Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khoảng lặng
Thứ bảy: 22:06 ngày 09/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tin Ba Thoại dính F0 với đám bạn nhậu, bị đưa đi cách ly tập trung làm xôn xao cả xóm Bờ Kênh. Mọi người ai cũng đoán được có ngày Ba Thoại bị nhiễm Covid-19 chỉ không biết sớm hay muộn mà thôi. Giãn cách. Chốt chặn. Bó gối buồn. Tụ tập nhậu. Không nhiễm mới lạ.

Ngày đầu tiên Ba Thoại dẫn con gái về cất cái nhà gạch nho nhỏ trên rẻo đất hình tam giác chó ngồi ló đuôi của bà Dần bán rẻ lấy tiền trị bịnh thì xóm Bờ Kênh xôn xao hết một lần. Bàn ra tán vào cảm thán người đàn ông có tên Ba Thoại tự cất nhà một mình từ ngày này qua ngày kia, từ sáng sớm tới tối mịt.

Đứa con gái to xác chậm chạp thích ăn và hay ngủ kia phụ hợ được ít mà bực mình thì nhiều. Kêu lấy cái này thì đưa cái kia, cầm có hai cục gạch cũng làm rớt dập chân chảy máu, khóc la kể lể. Ba Thoại thương con một cách nhẫn nhịn, chậm rãi  leo lên tuột xuống giàn giáo, bưng bê cắt đặt mọi thứ một mình cần mẫn như con ong thợ. Hàng xóm qua hỏi thăm làm quen. Cười buồn, con cưng không biết làm gì đâu. Thôi kệ!

Mấy thợ hồ chiều làm về ngang thương tình phụ tay phụ chân được chút nào hay chút đó. Ba Thoại cứng nghề, múa bay điêu luyện, đường hồ gém thẳng hàng ngày cao dần tưởng đụng tới trời. Hỏi nhà nhỏ xíu xây chi cao dữ, Ba Thoại hài hước: “Tui tính xây cái thang lên hỏi ông trời coi sao làm chết thân mà không có dư, khổ hoài.

Nói vậy thôi, nhà có một thẹp xây cao cho thoáng, với lại gác thêm cái chỗ ngủ cho bé Nên, con gái lớn rồi ngủ chung hoài đâu được”. Hỏi nữa mới biết vợ Ba Thoại vay tiền làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Mới đầu còn gởi chút tiền về đóng lãi, sau thưa dần rồi bặt vô âm tín. Cha con Ba Thoại chờ đợi mỏi mòn. Lãi mẹ đẻ lãi con. Ba Thoại bán nhà đất trả dứt nợ, dư chút tiền dẫn con trôi dạt về xóm Bờ Kênh.

Bé Nên đang tuổi dậy thì, không có mẹ để hỏi những chuyện khó nói với ba. Nhìn quanh chỉ có mỗi bà già Bắc kỳ mặt lúc nào cũng cau có, bé Nên đành giấu kín. Như mọi khi, bé Nên ra ngồi bờ bẩn trước hiên nhà, nhìn con kênh cạn nước  chạy dài tít tắp băng qua những đám đất trồng hàng bông các loại. Lo sợ không biết lúc nào người ta lại tới nhà ngoáy lỗ mũi nó theo lời ông tổ trưởng là xét nghiệm nhanh.

Ông tổ trưởng nói một cách mừng rỡ may cho bé Nên, cha dương tính mà con âm tính hay thiệt, sức trẻ có khác. Dặn đứa thích la cà ở nhà không được đi đâu, dặn rửa tay và khò nước muối súc miệng ngừa bịnh, dặn đủ thứ chuyện khiến bé Nên thấy hoang mang vì không kịp nhớ. Ông trấn an: Ráng vài bữa ba con hết bịnh người ta cho về. Bé Nên thắc mắc:

- Con thấy ba con có bịnh gì đâu, còn uống rượu ngon lành tự dưng bắt ba con đi trị bịnh. Ông tổ trưởng nạt ngang:

- Con nít biết gì mà nói. Ba mầy nhiễm bịnh không có triệu chứng, cái này xét nghiệm nói chứ không phải tao nói. Lớn rồi nói vậy là phải tự hiểu, hên cho mầy, phải mầy dương tính hốt mầy đi luôn cho cha con đoàn tụ.

- Chú vừa nói con là con nít không biết gì, giờ lại nói lớn rồi phải tự hiểu. Vậy con là con nít hay người lớn?

- Mầy hả ? Mầy lưng chừng, nhỏ không nhỏ mà lớn không lớn, nghe mầy hỏi tao biết mầy không đủ mười rồi.

- Này! Chú người lớn, làm việc nhà nước mà nói chuyện với trẻ con như vậy hử? Nó khôn hơn ông đấy! - Bà Dần đang ngồi trước cửa nhà nói nhóng qua. Ông tổ trưởng gãi đầu:

 - Ghẹo nó chút thôi bà làm gì dữ vậy! Bà với nó ai cũng một mình, ngó qua ngó lại dòm chừng nhau chút, có gì kêu tui. Dịch bịnh giờ lây lan tùm lum, nguy hiểm lắm, bà ráng chờ có vaccine về tui đăng ký cho chích nhen. Mà bà có một mình, rủi chích về thuốc hành ai chăm sóc.

Bà Dần một mình lúc con gái về xếp dọn quần áo vô công ty làm việc ba tại chỗ theo lệnh giãn cách. Không muốn con đi nhưng ở nhà thì đói, khoản tiền vay ngân hàng trị bệnh cho bà còn treo lơ lững trên đầu. Sau trận bệnh, tay chân bà cà lĩa, đi đứng có chút khó khăn, nhưng mọi sinh hoạt cá nhân tự bà làm được không phiền con cái. Giờ niềm vui của bà Dần là để ý ngó trộm bé Nên. Con nhỏ to đầu có những thói quen rất lạ.

Bà Dần bước xịch lụi ra ghế ngồi phơi nắng. Nhìn qua ngôi nhà xây không giống ai. Bé Nên ngồi chăm chú lặt rau muống. Bà đoán biết nó sẽ làm gì tiếp theo, kỳ này bà phải bắt tận tay day tận mặt cái con ăn ở lượm thượm này. Vừa thấy bé Nên hốt mớ rau thừa ném xuống kênh. Bà Dần quát:

- Này! Sao mầy quẳng rác xuống kênh vậy hử?

- Có sao đâu, ai cũng làm vậy mà. Đó! Dưới đó rác không kìa.

- Đây là kênh để nước chảy chứ đấy không phải là hố rác nhà mầy nhá. Mầy bỏ thế nghẹt kênh nhá, thúi rùm nhá. Mầy không biết giữ vệ sinh chung à…

- Bà cũng bỏ rác dưới đó mà, bữa trước con thấy…

- À… Cái tao bỏ là không ảnh hưởng nhá…

Một già một trẻ, sáng chiều ra ngồi trước sân cãi nhau í ớ cho có tiếng người rồi huề. Họ có những câu chuyện không đầu không cuối, cũng không cần đối phương có hiểu mình nói gì không. Chỉ quan tâm tới chừng nào hết dịch, chừng nào con gái và người cha trở về, mà hết dịch thì chắc còn lâu. Nói qua nói lại, cả hai không cần quanh co giấu giếm hăm dọa nhau. Chờ con gái tao về. Chờ cha tui về thì biết. Thời gian chờ đợi kéo dài, chồng lấp những mỏi mòn dần dà quen thuộc đến hết trông mong.

Ông tổ trưởng xách lại cho bà Dần và bé Nên một bịch gạo, một bịch rau củ,  dầu ăn, cháo bịch, nước tương, trứng gà và mấy bịch sữa tươi…Cái này ban ấp kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ. Ưu tiên sữa cho người già và trẻ nhỏ. Hai nhà chia nhau ăn đỡ. Mà hai nhà neo đơn một già một trẻ, nấu ăn chung cho gọn. Bé Nên lắc đầu quầy quậy, nhất định không chịu nấu chung.

- Mầy tưởng tao thích ăn chung với mầy à, mầy nấu cái gì cũng bỏ đường ngọt ngay tao ăn không được, tao cho con cún ăn hết.

- Đồ ăn con cho bà, bà không ăn bà đừng lấy, sao bà cho chó ăn?

- Phải!

- Con tội nghiệp bà, nhường bà đồ ăn, bà đem cho chó ăn. Mai mốt đừng hòng!

- Vâng! Con chó là người thân của tao, con chó cũng biết đói, thức ăn mầy cho không phí đâu con ạ - Bà Dần dài giọng.

- Chia đồ ra ngay! Con ghét bà.

Bé Nên ghét bà Dần từ lúc nghe bà Dần nói với con gái: Tao thấy thằng đó mắt la mày lét dòm ngó tới mầy. Nhà mình nghèo, thằng đó còn nghèo hơn, không nhờ vả được gì, hở tí uống rượu, là bợm nhậu đấy... Lại có đứa con gái lười biếng, ăn không ngồi rồi chờ cha đi làm về mệt còn nấu cơm cho ăn. Va vào nhà đó là không cất đầu lên được con ạ. Muốn chồng thì kiếm người tử tế, có của ăn của để mà lấy còn nhờ tấm thân.

Bé Nên cũng biết nhà mình nghèo, ba nó thích uống rượu và mỗi lần nhậu xỉn là gây lộn, nên mẹ nó mới đi luôn không về. Còn cái vụ nó làm biếng thì bà ấy không biết gì cũng nói, ba chê nó nấu dở, biểu bắt nồi cơm thôi chờ ba về làm đồ ăn cho vừa miệng.

Trời ơi! Bà tưởng con gái bà đẹp lắm sao? Đẹp mà ế tới giờ. Bà nói không nhờ vả được gì, vậy lúc trước bà bệnh không đi được, ai là người nhờ ba tui qua ẳm bà đi vệ sinh, ai là người chở mẹ con bà đi bệnh viện tập vật lý trị liệu. Con bà còn nhờ ba tui qua ngó chừng bà trước khi vô công ty làm việc, giờ ba tui đi cách ly bà ăn hiếp tui. Bà người lớn nói lời không giữ lấy lời. Bà lú lẫn quên trước quên sau, con gái bà khóc kể với ba tui vậy đó. Bé Nên lầm bầm.

Sáng nay bé Nên không thấy bà Dần ra sân ngồi phơi nắng như mọi khi. Nó thấy buồn, đi tới đi lui, nhóng qua nhóng lại thám thính. Nó lượm cục đá quăng xuống kênh cái chủm gây chú ý để chọc tức bà, cho bà chửi. Nó thấy bà im lặng bất thường. Tới trưa vẫn không thấy bóng dáng bà Dần. Bé Nên mon men băng qua tấm xi măng nối hai bờ kênh, cà thục cà ló trước cửa:

- Bà ơi! Sao hôm nay bà không ra cãi lộn với con.

Có tiếng rên khe khẽ trong buồng. Mùi nước tiểu khai ngấy khiến bé Nên dội ngược ra ngoài. Giúp bà với cái Nên - Giọng Bà Dần yếu ớt. Chỉ qua một đêm, bé Nên cảm giác bà Dần ốm đi nhiều, mình bà xẹp lép dính chặt vào tấm nệm mỏng dính, nhơm nhớp nước tiểu.

Thấy Nên, bà Dần khóc méo miệng, lắp bắp: Tao bệnh rồi, không nhấc nổi cái chân. Nhìn bà Dần, bé Nên nhớ tới cảnh bà nội bị liệt, hàng ngày ba nó phải ẳm bà nội ra vô tắm rửa vệ sinh cho tới lúc nội chết.

- Mầy khóc đấy à?

Bé Nên không trả lời. Đỡ bà Dần ngồi dậy, dạng hai chân bà Dần ra, áp sát người sốc nách bà Dần qua chiếc xe lăn cũ kỹ. Xé bịch sữa tươi nhét vô miệng bà Dần. Lôi cái nệm như miếng giẻ rách quăng ra sân. Chạy về nhà nhổ mấy tép xả đập dập nấu nồi nước xông tẩy uế căn buồng hôi hám không ánh sáng, đúng như cách mà bé Nên thấy ba nó làm với nội. Nó vất vả đẩy bà Dần vào buồng tắm, cởi đồ bà ra xối nước:

- Mầy định giết tao đấy à! - Giọng bắc kỳ ré lên.

- Trời ơi! Người ta làm dùm mà nói người ta giết kìa. Nghe bà chửi là biết bà còn sống dai lắm.

- Sao mầy cứ nhìn bướm tao thế?

- Đâu có nhìn!

- Bướm tao với bướm mày giống nhau cả thôi.

- Sao giống được, rất khác.

- Mầy không nhìn thì sao biết khác?

- Vậy bà tự tắm đi.

- Này! Mầy bỏ tao đấy à? Mầy thương tao thì thương cho trót chứ.

Bé Nên xé bịch cháo đổ nước sôi vào, thêm cái trứng gà và nhúm tiêu được tô cháo giải cảm. Nắm bàn tay đang cầm muỗng của bé Nên, bà Dần lí nhí: “Không có mầy, bà chết đấy con ạ!”. “Bà làm ơn im lặng ăn đi!”. Không gian chùng xuống.

Bé Nên kéo ghế ngồi sát bà Dần. Mặt đối mặt. Mắt nhìn mắt rân rấn nước. Bà Dần há miệng hứng từng muỗng cháo thơm nồng. Xa xa, tiếng còi xe cứu thương hú dài xa dần trong buổi chiều tà.

Hương Nhu

Tin cùng chuyên mục