Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khoanh định gần 4.600 khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác khoáng sản
Thứ sáu: 22:22 ngày 28/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 28.7, tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân đã đồng ý theo tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, khoanh định 4.575 khu vực, điểm cấm và tạm thời cấm hoạt động, khai thác khoáng sản trên địa bàn với tổng diện tích (bị cấm khai thác khoáng sản) là 140.584,24 ha.

Quang cảnh cuộc họp.

Trong đó có 86 khu vực (diện tích 2.153,74 ha đất) thuộc đối tượng bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa; 23 khu vực và 10 điểm (61.811 ha) thuộc đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; 16 khu vực (13.168,61 ha) thuộc đối tượng hồ thủy lợi; 113 khu vực (960,22 ha) thuộc đất quốc phòng; 42 khu vực (391,07 ha) thuộc đất an ninh; 638 khu vực (772,97 ha) thuộc đất tôn giáo, tín ngưỡng; 84 khu vực và 718 điểm (7,18 ha) thuộc đất thông tin và truyền thông; 2.758 khu vực (37.121,6 ha) thuộc đất giao thông; 20 khu vực (23.709,33 ha) thuộc đất dành cho phát triển công nghiệp và 36 khu vực (474,24 ha) thuộc đất phát triển năng lượng.

Tỉnh cũng khoanh định 31 khu vực (14,28 ha) tạm thời cấm, thuộc đối tượng các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đang được nhà nước xem xét công nhận.

Theo bà Nguyễn Thị Hiếu- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, việc khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản (đất san lấp, đá, sỏi phún, cát…) là cơ sở để thống nhất quản lý, bảo vệ các lợi ích kinh tế, xã hội; các công trình di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; khu vực đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, hồ chứa nước thủy lợi; các khu vực dành cho mục đích an ninh quốc phòng, các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng… không bị xâm hại bởi hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

Hồ Dầu Tiếng được Chính phủ xếp vào công trình an ninh quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt- Ảnh minh hoạ.

Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện trên địa bàn tỉnh còn 70 dự án khai thác khoáng sản tại 7 huyện là Trảng Bàng, Gò Dầu, Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu và Dương Minh Châu được tỉnh cấp phép còn hiệu lực, nhưng không nằm trong các khu vực khoanh định cấm hoạt động khoáng sản; riêng các mỏ khai thác đá trên khu vực núi Bà Đen đều đã ngừng hoạt động, đóng cửa mỏ.

Tại cuộc họp, ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh xem xét lại việc cấp phép hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng vì công trình này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp vào công trình an ninh quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt (theo quy định hoạt động khai thác khoáng sản phải cách xa bờ, đập 500 mét trở lên), nhưng hiện nay vẫn còn 5 dự án khai thác cát đang hoạt động gần các bờ đập phụ và xe tải chở cát hàng ngày vẫn lưu thông trên bờ hồ là chưa an toàn cho công trình hồ nước.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân giao Sở Tài nguyên và Môi trường đối chiếu với các quy định của bộ, ngành liên quan về bảo vệ hồ đập để có hướng xử lý, di đời các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng trong thời gian tới, để bảo đảm an toàn cho các công trình hồ đập theo quy định.

Lê Đức Hoảnh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục