Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng

“Mình còn trẻ, còn sức thì phải làm để phục vụ cho gia đình và xã hội, dẫu trước mắt có thể là thử thách, khó khăn”, đó là những tâm sự chân thành của chị Lê Thị Trúc Thanh (36 tuổi), một phiên dịch viên tiếng Nhật, cũng là một người thành công trong kinh doanh cà phê và cung cấp nấm mối đen cho các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại thành phố Hồ Chí Minh. Khát khao “chở” giấc mơ làm giàu cho nông dân Tây Ninh của chị thật phi thường.

Nặng tình yêu với nấm

Trúc Thanh tốt nghiệp Đại học Hồng Bàng (TP. Hồ Chí Minh) khoa ngôn ngữ Nhật, tiếp tục học văn bằng hai ngành Nhật Bản học (khoa Đông Phương học, Trường đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), trở thành phiên dịch viên cho các công ty, đối tác đến từ Nhật Bản. Tuy nhiên, Nông trại sản xuất nấm sạch Quê Hương là đam mê cháy bỏng của người phụ nữ trẻ hay cười này.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Thanh hào hứng coi việc “thất bại” là “bài học thuộc lòng” giúp chị rút ra kinh nghiệm để đi tới thành công. Và, đến hôm nay, ngoài việc cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tại TP. Hồ Chí Minh, Nông trại Quê Hương của chị dần mở rộng sang thị trường Nhật Bản.

Nguyên liệu mùn cưa để ủ phôi nấm mối đen.

Thanh kể, hồi còn ở quê (ấp Bến Mương, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu), những ngày mưa và nắng đan xen, trời ưng ửng nắng vừa âm ấm da người, cũng là mùa tơ meo nấm phát triển, đẩy mũ nấm trồi lên khỏi mặt đất, bum búp từng phớt đen láng bóng sau vườn nhà. Mỗi lần như vậy, Thanh cùng mẹ cầm rổ ra hái, đầy rổ thì đem vào nhà. “Vào mùa nấm mối, mẹ em cả tuần liền không phải đi chợ mà nhà vẫn có thức ăn dân dã, bổ dưỡng. Có khi mẹ còn bán lại vì ăn không hết”- Trúc Thanh kể.

Bây giờ, nấm mối khan hiếm nên đắt đỏ. Mỗi ký nấm mối có giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng. Vậy mà, người “nghiện” nấm mối cũng mua, bởi để hái được nấm phải là người “có duyên”. Đây là điều khiến Thanh nảy sinh ý tưởng: phải làm sao trồng được nấm mối cung cấp cho người dùng.

Ban đầu, Thanh cùng chồng là anh Ngô Quang Bình tìm hiểu, mày mò về cách meo nấm mối tự nhiên, nhưng không thành công. Trong một dịp qua Thái Lan, Thanh được thăm trang trại trồng nấm mối đen quy mô lớn ở đây và mua meo nấm. Về nước, Thanh kết hợp với cô kỹ sư công nghệ sinh học Phạm Ngọc Hương lên Tây Ninh hình thành trại nấm.

Trúc Thanh chia sẻ, khi mới bắt đầu, vợ chồng chị gặp khó khăn trăm bề. Chị cũng là mày mò học cách trồng nấm mối đen trên mạng internet nhưng không thành công, công thức họ chia sẻ chưa đem lại hiệu quả thật sự. Vì vậy, ngoài việc xem thất bại là bài học để đời, kinh nghiệm làm vốn sống, Thanh luôn nhủ lòng mình: “Muốn thành công và phát triển, mình phải tự mày mò, tìm hiểu kỹ càng, điều quan trọng nhất đó là sự đam mê”.

Nông trại nấm mối Quê Hương của Thanh có quy mô khoảng 1.000m2, gồm nhà trồng mẫu, khu sản xuất, đóng phôi, phòng vô trùng. Khu nhà trồng mẫu có 6.000 phôi, mỗi ngày thu hoạch được 20kg nấm. Thanh còn phân phối phôi nấm cho người trồng, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho họ. Trung bình mỗi bịch phôi sau 20-25 ngày nuôi trồng sẽ cho ra 300g nấm.

Thu hoạch liên tục sau 3 tháng thì thay phôi mới. Khi người trồng có nhu cầu, nông trại sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 190.000 đồng/kg. Nhờ vậy, mỗi ngày nông trại của Thanh thu trên 50kg nấm phân phối cho hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch và các nhà hàng khu vực TP. Hồ Chí Minh.

Hiện Nông trại Quê Hương đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 18 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân mỗi tháng từ 5-6 triệu đồng/người. Dự kiến, nông trại này sẽ được mở rộng quy mô, nâng số lượng sản xuất phôi nấm mỗi tháng từ 25.000 lên 50.000 bịch.

Những kệ nấm mối đen được ủ trong nhà trồng mẫu để tạo nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển tốt.

Thành công với “đông trùng hạ thảo”

Thanh còn nghiên cứu nhu cầu thị trường và quyết định chọn đông trùng hạ thảo (nấm Cordyceps militaris) để thử sức lần nữa. Ý tưởng được vạch ra, kế hoạch cụ thể được thực hiện. Vợ chồng chị đầu tư mở phòng thí nghiệm, lắp đặt hệ thống máy lạnh, máy phun sương làm mát. Tất cả các khâu sản xuất, từ cấy phôi, chăm sóc nấm đến thu hoạch đều được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học. Do đó, tỷ lệ giống cấy đông trùng hạ thảo đạt hơn 98%.

Ba cô gái quả cảm đã dành nhiều tình yêu với cây nấm.

Tuy nhiên, giải pháp mang lại sự thành công này đều là nhờ vào hai cô kỹ sư công nghệ sinh học trẻ tuổi Phạm Ngọc Hương và cộng sự Nguyễn Thị Thanh Trang. Cả hai đều là người có kinh nghiệm nghiên cứu thành công đông trùng hạ thảo theo quy mô nông nghiệp công nghệ cao.

Vụ thu hoạch đầu tiên, phòng nghiên cứu của Thanh đã đạt thành công ngoài sức tưởng tượng. Đông trùng hạ thảo do Nông trại Quê Hương sản xuất được gửi đi kiểm nghiệm; và Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế cấp chứng nhận đạt chuẩn, đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi với cô kỹ sư trẻ tại sao lại chọn Tây Ninh làm nơi “dụng võ”, Ngọc Hương tươi cười: “Vì em thích con người Tây Ninh, em muốn đóng góp một phần  công sức và tâm huyết của mình xây dựng thương hiệu Nông trại Quê Hương theo đúng nghĩa “quê hương” trên mảnh đất này”.

Đông trùng hạ thảo tựa như rặng san hô dưới biển.

Ngoài nấm mối đen và đông trùng hạ thảo, nhờ sự hợp tác của Ngọc Hương và cộng sự, Nông trại Quê Hương của Thanh còn nghiên cứu phát triển các loại nấm mới có nguồn gốc từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, như: kim phúc, hầu thủ, chân dài, hoàng đế… Hiện tại, Nông trại Quê Hương đang là điểm để du khách từ nhiều tỉnh, thành khác đến tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất và dùng thử sản phẩm.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, Thanh cho biết sẽ đầu tư thêm thiết bị, máy móc chuyên dụng như máy hấp tiệt trùng, máy sấy, tủ cấy vi sinh, máy phun sương tạo độ ẩm… Thời gian tới, Thanh sẽ mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm phòng ủ tơ, khu ủ mùn để cho ra thêm nhiều sản phẩm nấm tươi cung cấp cho thị trường.

T.G