Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các nhà thiết kế có thể mất nhiều ngày trời để tính xem nên đặt loa lệch 1 hay 0,6 độ, "đơn giản" mới là đỉnh cao của tạo hình.
Làm thế nào để bạn phát hiện món đồ bị đặt lệch 0,6 độ so với mong muốn?
Bất khả thi, nếu chỉ phân biệt bằng mắt thường. Việc khó này là một trong những thứ các nhà thiết kế Volvo XC60 phải làm, khi tìm cách đặt chiếc loa trung tâm Bowers & Wilkins (B&W) trên táp-lô, để đạt hiệu quả âm thanh tốt nhất cho mọi vị trí. Ông Jonathan Disley, Phó chủ tịch phụ trách thiết kế của Volvo châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ với VnExpress về câu chuyện thiết kế xe sang, một ngày cuối tháng 10 tại Sài Gòn.
Xe sang không chỉ thể hiện ở những đường nét bóng bẩy, gợi cảm khi tạo hình, mà còn ở cách tích hợp những công nghệ tối tân và sự tỉ mỉ, chăm chút khi thiết lập. B&W là một trong số ít những hãng âm thanh vẫn đạt hiệu quả như nhà hát khi mang lên xe hơi. Nhưng để tất cả chuẩn chỉ thì không dễ.
Loa B&W trên táp-lô xe XC60. Ảnh: Mobile01.
Kỹ sư âm thanh của B&W muốn rằng ngoài loa gắn quanh xe, loa trên bảng táp-lô dưới chân kính chắn gió phải đặt hướng góc trùng với trục dọc của xe, hướng thẳng xuống các hàng ghế. Nhưng Disley và các nhà thiết kế ở Volvo thì không nghĩ vậy.
Khi tài xế hướng mắt quan sát phía trước, anh ta sẽ không thể đón nhận âm thanh tràn đầy so với những vị trí khác tràn xe. Vì vậy, để mọi thứ hoàn hảo, loa giữa nên xoay lệch 1 độ về phía tài xế.
"Chúng tôi muốn 1 độ, họ nói 0", Disley kể về cuộc đàm phán của các nhà thiết kế và kỹ sư âm thanh. Sau thời gian thảo luận, con số bắt đầu được điều chỉnh để cả hai bên đều cảm thấy vừa lòng. Từ 0,2 rồi 0,4 - 0,6 - 0,8 độ. Cuối cùng, kết quả là 0,6. Không dễ để thiết lập hệ thống âm thanh B&W trên xe Volvo vốn là một trang bị tuỳ chọn có giá gần 200 triệu ở Việt Nam.
Trên xe sang có rất nhiều thứ tỉ mỉ mà khách hàng phổ thông đôi khi không thể hiểu vì sao lại đắt như vậy. Chi tiết là một trong những yếu tố mà bất cứ nhà thiết kế nào cũng phải hướng tới, nếu muốn vươn tầm lên phân khúc cao cấp. Ở góc độ này, người làm nghề tài xế cho các ông chủ thượng lưu hay các tài xế chuyên đỗ xe ở khách sạn 5 sao hiểu rất rõ.
Trong một bài viết về 5 điều quan trọng làm nên xe sang, Forbes từng nhắc tới yếu tố chi tiết, qua góc nhìn của một người làm nghề đỗ xe. Anh này ấn tượng với Rolls-Royce, bởi cánh cửa rất nặng nhưng mở ra rất êm, bạn không phải dùng tới sức mạnh cơ bắp để đóng. Cửa hít khiến người ngồi trên xe biết lúc nào đã đóng chặt. Trong thành cánh cửa, luôn có ô (dù). Những thứ nhỏ bé, làm nên giá trị to lớn.
Bốn yếu tố khác tạo lập "chất" cho xe sang là âm thanh, ánh sáng, vật liệu và công nghệ. Âm thanh là tiếng ống xả với những xe thiên hướng thể thao, cũng có thể là dàn nghe nhạc tinh tế như cách mà B&W thể hiện. Ánh sáng là bầu trời sao của Rolls-Royce, là thứ đèn nội thất ấm áp, có thể chuyển màu phù hợp tâm trạng. Vật liệu đó là chất gỗ walnut sần sùi nhưng ấm áp kiểu Bắc Âu, là bộ thảm lông cừu hay kim loại sờ mát lạnh. Công nghệ thì không đơn thuần là liệt kê những thứ xe có, mà ở cách xe vận hành. Khách hàng xe sang không cần biết hệ thống treo thuộc loại khí nén, thứ họ cần là xe ngồi liệu có êm.
Ô gắn trên cánh cửa ở xe Rolls-Royce Phantom Coupe. Ảnh: Forbes.
Đó là những thứ để thuyết phục người giàu mua xe, nhưng để họ gắn bó với thương hiệu, cần có một câu chuyện.
"Người giàu muốn có sự tiếp nối, kế thừa", Ian Callum, giám đốc thiết kế Jaguar, trả lời Autonews năm 2015. Bởi lý do này, các mẫu xe ở nhiều phân khúc thường na ná nhau, thừa hưởng chung thiết kế để tạo sự liền lạc. Người không quan tâm khó lòng nhận ra sự khác biệt giữa đèn pha của XC60 và XC90 hay Mercedes S, E và C-class cũng như giữa Audi A6 và A8.
Để kể câu chuyện, Rolls-Royce là một trong những bậc thầy. Các nhân viên bán hàng luôn thủ sẵn trong túi hàng tá câu chuyện đặc trưng. Rằng, đã có khách dùng gỗ của cây sau vườn nhà để đưa vào nội thất, người khác lại muốn màu xe giống màu lông chú cún cưng. Có người muốn bọc trần xe bằng vải, các nghệ nhân và kỹ sư phải thiết kế ra loại vải vừa đảm bảo giống chất liệu khách hàng mong muốn, nhưng giữ độ bền theo thời gian.
"Khi kể câu chuyện, bạn truyền tải giá trị lịch sử của thương hiệu và những chăm chút tỉ mỉ mà các nhà thiết kế, kỹ sư cố gắng phục vụ khách hàng", một chuyên gia bán hàng lâu năm cho các hãng xe sang ở Việt Nam chia sẻ. Người giàu có muốn được chăm sóc từ những điều nhỏ nhặt.
Câu chuyện riêng cũng định hình lên phong cách thiết kế của mỗi hãng, một trong các yếu tố thuyết phục khách hàng. Bởi vậy, thay đổi phong cách là một trong những điều rủi ro nhất với xe sang. Yasuo Kajino, giám đốc thiết kế của Lexus, cho biết thứ khó khăn nhất với ông là đổi ngôn ngữ của mẫu sedan ES từ trung tính sang thể thao phá cách. Cả một lịch sử dài của thương hiệu, sẽ phải điều hướng mới.
Đối thủ lớn của Lexus là Mercedes lựa chọn ngôn ngữ thiết kế Sensual Purity (sự gợi cảm thuần khiết). Tên gọi lột tả phong cách ưa chuộng đường cong và bóng bẩy hút mắt.
Tiếp cận từ vẻ ngoài là cách mà hãng này lựa chọn. Hồi tháng 11/2017, trả lời GQ (tạp chí đàn ông nổi tiếng tại Mỹ), Gorden Wagener, giám đốc thiết kế của Mercedes cho biết "vẻ đẹp là chức năng quan trọng nhất". Sẽ rất khó thuyết phục một người khám phá xe, nếu cái nhìn đầu tiên không để lại ấn tượng.
Qua từng thời kỳ, cảm nhận về cái đẹp của khách hàng lại càng khác nhau. Wagener giải thích, "những năm 50, xe thường đầy đặn, gợi cảm thậm chí 'khiêu dâm', vì đây là thời kỳ sau thế chiến, con người bắt đầu háo hức với cuộc sống hưởng thụ". Đến những năm 60, xe lại thon gọn, mỏng manh và nhẹ cân hơn. Các thiếu nữ thời này cũng vậy, mảnh khảnh trong bộ váy điệu đà.
Quy tắc đơn giản nhưng khó diễn tả là vẻ đẹp của xe cũng gắn liền với quan niệm về cái đẹp trong mỗi giai đoạn. Wagener dự đoán, tương lai thiết kế ôtô là làm cách nào để kết hợp những thứ phức tạp mà khách hàng ưa chuộng lên thân xe một cách đơn giản nhất.
Quan điểm này trùng với Jonathan Disley. Phó chủ tịch thiết kế của Volvo châu Á-Thái Bình Dương cho biết, thách thức lớn nhất cho nhà thiết kế là làm cách nào để đơn giản hóa công việc của họ. Càng đơn giản, càng đẹp.
Disley cho rằng với một hãng xe đến từ Bắc Âu, nơi có đời sống cao nhất thế giới, những quan niệm về cái đẹp cũng cao hơn nhiều khu vực khác. Tạo hình từ bán đảo Scandinavi luôn đơn giản và tinh tế, đủ để tạo điểm nhấn. Tất nhiên, sự đơn giản đôi khi khó được đón nhận, nhất là với khách hàng châu Á, những người tiếp xúc với ôtô muộn hơn châu Âu.
"Thiết kế thay đổi liên tục, là một thiết kế không thành công", ông nhấn mạnh. Thiết kế càng bền thì càng được nhiều người nhớ lâu. Số khách hàng có gu, vẫn ít hơn nhiều những người mê sự bóng bẩy, sặc sỡ. Khách hàng ở tầng lớp càng cao trong xã hội, họ càng yêu thích những thứ đơn giản, nhưng chăm chút chi tiết. Vị phó chủ tịch sử dụng cụm từ "tương lai cổ điển" để nói về mục tiêu cao cấp nhất trong nghệ thuật tạo hình.
Jonathan Disley tại Việt Nam hồi cuối tháng 10. Ảnh: Đức Huy
Thách thức này buộc các nhà thiết kế phải hướng tới những nội thất phẳng, ở đó nút bấm triệt tiêu, chỉ còn lại màn hình cảm ứng. Chiếc iPad trên xe Volvo hay dạng màn hình đứng của BMW là nơi điều khiển hàng trăm chức năng của xe. Con người ngày càng đòi hỏi nhiều tùy chọn, và không thể mỗi công nghệ lại thêm một vài nút, vì thế cảm ứng là xu hướng bắt buộc. Như chiếc XC60 đời trước có 28 nút cứng, thế hệ này tăng trang bị, không thể trở thành 40-50 nút. Disley từng mất 45 phút để tìm xem nút sưởi hàng ghế sau bật ở đâu, khi thuê một xe sang tại Mỹ.
Ngoài ra, các chức năng, giao diện cảm màn hình có thể cập nhật, đổi mới liên tục, nhưng phím cứng thì không thể. Để sửa hình dạng, vị trí của nút, các hãng cần 4-5 năm. Yasuo Kajino, giám đốc thiết kế Lexus từng trả lời rằng đi sâu vào chi tiết có thể mất 3-4 năm, chưa kể thời gian một năm để thảo luận "xe dùng phong cách gì".
Những khó khăn cho người thiết kế sẽ tăng lên gấp bội khi thỏa mãn đòi hỏi từ khách hàng châu Á. "Có những thứ người châu Âu hài lòng, nhưng châu Á thì không", Disley phân tích. Chiếc XC40 có các hộc chứa nước, đồ la liệt quanh xe, đây là kiểu thiết kế được tham khảo bởi những nhà thiết kế ở thị trường Trung Quốc, theo thói quen của họ là mang nhiều đồ lên xe. Ở lục địa già châu Âu, khách lại không cần nhiều như vậy. Nhưng cũng nhờ đòi hỏi từ khách châu Á mà xe hoàn thiện hơn, mở ra những nhu cầu "người châu Âu không nghĩ tới".
Nhà thiết kế người Anh tự tin, những vấn đề này, có thể giải quyết nếu đủ thời gian nghiên cứu. Nhưng nếu thiết kế chỉ đẹp, bắt mắt và nhiều công năng là chưa đủ để vươn tầm xe sang.
"Chiếc xe đẳng cấp, phải tốt cho sức khỏe và an toàn cho người trong xe và xung quanh xe", ông nói.
Làm cách nào để xử lý gỗ ốp cabin không gây độc còn quan trọng hơn việc chọn thớ gỗ vân đều hay đối xứng.
Nguồn VNExpress