Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nạn mua bán người:
Khi nạn nhân lên tiếng
Thứ bảy: 15:45 ngày 23/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mô hình nhóm tự lực Ban Mai tại huyện Châu Thành đang dần khẳng định vai trò quan trọng, chỗ dựa tin cậy cho các nạn nhân trên con đường tái hoà nhập cộng đồng.

Lực lượng chức năng ra quân tuyên truyền phòng, chống mua bán người.

Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp với các thủ đoạn khá tinh vi, xảo quyệt. Nạn nhân trong các vụ phạm tội thường là phụ nữ, trẻ em sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Bọn tội phạm lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, cùng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội trên internet) để hình thành các đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia nhằm thực hiện hành vi phạm tội. Phần lớn nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài phục vụ cho hoạt động kinh doanh mại dâm, làm vợ...

Tại huyện Châu Thành, lãnh đạo Công an huyện cho biết, thời gian qua, lực lượng Công an huyện tăng cường nắm tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm mua bán người qua biên giới; quản lý chặt các đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc có biểu hiện nghi vấn về hành vi mua bán người... Đặc biệt, Công an huyện Châu Thành triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, phối hợp giải cứu, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị mua bán và xuất nhập cảnh trái phép; tuyên truyền nâng cao cảnh giác trong nhân dân, tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm mua bán người…

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã có những đóng góp hiệu quả trong công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là việc hỗ trợ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Nhàn, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, được sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, ngày 3.5.2012, nhóm tự lực Ban Mai được thành lập với 12 thành viên, đến nay, số lượng thành viên của nhóm đã tăng lên 16 người. Hầu hết họ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ văn hoá thấp, chủ yếu đi làm thuê kiếm sống.

Trong các buổi sinh hoạt định kỳ hằng tháng của nhóm tự lực Ban Mai, Hội LHPN huyện lồng ghép tuyên truyền một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người… để nâng cao nhận thức pháp luật, giúp chị em vận dụng trong cuộc sống. Đồng thời, Hội chủ động chia sẻ khó khăn, tìm hiểu nhu cầu công việc để hướng dẫn chị em cách thức lựa chọn phương án sinh kế phù hợp, xây dựng kế hoạch sử dụng vốn vay, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi… Định kỳ 6 tháng, Hội LHPN huyện mời bác sĩ Trung tâm Y tế huyện đến tư vấn, chăm sóc sức khoẻ cho mọi người.

Hiện nay, các thành viên trong nhóm đã tự tin, hoà nhập với cộng đồng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái tăng gia sản xuất; đồng thời thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội.

Bên cạnh đó, Hội rất quan tâm hỗ trợ cho nạn nhân được vay vốn từ nguồn vốn của Hội quản lý, với mức vay 3 triệu đồng mỗi thành viên để chăn nuôi, mua bán nhỏ. “Ban đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận và thuyết phục các chị em nạn nhân bị mua bán trở về tham gia nhóm tự lực, do mọi người còn mặc cảm và ngại tiếp xúc với cộng đồng.

Hội Phụ nữ thường xuyên đến nhà thăm hỏi, quan tâm, giúp đỡ nạn nhân ổn định tâm lý, hoà nhập cuộc sống và phòng ngừa bị mua bán trở lại. Chúng tôi quyết tâm duy trì và vận động các nguồn lực để tiếp tục hoạt động nhóm, giúp đỡ các trường hợp bị mua bán trở về”, bà Nguyễn Thị Nhàn bày tỏ.

Có mặt tại ngày họp mặt của nhóm tự lực Ban Mai trong ngôi nhà của chị trưởng nhóm, chúng tôi chứng kiến không khí vui vẻ, rộn ràng tiếng nói, tiếng cười của các thành viên. Các chị chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, nhắc nhở và động viên nhau sống lạc quan và có ích cho đời. Nếu không biết trước, ít ai nghĩ rằng những người phụ nữ ấy từng trải qua biết bao khó khăn, tủi nhục nơi đất khách.

Mô hình nhóm tự lực Ban Mai tại huyện Châu Thành đang dần khẳng định vai trò quan trọng, chỗ dựa tin cậy cho các nạn nhân trên con đường tái hoà nhập cộng đồng. Chị N.T.B.L (sinh năm 1984) chia sẻ, trước đây chị đi làm thuê kiếm sống, gia đình thiếu trước hụt sau. Vì gia đình quá khó khăn, khi có người dụ dỗ qua Singapore phụ bán quán, có thu nhập cao để gửi về phụ giúp gia đình, chị đồng ý ngay. Nào ngờ, khi đặt chân xuống Singapore, chị mới biết bị mắc bẫy bọn buôn người. Chủ quán lấy hết giấy tờ tuỳ thân, ép chị vào quán bar làm gái mại dâm. May mắn, chị trốn thoát, nhờ người dân địa phương giúp đỡ, đưa đến Đại sứ quán Việt Nam.

Trở về quê nhà sau những biến cố, chị L tưởng chừng cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, nhưng ngờ đâu mọi việc như rơi vào bế tắc. “Lúc mới về, chị mặc cảm, áp lực nhiều, sợ ánh nhìn soi mói của những người xung quanh. Từ khi nhận lời tham gia vào nhóm tự lực, tiếp xúc với các thành viên khác cùng hoàn cảnh, chị dần lấy lại cân bằng. Chị em trong nhóm thân như ruột thịt, có gì cũng kể nhau nghe, cùng học cách làm chủ bản thân, thay đổi suy nghĩ rồi mới thay đổi hoàn cảnh”- chị L bày tỏ.

Tham gia nhóm tự lực Ban Mai, chị L cũng như các thành viên khác được tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng vào sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Hiện nay, hầu hết thành viên đã có công việc, thu nhập ổn định. Một thành viên trong nhóm phấn khởi nói: “Nhờ có Hội Phụ nữ, các ngành chức năng giúp đỡ, chúng tôi mới có thể sống bình thường, hoà nhập với xã hội, kinh tế gia đình cũng ngày một ổn định”.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI

Tin cùng chuyên mục