Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khi nông dân học...làm nông
Chủ nhật: 12:27 ngày 18/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp theo chuỗi giá trị là một khái niệm mới đối với nông dân trên địa bàn tỉnh. Vì thế, nhiều người đã không ngần ngại bỏ thời gian, tiền bạc tổ chức những chuyến đi để có những kiến thức và trải nghiệm mới về nông nghiệp.

Đoàn công tác của UBND tỉnh thăm và tìm hiểu mô hình trang trại nuôi bò tại Brazil.

Một trong những nông dân như thế là ông Nguyễn Văn Tĩnh (ngụ khu phố 2, thị trấn huyện Tân Biên). Ông gắn bó với ruộng vườn từ những ngày thơ. Trên mảnh đất của gia đình, ông đã “làm quen” với nhiều loại cây trồng như lúa, mì, cao su, bưởi…

Ban đầu, ông trồng và chăm sóc theo kinh nghiệm của cha mẹ truyền dạy, sau ông tự tìm hiểu, áp dụng nhiều kỹ thuật canh tác hiện đại. Ông Tĩnh xác định: “Làm nông nghiệp ngày nay phải hướng ra thị trường bằng việc mở rộng diện tích, tăng năng suất, sản phẩm phải sạch để tạo niềm tin với thị trường”.

Đó cũng là lý do ông mạnh dạn đốn bỏ 50 ha cây cao su để chuyển sang trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, một hướng đi mà ông khẳng định sẽ được thị trường chấp nhận lâu dài.

Mới đây, khi biết UBND tỉnh tổ chức đoàn đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm về quy trình sản xuất nông nghiệp tại Thái Lan, ông Tĩnh không ngần ngại đăng ký tham gia. “Tôi muốn tận mắt chứng kiến và tìm hiểu nông dân Thái Lan làm nông nghiệp như thế nào để sản phẩm của họ luôn đa dạng và vào được thị trường nhiều nước khó tính trên thế giới”, ông Tĩnh bộc bạch.

Quả không lãng phí thời gian, tiền bạc để đi “du học”, trong những ngày ngắn ngủi đi thực tế cùng với nông dân Thái Lan, ông Tĩnh đã “ngộ” ra rất nhiều điều. Ông kể: “Cách trồng, chăm sóc cây trồng của nông dân Thái Lan không có nhiều khác biệt với nông dân mình, nhưng công nghệ chế biến, sản phẩm sau chế biến của họ rất tốt. Ngoài ra, việc chú trọng sản xuất sản phẩm theo các tiêu chuẩn sạch, an toàn là một trong những lý do trái cây của họ được thị trường nhiều nước chấp nhận”.

Lão nông Nguyễn Văn Sáu (ngụ xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng) thậm chí còn bỏ tiền túi để đi “mở rộng tầm nhìn” ở cả Thái Lan và Đài Loan về quy trình trồng khóm (dứa). Theo ông, mỗi nước đều có những cách làm khác nhau nên bản thân ông cũng rút ra được cách làm hay cho mình.

Ông Sáu là nông dân đầu tiên của tỉnh “liều mình” cải tạo hơn 220 ha đất nhiễm phèn để trồng, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy Tanifood theo hợp đồng. Sau khi tìm hiểu những cánh đồng khóm tại Thái Lan, ông Sáu cho rằng, các sản phẩm của họ không có nhiều khác biệt, nhưng nông dân lại được hưởng lợi và tiết kiệm chi phí sản xuất nhờ cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông của họ rất tốt.

Ngoài ra, công nghệ chế biến cũng rất hiện đại. Từ trái khóm, họ chế ra hàng chục loại sản phẩm khác nhau để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nông dân các nước cũng rất chú trọng đến chất lượng “sạch” của sản phẩm để hướng đến việc xuất khẩu.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi tìm hiểu thực tế tại một trang trại khóm ở Thái Lan.

Cuối tháng 10.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cùng đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Brazil về chăn nuôi giết mổ, kinh doanh bò thịt, bò thuộc da và sản xuất ethanol nấm men từ phụ phẩm sau chế biến mía đường. Tại mỗi nơi đoàn đến và làm việc, các cán bộ, doanh nghiệp trong đoàn đều có những cách tiếp cận và học tập được những điều bổ ích cho nền nông nghiệp của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cho biết: “Những kết quả đoàn công tác thu thập được sẽ góp phần nâng cao nhận thức, vận dụng vào phát triển chuỗi giá trị ngành đường, vào chăn nuôi đối với công tác quản lý Nhà nước, đối với doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Cũng trong dịp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các đoàn công tác khảo sát, học tập kinh nghiệm sản xuất rau quả, chanh dây, xoài, dứa tại Thái Lan. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Duy Ân, thành viên đoàn công tác cho biết: “Trong gần một tuần lễ đi thực tế tại các vườn, nông trại, chợ đầu mối tại Thái Lan, đoàn công tác đã có nhiều cách nhìn nhận trong thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp của nông dân nước bạn.

Đó chính là việc bón phân cho các loại cây ăn trái dựa trên nền hữu cơ vi sinh, sản phẩm chú trọng đến chất lượng, có thị trường tiêu thụ ổn định, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi. Chợ đầu mối nông sản quy mô lớn, hoạt động rất chuyên nghiệp và khoa học. Nông dân có mối quan hệ chặt chẽ, trực tiếp với các đơn vị nghiên cứu về cây trồng, việc chuyển giao KHKT nhanh chóng, thuận lợi…”.

Cũng theo ông Ân, từ những kết quả thực tế đó, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh tiếp tục triển khai một số dự án nông nghiệp công nghệ cao đang thực hiện như nông trại khóm 220 ha của nông dân Nguyễn Văn Sáu (huyện Trảng Bàng); chuyển đổi cơ cấu cây trồng (chanh dây, xoài, ổi…) đối với những địa phương có vùng đất cao như Dương Minh Châu, Tân Biên, Tân Châu, kêu gọi đầu tư chợ nông sản quy mô lớn, chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trở về sau chuyến đi nhiều thú vị đó, ông Nguyễn Văn Tĩnh, nông dân trồng bưởi ở huyện Tân Biên tâm sự: “Trước nay, nông dân mình cứ nghĩ trồng một giống cây cho ra năng suất cao coi như là được mùa. Thế nhưng, nhìn nông dân các nước làm nông nghiệp mới hiểu, mình làm như thế, thực ra mới chỉ được một phần nhỏ trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Làm ra sản phẩm, chế biến và được thị trường chấp nhận mới thực sự bền vững”.

Ngẫm về điều đó, thời gian qua, ông Tĩnh đã dành thời gian liên hệ các đầu mối triển khai mở chuỗi cửa hàng, từng bước làm thương hiệu, kết nối với nhà máy chế biến trái cây… để chủ động đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hơn 40 năm gắn bó với ruộng vườn, giờ đây, có thêm điều kiện tiếp cận nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại, ông Tĩnh luôn giữ vững niềm tin “sản phẩm của mình sạch và chất lượng, kết nối uy tín với đối tác thì sẽ có chỗ đứng bền vững trên thị trường”. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sáu, nông dân đang chuẩn bị trồng 220 ha khóm theo hợp đồng đã ký kết với nhà máy Tanifood (trụ sở tại Long An), sau chuyến đi, ông sẽ nỗ lực- cũng như nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để triển khai thực hiện hệ thống đê bao, giao thông nội đồng trên diện tích triển khai trồng khóm trong năm 2018.

Ông Sáu cho rằng: “Làm nông nghiệp nhiều khi phải gan mới được. Tuy nhiên, khi nhận thấy những chính sách rất đúng đắn về nông nghiệp tỉnh đang triển khai, tôi hoàn toàn yên tâm và tin tưởng “sự liều” của mình là có cơ sở”.

Có thể thấy, mỗi một lãnh đạo, cán bộ hay người nông dân sau mỗi chuyến đi đều đã có được trải nghiệm thú vị và bổ ích. Ông cha ta có câu tục ngữ về sự học hỏi “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

Điều này đúng với sự cầu tiến, tư duy mới trong việc tiếp cận mô hình sản xuất nông nghiệp mới của nông dân Tây Ninh. Những nỗ lực nông dân đang thực hiện góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững mà tỉnh đang triển khai.

Q.S

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục