Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khi phải cách ly tập trung, người dân sẽ trả phí gì?
Thứ hai: 09:30 ngày 07/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Người phải cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì không phải trả chi phí.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ ngày 15-5 đến nay, cả nước đã có hơn 80.000 người phải thực hiện cách ly y tế để phòng chống dịch. Trong đó, có những trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú, cách ly tập trung tại các bệnh viện hoặc cách ly tại các cơ sở khác.

Việc trả chi phí cách ly tập trung sẽ được tính như thế nào, những trường hợp nào phải thực hiện cách ly tập trung là những câu hỏi được nhiều bạn đọc thắc mắc.

Chi phí cho người từ nước ngoài về Việt Nam cách ly

Liên quan đến chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh trong phòng chống dịch COVID-19, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo Nghị quyết 16 quy định về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh trong phòng chống dịch COVID-19 thì tùy theo từng trường trường hợp mà mức phí khác nhau.

Cụ thể, đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thuộc đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly tập trung theo yêu cầu phòng chống dịch. Những người này phải có bảo hiểm y tế (BHYT) quốc tế còn giá trị sử dụng, có phạm vi thanh toán khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phù hợp với thời gian lưu trú tại Việt Nam.

Những người này phải thực hiện cách ly tại khách sạn, resort. Các chi phí phải trả gồm: Chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam đến cơ sở cách ly, chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 và chi phí về ăn, ở, sinh hoạt theo mức giá do khách sạn, resort, chủ phương tiện vận tải công bố.

Đối với người Việt Nam đi làm việc, lao động, đi du học, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân ở nước ngoài trở về phải áp dụng biện pháp cách ly tập trung theo yêu cầu phòng chống dịch thì có hai trường hợp.

Trường hợp thứ nhất, những người này sẽ tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí đưa đón; phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt theo mức giá do khách sạn công bố.

Trường hợp thứ hai, nếu những người này rơi vào trường hợp được UBND cấp tỉnh quyết định cách ly tại doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung thì phải tự chi trả các chi phí cho cơ sở cách ly.

Những chi phí gồm phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam đến cơ sở cách ly tập trung; chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; chi phí tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày; các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung là 40.000 đồng/người/ngày.

Ngoài ra, những người cách ly tập trung trong trường hợp này thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí toàn bộ.

Đối với người Việt Nam được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài… trở về nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung thì cũng sẽ có hai trường hợp sau: Trường hợp thứ nhất, nếu những người này lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort thì phải tự chi trả các chi phí như trên.

Trường hợp thứ hai, nếu những người này chọn cách ly tại doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho làm nơi cách ly tập trung thì không phải trả phí.

Người dân được kiểm tra y tế trong một khu cách ly tập trung ở TP.HCM. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Chi phí cách ly tập trung của người trong nước

Về chi phí cách ly tập trung của người trong nước, luật sư Hoan cho biết theo Quyết định 878 của Bộ Y tế thì những đối tượng phải cách ly tập trung để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng bao gồm: Người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19; người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc COVID-19 trong trường hợp vượt khả năng tiếp nhận của cơ sở y tế…

Về chi phí thực hiện cách ly tập trung thì được tính theo Nghị quyết 16.

Cụ thể, trường hợp người Việt Nam ở trong nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí như trên.

Trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung chỉ phải tự chi trả tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày cho cơ sở cách ly y tế tập trung.

Trường hợp người phải cách ly y tế tập trung nếu là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì không phải trả phí.

Ngoài ra, trong thời gian cách ly y tế tập trung, người bị cách ly mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì việc chi trả chi phí khám, điều trị như sau: Người có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí được hưởng và mức hưởng BHYT như các trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến. Đối với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng BHYT (nếu có) thì người bị cách ly phải tự chi trả theo quy định của pháp luật về BHYT.

Người không có thẻ BHYT phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.

Chi phí xét nghiệm COVID-19

Theo Công văn 4356, việc hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 với đối tượng không thanh toán BHYT như sau: Trường hợp mẫu đơn với mức giá tối đa của dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR từ bệnh phẩm dịch hầu họng (áp dụng cho mẫu đơn) là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm. Trong đó, mức giá dịch vụ lấy và bảo quản bệnh phẩm tối đa là 117.800 đồng/mẫu và mức giá xét nghiệm tối đa là 616.200 đồng/mẫu.

Trường hợp gộp mẫu: Mức giá tối đa của việc lấy và bảo quản bệnh phẩm là 100.000 đồng/mẫu. Mức giá tối đa của việc thực hiện xét nghiệm với mẫu gộp là 634.000 đồng chia đều cho số mẫu gộp.

Luật sư  LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nguồn PLO

Tin liên quan