong các trường đại học hiện nay.
Trong khi đó ở tất cả các trường đại học hiện nay đều không có môn học quy định chung và bắt buộc về đạo đức. Phải chăng, vấn đề đạo đức chỉ là dư âm ở bậc phổ thông, tiểu học hay mẫu giáo còn sót lại? Vấn đề ở đây là bậc đại học có mục tiêu đào tạo con người đạo đức nhưng lại không có môn học ấy.
Thực tế cho thấy, rất nhiều người tốt nghiệp đại học rồi đi làm, nhưng lại thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu văn hoá ứng xử. Mặc dù vậy, Luật hiện hành cũng như tại dự thảo Luật SÐBS này không có quy định nào đề cập đến việc giáo dục đạo đức.
Vì vậy, đại biểu Phương kiến nghị có quy định đạo đức là một môn học cơ bản bắt buộc trong chương trình đào tạo và được xây dựng phù hợp.
ÐBQH Trịnh Ngọc Phương cho rằng Ðây là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài cần được xử lý và đưa ra các giải pháp phù hợp.
Cơ sở vật chất, nội dung chương trình, chất lượng giảng viên có những hạn chế nhất định đã không bảo đảm cho mục tiêu đào tạo được đặt ra.
Giảng viên là người truyền tải kiến thức, định hướng và hướng dẫn cho người học, nhưng trong nhiều trường hợp, kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm lại hạn chế.
Khi giảng viên không đạt chuẩn thì chắc chắn rằng người học khó có thể có được tri thức chuẩn.
MINH QUANG - DUY NHÃ
(Lược ghi)
(*) Tựa do Toà soạn đặt