Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Với 12 nghị quyết được ban hành, có lẽ kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XIV) giữ kỷ lục về số nghị quyết được “ra đời” trong một kỳ họp, trong đó có những nghị quyết có tính chất đặc biệt như nghị quyết về xử lý nợ xấu.
Một điểm rất đáng chú ý trong các nghị quyết được ban hành lần này, đó là Quốc hội quy định các mốc thời gian để giải quyết từng vấn đề nổi cộm.
Đọc sơ qua các nghị quyết như về chất vấn và trả lời chất vấn, về an toàn vệ sinh thực phẩm thì thấy rõ: năm 2020 không còn tình trạng bệnh viện quá tải; năm 2017 phải sửa đổi, bổ sung nghị định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Năm 2017 chuyển chức năng quản lý phân bón từ Bộ Công thương sang Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Năm 2018 phải kiện toàn xong bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp theo hướng tập trung, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm; hết năm 2020 phải cơ bản hoàn thành các quy chuẩn kỹ thuật chính về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng...
Đặc thù như nghị quyết xử lý nợ xấu, mặc dù có nhiều ý kiến đề nghị không quy định thời hạn, nhưng cuối cùng Quốc hội đã quyết định nghị quyết thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ 15-8-2017.
Sở dĩ phải quy định thời hạn để giải quyết “cục máu đông” của nền kinh tế đã tích tụ nhiều năm, bởi các đại biểu Quốc hội coi đây là nghị quyết đặc thù, áp dụng các biện pháp đặc biệt để giải quyết nợ xấu phát sinh trong giai đoạn kinh tế - tài chính quốc tế khủng hoảng và tình hình kinh tế trong nước khó khăn.
Có thể nói việc đặt ra các mốc thời gian để giải quyết từng vấn đề đã thể hiện quyết tâm của Quốc hội, trên cơ sở những lời hứa, giải pháp, kiến nghị được Chính phủ và các cơ quan chức năng đưa ra.
Trong một số lĩnh vực, mốc thời gian ấy cũng được coi như giới hạn sức “chịu đựng” của nền kinh tế - xã hội mà nếu không giải quyết rốt ráo thì khó khăn sẽ chồng chất, tụt hậu sẽ trở thành hiện thực, thậm chí có lĩnh vực có thể xảy ra nguy cơ đổ vỡ hệ thống nếu không giải quyết được như vấn đề nợ xấu ngân hàng.
Đặt ra mốc thời gian là một chuyện, có giải quyết đúng hạn và việc giải quyết ấy có hiệu quả hay không lại là chuyện khác.
Hồi đầu kỳ họp này, trong cuộc trò chuyện với phóng viên, trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết một trong những nguyên nhân khiến không ít nghị quyết, quyết định của Quốc hội không được thực hiện nghiêm túc, triệt để là do thiếu chế tài.
Vừa rồi, chất vấn Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cũng đã đề nghị lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành trong trả lời chất vấn phải đề cập rõ giải pháp, thời gian thực hiện, gắn với trách nhiệm cụ thể để Quốc hội giám sát và cũng để cử tri giám sát Quốc hội, coi như đó là “ba mặt một lời”.
Theo bà Thanh Hải, để công việc diễn ra theo đúng tiến độ, đúng lời hứa thì bên cạnh việc chế tài nghiêm túc, các cơ quan của Quốc hội cần thực hiện các cuộc tái giám sát, hậu giám sát những nội dung được đặt ra trong các nghị quyết của Quốc hội.
Nguồn TTO