Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khó xoay xở để bố trí học sinh ngồi học cách nhau tối thiểu 1,5m
Thứ năm: 21:52 ngày 23/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 20 địa phương bắt đầu cho học sinh đi học trở lại hoặc đã công bố kế hoạch cho học sinh đi học trở lại sau thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các tiêu chí nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh khi tới trường, tuy nhiên, có tiêu chí được đưa ra trên cơ sở lý tưởng tuyệt đối hoá mà quên tính toán đến điều kiện thực tế, dẫn đến việc để thực hiện là gần như không khả thi.

Không gian một lớp học tại Hà Nội (Ảnh: DUY LINH)

Hiện một số tỉnh cho học sinh đi học trở lại. Tỉnh Thanh Hoá đã bắt đầu cho học sinh THCS, THPT đi học trở lại từ ngày 21-4. Trước đó, các tỉnh Thái Bình, Cà Mau, cho học sinh lớp lớn đi học trở lại từ ngày 20-4. Ngày mai, 23-4, một số tỉnh, thành phố sẽ cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trở lại như: Gia Lai, Hải Phòng, Yên Bái.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 20 tỉnh, thành phố cho một bộ phận học sinh, chủ yếu là học sinh các lớp cuối của bậc THCS, THPT đi học trở lại hoặc đã công bố kế hoạch cho học sinh trở lại trường học tập.

Đề cập đến vấn đề cho học sinh trở lại trường học, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước khi đón học sinh trở lại trường, các nhà trường phải triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh; tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, các nhà trường phải bảo đảm giãn cách xã hội, bố trí học sinh ngồi học cách nhau với khoảng cách tối thiểu 1,5m; mỗi lớp học không quá 20 học sinh…

Các tiêu chí này được đưa ra trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế. Tại công văn số 2234/BYT-MT về việc triển khai phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục tới Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TBXH, Bộ Y tế đề nghị hai Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TBXH bổ sung một số yêu cầu cụ thể trong văn bản hướng dẫn chi tiết gửi các tỉnh/thành phố. Đó là tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên và người lao động trong các cơ sở giáo dục phải đeo khẩu trang trên đường đến trường và trở về nhà, trong thời gian ở trường.

Quá trình học tập ở trường, học sinh, sinh viên phải được bố trí chỗ ngồi bảo đảm khoảng cách giữa các học sinh, sinh viên tối thiểu 1,5m. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tế từng phòng học, từng bàn học có thể bố trí mỗi học sinh ngồi một bàn hoặc hai học sinh ngồi một bàn hoặc ngồi so le... cho phù hợp, bảo đảm khoảng cách tối thiểu trong các hoạt động chung của học sinh, giáo viên.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch khi quyết định cho học sinh đi học trở lại. Các địa phương có thể tính toán để học sinh lớp 9, lớp 12 đi học trước, các lớp khác học sau. Mỗi lớp học có thể tách đôi số lượng học sinh để bảo đảm khoảng cách an toàn giữa hai người học. Việc dạy và học có thể kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Thực tế, đa phần các trường học ở thành phố hiện nay, sĩ số học sinh trong lớp học thường rất đông, vượt xa quy định, thậm chí gấp đôi theo chuẩn quy định. Như tại Hà Nội, các trường học trên địa bàn có số lượng học sinh trung bình vào khoảng 45 học sinh/lớp. Nhiều trường phổ biến việc một lớp học có sĩ số lên tới 60 học sinh. Do đó, với tiêu chí sắp xếp không quá 20 học sinh/lớp thì sẽ phải tổ chức học hai đến ba ca/ngày. Đây là điều có thể khẳng định ngay là không khả thi.

Bảo đảm giãn cách khi bố trí chỗ ngồi cho học sinh trong lớp học theo tiêu chuẩn như trên thực sự là việc khó khăn đối với hầu hết các nhà trường. Theo ý kiến của Hiệu trưởng một số trường, nếu trường nào có cơ sở vật chất rất tốt thì còn có thể sắp xếp được, nhưng đây là số rất nhỏ. Còn đa phần các nhà trường hiện nay, nhất là những trường đang phải học hai ca sáng và chiều thì không thể bố trí phòng cho học sinh học tập.

“Nếu chỉ khối 12 đi học trở lại thì sẽ thực hiện được yêu cầu giãn cách chỗ ngồi giữa các học sinh. Nhưng vẫn sẽ bị thiếu giáo viên, hoặc phải bố trí tăng ca hoặc bù thêm về số lượng, điều này rất khó với nhà trường” – Hiệu trưởng một trường THPT chia sẻ.

Đối với các giáo viên, đây cũng sẽ là một trở ngại khi công suất dạy học cũng sẽ phải tăng lên gấp đôi. Một giáo viên ở Hà Nội cho biết: Nếu chia lớp ra thì đồng nghĩa giáo viên phải tăng công suất lên gấp hai, gấp ba. Sẽ vô cùng khó khăn để xếp thời khoá biểu cho các em.

Vào ngày 27-4 tới đây, Điện Biên sẽ cho học sinh các cấp đi học trở lại. Để bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch bệnh cho học sinh khi đi học trở lại, UBND tỉnh Điện Biên quy định rõ, từ ngày 27-4 đến 16-5, việc dạy và học chỉ được tổ chức một buổi/ngày.

Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên Nguyễn Văn Kiên hôm 23-4 cho biết sẽ thông tin tới các nhà trường về quy định giãn cách học sinh tại trường học, lớp học. Tuy nhiên, theo ông, việc này các trường tự sắp xếp chứ không ép buộc được. Do đặc thù điều kiện nhiều trường lớp ở địa phương còn khó khăn, nhất là những nơi thuộc vùng cao, vùng sâu của Điện Biên hiện nay vẫn còn nhiều nơi học sinh phải học trong phòng tạm, tranh tre…

“Trong điều kiện khó khăn hiện tại, Sở GD-ĐT Điện Biên đề nghị tất cả các trường thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch cho học sinh, tổ chức cho học sinh ăn theo nhóm chứ không tập trung tại bếp ăn tập thể như trước và giao giáo viên chủ nhiệm theo dõi sát sao sức khỏe học sinh, bảo đảm trường hợp học sinh ốm sẽ được theo dõi, điều trị kịp thời” – Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên chia sẻ.

Đông đảo các phụ huynh bày tỏ sự lo ngại về tính thực tế của tiêu chuẩn bố trí học sinh ngồi học cách nhau với khoảng cách tối thiểu 1,5m, không chỉ do hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất trong khi sĩ số học sinh đông, mà còn là vấn đề không thể kiểm soát được học sinh ở không gian ngoài lớp học. Không ai có thể bảo đảm được việc tuân thủ khoảng cách giữa các em trong giờ ra chơi và các hoạt động ở sân trường.

“Nếu nhận thấy chưa an toàn thì Bộ GD-ĐT không nên cho học sinh đi học trở lại. Còn cho học sinh đến trường và yêu cầu các em giữ khoảng cách với nhau 1,5m khi ngồi học và trong các hoạt động thì liệu có thực hiện được không và đây có phải là biện pháp tốt nhất trong tình hình hiện nay hay không?- Chị Nguyễn Thuý Anh, một phụ huynh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, đặt câu hỏi.

Nếu khoảng giãn cách chỗ ngồi giữa mỗi học sinh phải là 1,5m thì mới bảo đảm đúng theo tiêu chuẩn về phòng dịch tại thời điểm này thì cần phải thực hiện hết sức nghiêm túc. Bộ GD-ĐT cần đánh giá tính khả thi, nếu không bảo đảm được việc tổ chức lớp học đúng theo tiêu chuẩn phòng chống dịch thì không được cho học sinh tới trường.

Còn khi đã quyết định cho các em trở lại trường thì Bộ GD-ĐT cần vào cuộc, cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn từ thực tế, tránh việc Bộ GD-ĐT chỉ truyền tải các tiêu chí bảo đảm an toàn ở mức lý tưởng, còn không quan tâm trên thực tế sẽ được triển khai ra sao.

“Để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ GD-ĐT nên xây dựng phương án đón học sinh trở lại trường học theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Chẳng hạn, tại Hà Nội, có thể bố trí cho học sinh học hai ca/ngày, sĩ số mỗi lớp có thể nhiều hơn số lượng 20 học sinh, nhưng vẫn bảo đảm việc tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, dịch Covid-19 trong trường học” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đưa ra góp ý về nội dung đón học sinh trở lại trường học khi điều kiện cho phép tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 vào hôm 22-4.

Nguồn nhandan

Tin cùng chuyên mục