Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khó khăn trong tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt
Thứ năm: 11:06 ngày 06/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhằm phát triển mạng lưới xe buýt ở tỉnh ngày càng văn minh, lịch sự, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, ngày 12.5.2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.

Nhiều xã viên đã tự bỏ tiền đầu tư phương tiện xe buýt khác thay thế cho phương tiện hết niên hạn sử dụng do không dám mạo hiểm vay theo chính sách hỗ trợ.

Nghị quyết có hiệu lực vào ngày 23.5.2022. Thế nhưng, qua 2 năm triển khai, nhiều xã viên HTX xe buýt trong tỉnh than “khó” được thụ hưởng chính sách.

Không dám mạo hiểm 

Hiện nay, xã viên các HTX xe buýt trong tỉnh chuyển đổi dần phương tiện xe buýt sang những xe mới hơn, có điều hoà, ghế ngồi văn minh để phục vụ hành khách. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ mới biết rằng, những phương tiện xe buýt được xem là mới nhưng không phải "xe mới".

Đó là những xe buýt đã có thời gian sử dụng khoảng 10 năm, được các xã viên mua lại và cho tu sửa để khai thác vận chuyển hành khách, thay thế cho những phương tiện xe buýt đã hết niên hạn.

Ông Nguyễn Anh Dũng, xã viên HTX vận tải Đồng Tiến chạy tuyến 701 cho biết, chính sách của tỉnh hỗ trợ lãi suất đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với điều kiện là xã viên phải mua phương tiện mới 100% mới được thụ hưởng. Phương tiện xe buýt mới có giá khoảng 1 tỷ đồng/chiếc, nhưng hoạt động của xe buýt từ sau dịch bệnh Covid-19 đến nay khá ế ẩm, lượng khách chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển ngày càng giảm dần.

Do đó, ông Dũng cũng như nhiều xã viên khác chỉ còn cách tự tìm mua những xe buýt đã qua sử dụng có giá từ 300-400 triệu đồng/chiếc về tu bổ, sửa chữa lại để hoạt động vận chuyển hành khách. Với số tiền nêu trên, các xã viên cảm thấy nằm trong khả năng của mình, còn đầu tư vay số tiền 1 tỷ đồng mua xe buýt mới 100% để thụ hưởng chính sách ưu đãi của tỉnh, thì gần như xã viên không dám mạo hiểm.

Những chiếc xe buýt cũ dần được thay thế do hết niên hạn sử dụng.

“Tự cứu lấy mình”

Ông Hoàng Sỹ Hoan– Giám đốc HTX vận tải Đồng Tâm cho biết, trước đây, xe buýt kinh doanh tương đối thuận lợi, nhưng từ sau dịch Covid-19, loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư phương tiện lớn, hành khách giảm mạnh, nhiên vật liệu biến động khó lường... nên các xã viên HTX không dám mạnh dạn đầu tư phương tiện.

Cùng với đó, hiện nay phương tiện cá nhân phát triển mạnh mẽ, dẫn đến lượng hành khách sử dụng xe buýt giảm. HTX Đồng Tâm đã nghiên cứu rất kỹ về chính sách tại Nghị quyết 27/2022/NQ-HĐND nhưng không thể tiếp cận, do vốn đầu tư ban đầu quá lớn.

Ông Hoàng Sỹ Hoan đưa ra thí dụ cụ thể, mua một phương tiện xe buýt mới 100%, hiện đại, chất lượng cao có giá khoảng 2 tỷ đồng, được hưởng chính sách hỗ trợ đến 70% lãi suất vay, nhưng với tình trạng hoạt động khó khăn hiện nay của xe buýt, HTX không dám đầu tư, do lo ngại sau khi vay tiền đầu tư phương tiện mới, nguồn thu không đủ để xã viên chi trả tiền gốc vay mua phương tiện.

Với khó khăn đó, để "tự cứu lấy mình", các HTX xe buýt và xã viên muốn gắn bó lâu dài với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã chọn phương án mua sắm phương tiện cũ về tân trang để tiếp tục kinh doanh dịch vụ.

HTX xe buýt Đồng Tâm kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cần quan tâm hơn, có nhiều chính sách hỗ trợ mới, đưa hoạt động vận tải công cộng bằng phương tiện xe buýt ngày càng phát triển, văn minh, thu hút hành khách sử dụng loại phương tiện này trong tương lai.

Tấn Hưng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục