Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tây Ninh có 1 dự án lọt vào vòng bán kết và 1 dự án vào vòng chung kết.
Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, với sự phối hợp của Quỹ Hỗ trợ phát triển thanh niên và các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.
Cuộc thi chọn được 37/108 dự án vào vòng chung kết sẽ diễn ra vào cuối tháng 10.2023 tại TP. Hồ Chí Minh. Tây Ninh có 1 dự án lọt vào vòng bán kết và 1 dự án vào vòng chung kết.
Các doanh nhân trẻ Tây Ninh tại cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh.
Mr. Muối: Nâng tầm sản vật địa phương
Khi nhắc đến Tây Ninh, chắc hẳn ai cũng biết đến 2 loại đặc sản là bánh tráng và muối tôm. Với những trăn trở về việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản này, năm 2018, bánh tráng Tân Nhiên ra đời, đến năm 2023 sản phẩm muối Tây Ninh với thương hiệu Mr. Muối cũng được hiện thực hoá ngay sau khi nghề làm muối ớt Tây Ninh được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Anh Đặng Khánh Duy- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành) cho biết: “Lấy cột mốc năm 2023, chúng tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm muối Tây Ninh với sứ mệnh nâng tầm đặc sản địa phương. Nghề làm muối ớt là nghề truyền thống đặc sắc của tỉnh Tây Ninh, có tính đại diện, bản sắc cộng đồng địa phương, lưu truyền qua nhiều thế hệ”.
Tham gia cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh, Công ty Tân Nhiên cho ra đời dự án “Sản xuất muối Tây Ninh - Kết hợp đặc sản vùng miền”. Đây là một trong những dự án lọt vào vòng chung kết, được Ban tổ chức đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo trong việc kết nối vùng miền, nâng tầm đặc sản địa phương.
Anh Đặng Khánh Duy cho biết, các sản phẩm của Mr. Muối nằm trong dự án gồm: muối tôm kết hợp với cà rốt, củ cải trắng, đậu nành giảm tối đa bột ngọt mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng của muối Tây Ninh; muối tỏi là sản phẩm giảm bột ngọt, giữ nguyên vị truyền thống để phù hợp với thị trường; muối sặc là sản phẩm giảm bột ngọt, có khả năng ứng dụng cao trở thành bán thành phẩm của nhiều sản phẩm khác; muối tôm không bột ngọt là loại muối đặc biệt, tập trung vào phân khúc hàng không dùng bột ngọt, vẫn giữ được vị đặc trưng của muối Tây Ninh.
Ngoài ra, các sản phẩm Mr. Muối được kết hợp với đặc sản vùng miền như: muối tỏi Phan Rang với tỏi của vùng đất Phan Rang nắng gió, góp phần tạo sản phẩm giá trị gia tăng cho nguồn tỏi Phan Rang; muối đường phèn Quảng Ngãi được kết hợp với vị ngọt thanh từ đường phèn của vùng Quảng Ngãi; muối tôm hạt sen Đồng Tháp được kết hợp đặc sản Đồng Tháp tạo ra sản phẩm độc đáo, có hương vị đặc trưng của hạt sen và muối tôm Tây Ninh.
Anh Đặng Khánh Duy cho biết, hiện tại, Công ty đang áp dụng công nghệ bán tự động cho sản phẩm truyền thống. Để bảo đảm công suất chế biến, công ty đang triển khai giai đoạn 2 xây dựng xưởng diện tích 500m2, đồng thời đầu tư thêm máy móc thiết bị để đáp ứng nhu cầu thị trường; tập trung phát triển sản phẩm vùng miền để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đa dạng hoá các sản phẩm gia vị, tạo chuỗi liên kết với nông dân phát triển tài nguyên bản địa. Hiện tại, công ty ký hợp đồng tiêu thụ với Hệ thống Sài Gòn Co.op, hệ thống Siêu thị Satra.
Anh Đặng Khánh Duy nhấn mạnh: “Để nâng tầm đặc sản địa phương, Mr. Muối sẽ không ngừng cố gắng để biến những mục tiêu đặt ra thành hiện thực. Đơn vị sẽ tiếp tục mang đến sản phẩm Muối Tây Ninh độc đáo, kết hợp với các đặc sản đa vùng miền trong cả nước. Điều này không chỉ là sứ mệnh kinh doanh của chúng tôi, mà còn là sự cống hiến và tình yêu thương với vùng đất và con người Việt Nam”.
Công ty TNHH Tân Nhiên trưng bày sản phẩm tại cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh.
Sản xuất phân hữu cơ vi sinh với nguyên liệu bã cà phê
Đây là dự án của anh Lưu Quang Phúc (huyện Châu Thành), dự án đã lọt vào vòng bán kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023.
Doanh nhân trẻ Lưu Quang Phúc khởi nghiệp từ dự án sản xuất phân hữu cơ vi sinh với nguồn nguyên liệu là bã cà phê được thu gom từ các quán cà phê. Từ nguồn nguyên liệu tưởng chừng đơn giản, anh Phúc nghiên cứu, sáng tạo dòng sản phẩm phân hữu cơ vi sinh góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo anh Phúc, bã cà phê nếu không được xử lý hiệu quả sẽ trở thành chất thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường. Ngược lại, nếu tìm ra công thức biến nó thành phân hữu cơ sẽ mang lại lợi ích cho sự phát triển của cây trồng, nhất là rất triển vọng cho sản xuất theo hướng hữu cơ.
“Trước đó, tôi đã thử nghiệm với nguồn nguyên liệu là phế phẩm của các nhà máy khoai mì, cao su nhưng không thành công. Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 12.2015, tôi thử nghiệm và hoàn thiện quy trình thu gom bã cà phê.
Đến tháng 11.2015, tôi gửi mẫu kiểm tra tại Trung tâm 3 và Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam để so sánh đối chứng. Kết quả phản ánh những thông số tích cực và là cơ sở để chúng tôi tự tin trong quá trình xây dựng dự án sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã cà phê”- anh Phúc nói.
Theo kế hoạch, anh Phúc sẽ thu gom bã cà phê tại các quán cà phê trên địa bàn tỉnh. Tại mỗi quán đặt thùng chứa có kích thước phù hợp, giúp quán tiết kiệm chi phí khi không phải sử dụng bao nylon, bảo đảm vệ sinh và cảnh quan.
Qua khảo sát, Tây Ninh có khoảng 200 quán cà phê đáp ứng tiêu chí thải loại từ 7-15kg bã cà phê/ngày. Mỗi năm anh sẽ có khoảng 500-1.100 tấn nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Đây là nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất thương mại và có thể mở rộng thu gom ở những khu vực lân cận trong giai đoạn tiếp theo.
“Phân hữu cơ từ bã cà phê với các thành phần dinh dưỡng tự sinh cao, giúp cây trồng phát triển ổn định, liên tục trong suốt quá trình sinh trưởng. Sản phẩm đã ra mắt và được nhiều khách hàng trồng cây ăn trái tin dùng.
So sánh với một số loại phân bón khác, phân hữu cơ từ bã cà phê có điểm nổi bật là hoàn toàn thân thiện với môi trường. Sau quá trình ủ phân, các chất hoai mục không gây ra mùi hôi. Bã cà phê còn có khả năng đuổi côn trùng gây hại và làm giảm nồng độ kim loại nặng trong đất”- anh Lưu Quang Phúc chia sẻ.
Có thể nói, sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sạch, quen thuộc mà người tiêu dùng Việt sử dụng hằng ngày. Sản phẩm có đối tượng khách hàng tiềm năng và có ý nghĩa thiết thực về bảo vệ môi trường, đi đúng với xu hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch mà người sản xuất, người tiêu dùng đang hướng đến.
Nhi Trần - Trúc Ly