Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khởi nghiệp từ cây sả Java
Thứ tư: 09:21 ngày 27/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Quyết tâm từ bỏ công việc đang mơ ước ở một cơ quan nhà nước, chị Trịnh Ngọc Như An (sinh năm 1976) trở thành Giám đốc Công ty TNHH MTV An Phát chuyên chiết suất tinh dầu sả Java.

Cây sả Java được chị chọn là cây khởi nghiệp trên mảnh đất Tây Ninh, bước đầu chị đã hình thành được vùng nguyên liệu; sản phẩm được các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, người tiêu dùng tin dùng.

Chị An cho biết, sau một chuyến tham quan tại tỉnh Đắk Lắk, chị được người bạn giới thiệu về mô hình trồng sả Java chiết suất tinh dầu mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và đang là nhu cầu của nhiều người tiêu dùng trong, ngoài nước. Sau thời gian nghiên cứu và nhận thấy thổ nhưỡng, thời tiết Tây Ninh rất thích hợp để trồng loại cây này, chị quyết định chọn Tây Ninh làm nơi khởi nghiệp mới.

Chị An bước đầu thành công từ cây sả Java.

Ban đầu, với số vốn ít ỏi trong tay, chị An thuê 50 ha và đầu tư cày bừa, giống, hệ thống tưới, phân bón. Sở dĩ, chị An đầu tư thí điểm với diện tích lớn như vậy là do chị muốn tạo dựng niềm tin cho người dân trên địa bàn tỉnh thấy chuyển đổi trồng cây sả Java là một lựa chọn đúng đắn, phù hợp tình hình sản xuất của tỉnh, để từ đó lấy hiệu quả này liên kết người dân trồng tạo thành vùng nguyên liệu sả tập trung.

Với quyết tâm tạo dựng vùng nguyên liệu tập trung, thời gian không lâu sau đó, chị An đã có trong tay vùng nguyên liệu gần 250 ha, trong đó có hai nông trường sả tập trung trên địa bàn huyện Tân Châu và một số diện tích khác ở các huyện Châu Thành và Tân Biên.

Chị An chia sẻ, đây là giống sả có nguồn gốc từ Ấn Độ, đặc tính sinh trưởng, phát triển nhanh, cho hàm lượng tinh dầu cao, mùi thơm đậm, khả năng khử mùi và xua đuổi côn trùng tốt. Cây sả Java khá dễ trồng, chỉ đầu tư một lần, ít tốn công chăm sóc, có thể trồng thâm canh hoặc xen canh với nhiều loại cây. Đặc biệt, sản phẩm tinh dầu sả ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng bởi có nhiều công dụng hữu ích.

Thu hoạch lá sả.

Chị cho biết thêm, ban đầu người trồng chỉ tốn chí phí một lần khoảng 50 triệu/ha, năm đầu tiên là có thể thu hồi được vốn; sang năm thứ 2 người trồng bắt đầu có lời, lúc này người trồng chỉ tập trung cho công đoạn làm cỏ và tưới nước. Đặc tính của cây sả Java là cây tốt thì tinh dầu đạt càng thấp, chính vì vậy người dân không cần thiết bón nhiều phân bón, do đó tiết kiệm được chi phí.

Khi người dân liên kết trồng, công ty đứng ra ký hợp đồng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ cây giống và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng, người dân chỉ việc trồng và chăm sóc. Cách 40 ngày cây sả cho thu hoạch lá một lần, năng suất đạt gần 10 tấn/ha, sản phẩm lá được công ty của chị An thu mua.

Đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH MTV An Phát vừa đầu tư giai đoạn 1 gồm 2 lò chiết xuất tinh dầu thủ công trên địa bàn huyện Tân Biên và Tân Châu, công suất đạt 1 tấn tinh dầu/tháng. Bắt đầu từ tháng 11.2020 trở đi công ty đã lên kế hoạch cho giai đoạn 2, đầu tư công nghệ chiết xuất hiện đại, công suất lên đến 3 tấn tinh dầu/tháng.

Hiện tại đã có các đối tác trong nước liên kết với công ty mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất với diện tích lớn, trong thời gian tới hứa hẹn sẽ tạo ra sản phẩm tinh dầu đủ điều kiện ra thị trường nước ngoài.

Đưa lá sả vào chiết xuất tinh dầu.

“Muốn cạnh tranh trên thị trường thì mình phải sở hữu cái riêng, bảo đảm  chất lượng, nguồn gốc. Và khi đầu tư phát triển những sản phẩm đặc thù địa phương, chúng tôi cũng hướng đến việc hỗ trợ, liên kết với người dân để mở rộng quy mô, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương”- chị An chia sẻ.

Ông Đỗ Văn Bản, ngụ ấp Tân Thanh, xã Tân Phú, huyện Tân Châu cho biết, trước đây gia đình trồng 4 ha mì, nhưng do cây mì nhiều dịch bệnh khiến thu nhập của gia đình không cải thiện được. Nên ông quyết định liên kết ký hợp đồng với công ty chuyển đổi 4 ha mì sang sang trồng cây sả Java.

Sản phẩm tinh dầu sả Java.

Theo ông Bản, trồng sả không mất nhiều công chăm bón, cây ít sâu bệnh, khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với nhiều loại đất. Từ khi xuống giống đến thu hoạch khoảng 4 tháng, sau đó cứ 40 ngày cho thu một lần bằng cách cắt một lượt lá sả, các vụ tiếp theo cứ làm sạch cỏ xung quanh, tưới nước là cây tiếp tục đâm chồi phát triển lại.

Do sả mới cho thu hoạch lứa đầu, nên hiện tại gia đình chưa đánh giá được hiệu quả, nhưng bước đầu, sả được công ty thu mua với giá ổn định và tình hình sinh trưởng của cây và sản lượng trên phần diện tích này đạt khá cao, nếu đầu ra ổn định lâu dài gia đình ông Bản mới mở rộng diện tích.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục