Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khó xử phạt
Chủ nhật: 08:18 ngày 22/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thức ăn đường phố là khi phổ biến. nhưng vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong kinh doanh thức ăn đường phố vẫn còn bất cập. Việc ban hành các quy định xử lý vi phạm trong ATTP để bảo vệ sức khoẻ cho người dân là cần thiết.

Người bán không sử dụng găng tay.

Có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ATTP được ban hành với các điểm mới, làm thay đổi phương thức quản lý ATTP. Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP được ban hành, thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP theo hướng tăng mức phạt, quy định chi tiết về hành vi vi phạm, biện pháp khắc phục.

Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đó, nếu vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố như không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định; thức ăn không được che đậy, ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập sẽ bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng. Người bán hàng không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín, thức ăn ngay cũng bị xử phạt.

Đối với một số hành vi như sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm ATTP theo quy định; người đang mắc các bệnh theo quy định không được trực tiếp tham gia kinh doanh ăn uống, thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm sang chia, san chiết không phù hợp… bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Nghị định 115 đã có hiệu lực hơn 1 năm nhưng nhiều người vẫn chưa biết và quan tâm thực hiện.

Nhiều hộ kinh doanh thức ăn đường phố chưa chú trọng quy định về ATTP. Tại một địa điểm bán xôi trên địa bàn TP.Tây Ninh, các nồi xôi đậu đen, bắp, đậu xanh đều mở nắp, không có vật dụng che đậy, bày bán bên đường để thu hút khách hàng. Chị N, chủ tiệm xôi khá bất ngờ về mức xử phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng cho hành vi không che đậy thức ăn. “Mỗi ngày,bán xôi lãi không nhiều, chưa có tiền mua tủ kiếng. Khách hàng cũng thích để xôi ra ngoài, nhìn bắt mắt hơn. Mức xử phạt tới 1 triệu đồng là quá cao, nếu bị phạt không biết làm sao”, chị N bày tỏ.

Người bán không sử dụng găng tay, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn còn nhiều. Vào buổi chiều, xung quanh các công viên, trường học, các xe đẩy, gánh hàng bày bán đồ ăn như nui, mì xào, kẹo chỉ, trái cây, bánh tráng trộn, xiên que khá đông khách. Tại một xe đẩy bán bánh tráng trộn, người bán đeo bao tay để trộn bánh khá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi lấy rau răm, trứng, muối bỏ vào thau trộn, bà lại tháo hẳn bao tay ra để “làm cho nhanh”. Sau đó, bà lại dùng đôi tay để đếm tiền, dọn dẹp, lau chùi. Bà cho biết: “Đa số những người bán hàng tại đây không có thói quen sử dụng bao tay khi bán cho khách, vướng víu lại chậm chạp”.

Ông Lưu Trung Đan - Phó Chủ tịch UBND phường 2, TP.Tây Ninh cho biết, hiện trên địa bàn có 92 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. UBND phường giao nhiệm vụ quản lý vệ sinh ATTP cho cán bộ thuộc Trạm Y tế phường. Địa phương thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, giám sát, tư vấn, hướng dẫn các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.

Nếu phát hiện các trường hợp không bảo đảm ATTP, Ban Chỉ đạo liên ngành sẽ nhắc nhở để người dân khắc phục, khi tái phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Thời gian qua, Trạm y tế phường đã phối hợp với Hội Phụ nữ tổ chức tập huấn, phổ biến quy định, mức xử phạt hành chính theo Nghị định 115/2018NĐ-CP cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Về việc xử phạt vi phạm điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng - cán bộ Trạm Y tế phường 2 cho rằng, công tác xử phạt những hành vi này còn khó. Thông thường, các hàng quán kinh doanh thức ăn đường phố có giá trị hàng hoá không lớn. Khi bị xử phạt, chủ cửa hàng thường viện lý do khó khăn về kinh tế, hy vọng lực lượng chức năng nhắc nhở, không xử phạt hành chính.

Nhiều trường hợp có tư tưởng đối phó, khi lực lượng kiểm tra, họ thực hiện nghiêm túc, lúc rời đi lại vi phạm. Lực lượng chuyên trách vệ sinh ATTP của phường còn mỏng. Thời gian tới, địa phương chú trọng việc hướng dẫn người dân tuân thủ quy định tại Nghị định 115; đồng thời tích cực kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Nói về công tác triển khai Nghị định 115, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, ngành chức năng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, phổ biến nội dung Nghị định trong các đợt kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm để người dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành. Thời điểm gần tết Nguyên đán Canh Tý và mùa lễ hội Xuân năm 2020, việc bảo đảm ATTP càng được quan tâm, chú trọng.

Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn để kiểm tra các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện vi phạm, đoàn công tác xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, không để các cơ sở không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Để việc kinh doanh thức ăn đường phố đi vào khuôn khổ, không còn sai phạm, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần “nói không” với thực phẩm không an toàn. Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nên chấp hành đúng quy định để bảo vệ người tiêu dùng, tránh bị xử phạt nặng theo Nghị định số 115/2018/Nđ-CP.

THIÊN DI - PHƯƠNG THẢO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục