Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sau 46 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội tụ đủ các điều kiện để “cất cánh”. Đây cũng chính là thời cơ để thực hiện khát vọng “Hạnh phúc” như Đảng ta đã lựa chọn và nêu rõ trong mục tiêu Độc lập-Tự do-Hạnh phúc gắn với quốc hiệu từ ngày đầu lập nước.
|
GS. TSKH Vũ Minh Giang. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Muốn phát triển bứt phá, khát vọng phải là điều kiện tiên quyết
Theo GS. Vũ Minh Giang, Việt Nam là một dân tộc “có một, không hai” trong lịch sử thế giới với sức mạnh không thể lý giải được để vượt qua những thử thách vô cùng hiểm nghèo trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Trong thế kỷ 20, chúng ta cũng đã có những kỳ tích trong chống ngoại xâm và có những thành tựu đáng khâm phục trong phát triển kinh tế ở thế kỷ 21.
Để Việt Nam có thể phát huy, khai thác tốt các nguồn lực trong bối cảnh hiện nay, theo GS. Vũ Minh Giang, trước tiên và quan trọng nhất là phải chú ý phát triển và khai thác nguồn lực con người. Ông cho rằng, để đất nước phát triển, tiến lên mạnh mẽ, quan trọng hơn cả là khát vọng và quyết tâm của con người Việt Nam.
Sự phát triển của một dân tộc không bao giờ thành công nếu thiếu khát vọng. Theo GS. Giang, khát vọng chính là động lực bên trong, nội lực tự sinh để phấn đấu vươn lên. Muốn có sự phát triển mang tính chất bứt phá thì khát vọng là điều kiện tiên quyết.
Sau 46 năm thống nhất hoàn toàn đất nước, Việt Nam đang ở giai đoạn hội tụ đủ các yếu tố để “cất cánh”, khẳng định vị thế của mình trong bản đồ kinh tế thế giới. Đây cũng chính là thời cơ để chúng ta thực hiện khát vọng “Hạnh phúc” như Đảng ta đã lựa chọn và nêu rõ trong mục tiêu Độc lập-Tự do-Hạnh phúc gắn với quốc hiệu từ ngày đầu lập nước.
Thực hiện khát vọng tăng trưởng về mặt kinh tế, đem lại GDP cao, cải thiện mức sống và bảo đảm cuộc sống ấm no cho toàn thể nhân dân. Điều này cực kỳ quan trọng nhưng chưa phải đã đáp ứng ứng đầy đủ nội hàm của hai từ hạnh phúc. Đó mới là nâng cao mức sống. Khát vọng hạnh phúc còn nằm ở chất lượng sống, ở những đòi hỏi về đời sống tinh thần và môi trường sống.
GS. Vũ Minh Giang nhấn mạnh, để phát triển đất nước, bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, chúng ta phải chắt chiu và khai thác có hiệu quả hai loại tài nguyên: Tài nguyên trí tuệ và tài nguyên cơ hội.
“Nguồn lực không thể hiểu một cách đơn giản hay đơn lẻ được mà bao gồm cả nguồn lực trí tuệ, nguồn lực con người. Chúng ta đã có những thành công nhưng cũng có không ít những điều mà nếu còn tiếp tục thì sẽ dẫn tới những nguy cơ ngay phía trước”, GS. Vũ Minh Giang nói.
Theo GS. Vũ Minh Giang, nhân tài chính là tài nguyên trí tuệ, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tiến bộ xã hội, dân tộc, cộng đồng, là lực lượng tổ chức, tiên phong, quyết định tốc độ, trình độ, chất lượng phát triển của mỗi quốc gia. Việc phát hiện và phát triển nhân tài là vấn đề hết sức cần thiết trong tiến trình phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Do đó, chúng ta phải có chiến lược, cơ chế, chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, lực lượng dẫn dắt xã hội. Chúng ta phải tạo ra được những phong trào sâu rộng, kêu gọi và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để mỗi người mang trong mình dòng máu Việt Nam, đều ý thức rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc.
Đối với nước ta hiện nay, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết có ý nghĩa rất thiết thực, là cơ sở cho sự ổn định, phát triển. Sức mạnh to lớn nhất, nguồn lực chủ yếu nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là sức mạnh toàn dân tộc.
Mặt khác, trong điều kiện kinh tế nhiều thành phần, hội nhập quốc tế, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc mới là tiêu điểm chung để đoàn kết tất cả các giai cấp, tầng lớp của dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, GS. Vũ Minh Giang phân tích.
Ba trụ cột và một nền móng
GS. Vũ Minh Giang cho rằng, cần hình dung sự phát triển của một quốc gia ổn định bền vững, phải như xây dựng một toà lâu đài. Phát triển bền vững theo lý thuyết quốc tế hiện nay sẽ theo ba trụ cột: Xã hội, kinh tế và môi trường.
Ba trụ cột đó phải được đặt trên nền móng vững chắc là văn hoá dưới một toà mái che vững chãi và an toàn là thể chế. Đã đến lúc chúng ta cần coi văn hoá như nền tảng, như bệ đỡ của sự phát triển bền vững, bởi vì văn hoá là sáng tạo của con người, GS. Vũ Minh Giang chia sẻ.
Văn hoá là gene xã hội của một cộng đồng. Trong thời đại ngày nay, nhân tố con người đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành bại của đất nước. Vì thế việc chăm lo, đầu tư, phát triển văn hóa-giáo dục cần được quan tâm hơn bao giờ hết, GS. Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
Theo GS. Vũ Minh Giang, phải đẩy mạnh quảng bá văn hóa xa hơn, rộng hơn như quan điểm đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
“Tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, khai thác hết tài nguyên thì hết phát triển. Nhưng di sản văn hóa càng khai thác thì càng phát triển vì văn hóa là tài nguyên tái tạo không bao giờ hết. Tuy nhiên, khai thác tài nguyên đó không dễ, phải có tri thức hiểu biết, sự linh hoạt sáng tạo phù hợp với thực tiễn mới có thể biến tài nguyên tiềm năng ấy thành sức mạnh, động lực phát triển của một dân tộc. Và chỉ có trên nền tảng văn hóa mới có thể biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế”, GS. Vũ Minh Giang bình luận.
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đi vào lịch sử khi chuyển giai đoạn phát triển của đất nước từ khời kỳ phát triển để tạo thế và lực sang giai đoạn phát huy đến mức cao nhất các thành quả đã tích lũy được, để có thể phát triển đột phá. Đây sẽ là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong thời kỳ toàn dân tộc đồng lòng hiện thực khát vọng trở thành một quốc gia phồn vinh.
Nguồn Chinhphu.vn