Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khổ vì nước ngập
Thứ hai: 00:01 ngày 14/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cơn mưa lớn hôm 5.11 vừa qua trên địa bàn tỉnh khiến nhiều tổ dân cư trên địa bàn hai xã Phan và Suối Đá, huyện Dương Minh Châu bị ngập cục bộ trên diện rộng. Sau khi nước rút, người dân ở đây vất vả dọn dẹp nhà cửa.

Vườn cao su ở xã Phan ngập sâu sau cơn mưa đêm 5.11

Đến ngày 7.11, nước rút gần hết. Bà Phan Thị Nguyệt, ngụ tổ dân cư tự quản số 5, ấp Phước Hoà, xã Suối Đá chỉ tôi xem chiếc kệ ti vi trong nhà xiêu vẹo, sắp đổ ngã do bị ngập nước nhiều ngày liên tục. Cụ bà 70 tuổi này kể lại, khoảng 12 giờ đêm 5.11, nghe đàn gà sau nhà bay nhảy loạn xạ, bà bước xuống đất mới biết nước ngập lênh láng trong nhà. Bà vội rút điện máy quạt, ti vi ra khỏi ổ cắm, rồi ra nhà sau tìm đàn gà đang vẫy vùng trong nước. Vì bị lạnh, 6 con gà đã chết.

Sáng hôm sau, bà Nguyệt dùng thanh gỗ đo mực nước ngoài sân, nước ngập sâu 70cm. “Hai ngày nay nước rút dần. Trong nhà đọng một lớp sình lầy. Tôi phải xịt nước rửa cả ngày mới sạch được”- bà Nguyệt nói. 

Ông Phạm Ngọc Nam, ngụ ấp Phước Hoà kể: đêm 5.11 mưa to, nước từ trên sườn núi tràn xuống, các căn nhà trong khu vực này đều bị nước mưa tràn vào. Nước còn gây ngập cả một đoạn đường 781- con đường huyết mạch dẫn vào thị trấn Dương Minh Châu và tràn qua đường, gây khó khăn cho việc đi lại, đến sáng hôm sau mới rút bớt. Nhiều năm nay, nhà của ông Nam đã xây một tường gạch ngang trước sân như một con đê ngăn nước, nhưng “bà Thuỷ” vẫn tràn vào nhà, ngập hơn 20cm.

Bà Trăm vất vả quét dọn nhà cửa.

Người đàn ông này cho hay, nhiều năm qua, mỗi khi có mưa là mặt sân và con hẻm nhỏ trước cửa nhà ông đều ngập, nhưng cơn mưa hai hôm trước quá lớn nên nước ngập cả bên trong căn nhà. Nước ngập triền miên khiến nhiều loại rác thải sinh hoạt từ phía trên xóm trôi xuống, gây ô nhiễm môi trường; việc đi lại của người dân trong xóm gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Nam, tình trạng ngập úng thường xuyên ở khu vực này là do hệ thống cống thoát nước ven đường 781 quá nhỏ, khiến nước mưa tiêu thoát rất chậm. Ông Nam kiến nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm có biện pháp khắc phục.

Tương tự, ở ấp Phước Tân 1, xã Phan, nhiều người dân đang vất vả khắc phục hậu quả của cơn mưa vừa qua. Bà Phạm Thị Trăm, 75 tuổi, than thở chiếc xe nước mía của gia đình vẫn còn “đứng chân” trong nước. Sau nhà, những khóm rau, vườn bưởi đang “ngộp nước”; hơn 2 ha cao su chưa kịp khô ráo thì nay lại tiếp tục ngập sâu hơn.

Bà Trăm chia sẻ, cơm mưa đêm thứ 7 (5.11), nước dâng lên rất cao, ngập hết nền nhà, làm ảnh hưởng đến việc buôn bán của gia đình. Theo bà Trăm, những năm trước có mưa lớn, nước từ trên sườn núi đổ xuống chỉ gây ngập cục bộ trong một thời gian ngắn. Sau đó, nước theo con mương ven đường đất đỏ dẫn ra hệ thống mương thoát nước của đường 781 và rút cạn.

Năm ngoái, con đường đất đỏ được đầu tư nâng cấp nhưng không đặt cống thoát nước, từ đó đến nay, nước mưa chảy xuống khu vực này đều bị ứ đọng, gây ngập nhà dân. “Tôi mong chính quyền địa phương sớm có biện pháp khắc phục tình trạng ngập úng này để những năm tới không còn ảnh hưởng đến đời sống người dân”- bà Trăm mong ước.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và chống phá rừng huyện Dương Minh Châu, sau cơn mưa chiều ngày 5.11, trên địa bàn hai xã Phan và Suối Đá có 168 hộ dân bị ngập, trong đó có 4 hộ bị hư hại tài sản; 30 ha mì, 3 ha mãng cầu và 2,6 ha bắp bị ngập, ước tính thiệt hại gần 400 triệu đồng.

Không bị nước ngập nhà cửa như những hộ dân khác, nhưng gia đình bà Trần Thị Thu Thuỷ, ngụ ấp Phước Hoà, xã Suối Đá bị thiệt hại năng nề về vườn cây ăn trái. Theo bà Thuỷ, gia đình có 1,3 ha mãng cầu đang kỳ thu hoạch. Những năm trước, vườn cây ăn trái của gia đình và nhiều vườn mãng cầu khác trong khu vực ít bị ngập nước, hoặc có bị ngập nước cũng mau rút. Không hiểu vì sao năm nay nước ngập kéo dài hơn 3 tháng, khiến rất nhiều cây mãng cầu thối rễ, lá thâm đen, trái bị hư hỏng, dự báo năm nay sẽ bị thất thu. “Những năm trước thu hoạch được 10 tấn trái, tình hình vườn cây điêu tàn như thế này, năm nay thu hoạch chắc chỉ còn 5 tấn”- chị Thuỷ than thở.

Người nông dân này tâm sự, liên tiếp hai ba năm trước, do ảnh hưởng đại dịch Covid- 19, nhiều người trồng mãng cầu lỗ nặng vì không buôn bán được. Dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, vợ chồng chị phấn khởi vay ngân hàng 100 triệu đồng, mua phân bón chăm sóc cho vườn cây.

Không may, năm nay vườn cây bị ngập nước suốt thời gian dài, khiến vườn cây bị chết sớm. “Bình thường, chu kỳ vườn mãng cầu là 10 năm mới phá bỏ, trồng lại. Vườn mãng cầu của gia đình tôi hiện giờ mới 5 năm, nhưng nhiều khả năng sau mùa mưa này vườn cây sẽ chết nên phải chặt bỏ sớm”.

Bà Thuỷ cho biết thêm, không chỉ vườn mãng cầu của gia đình bị thiệt hại mà nhiều vườn cây mới trồng, nhiều ruộng mì mới xuống giống đều bị mất trắng sau cơn mưa to đêm 5.11.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục