Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với mong muốn thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhân tạo, xây dựng lối sống xanh bền vững, chị Huỳnh Lê Minh Thư- đoàn viên Chi đoàn Sở Khoa học và Công nghệ từng bước thực hiện ước mơ khởi nghiệp xanh với các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên.

Tiêu biểu dự án sản xuất nhang thảo dược An Nhiên Hương chiết xuất từ vỏ mãng cầu và các loại dược liệu của chị Huỳnh Lê Minh Thư đã xuất sắc đạt giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh năm 2022–2023.
Và mới đây, dự án Green Transformation- biến cây bèo tây (lục bình) thành sản phẩm bảo vệ môi trường, giải quyết tình trạng lục bình mọc nhiều trên sông Vàm Cỏ Đông, đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Tây Ninh năm 2025.
Biến cây lục bình thành sản phẩm bảo vệ môi trường
Hằng năm, cứ vào đầu mùa mưa (cuối tháng 4, đầu tháng 5), cây lục bình lại sinh sôi nảy nở, phát triển mạnh trên sông Vàm Cỏ Đông, gây ảnh hưởng không nhỏ cho người dân khi di chuyển bằng đường sông, cũng như sự phát triển của các loài thuỷ sản.
Thấy được thực trạng này, nhiều năm qua, chị Huỳnh Lê Minh Thư, vốn là một kỹ sư ngành Công nghệ sinh học yêu thích những sản phẩm thân thiện môi trường, luôn trăn trở tìm ra phương án tận dụng nguồn nguyên liệu lục bình, biến chúng thành sản phẩm quà lưu niệm, bảo vệ môi trường.

Chị Thư cho biết, chị đã ấp ủ dự án này từ khá lâu nhưng đến cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Tây Ninh năm 2025, chị mới mạnh dạn bắt tay vào triển khai nghiên cứu, hiện thực hoá ý tưởng.
Tận dụng máy móc khi sản xuất nguyên liệu làm nhang thảo dược, chị Thư xay nhuyễn cây lục bình rồi rang cùng các loại thảo dược như lá trà, bột cà phê, cánh hoa hồng… để tạo màu cho sản phẩm, sau đó tiếp tục xay nhuyễn hỗn hợp này thành bột mịn.
Từ nguồn nguyên liệu đó, chị Thư trộn với một loại keo nhằm kết dính và định hình vào khuôn. Sản phẩm làm ra được đem sấy khô và quét một lớp dung dịch chống mối, mọt để bảo quản được lâu.
Sau nhiều ngày miệt mài thực hiện, chị Thư đã tạo ra nhiều sản phẩm lưu niệm handmade có tính ứng dụng cao trong đời sống như miếng lót ly, chén; cốc đựng nến; hộp đựng bút; chậu cây cảnh mini.
Những sản phẩm mộc mạc gắn với câu chuyện ý nghĩa về “sản phẩm handmade xanh” của chị tạo được sức thuyết phục với nhiều người yêu thích sản phẩm thân thiện môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, du lịch của tỉnh.
Chia sẻ lý do muốn khởi nghiệp bằng sản phẩm handmade từ lục bình, chị Thư cho hay, người tiêu dùng ngày nay có nhu cầu cao về việc tặng những món quà lưu niệm độc đáo, do đó món quà này sẽ đáp ứng được nhu cầu của mọi lứa tuổi, đặc biệt là những bạn trẻ có niềm đam mê và sự yêu thích đối với các sản phẩm handmade.
Chị đã gửi tặng sản phẩm lục bình Green Transformation cho bạn bè, người thân trải nghiệm. Bước đầu sản phẩm nhận đánh giá tích cực từ mọi người về độ bền, tính thẩm mỹ.

Từ những lời động viên tích cực, chị Thư mạnh dạn đem sản phẩm tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Tây Ninh năm 2025. Tại đây, chị tự hào chia sẻ nghiên cứu nhỏ nhưng đầy ý nghĩa đến ban giám khảo và khán giả. Chị đã nhận về nhiều đóng góp hữu ích từ các chuyên gia trong nghiên cứu khoa học, doanh nhân trẻ tiêu biểu của tỉnh.
Câu chuyên ý nghĩa “chuyển đổi xanh” đã giúp dự án giành được giải Nhất cuộc thi và chị xuất sắc trở thành đại diện thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh tham dự cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2025 do Trung ương Đoàn tổ chức trong thời gian tới.
Chung tay xây dựng lối sống xanh bền vững
Hiện nay, du lịch tỉnh Tây Ninh đang có bước phát triển mạnh mẽ gắn liền với xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cùng với đó là “sống xanh” ngày càng lan toả trong giới trẻ. Điều này là tiền đề để sản phẩm handmade lục bình của chị Huỳnh Lê Minh Thư dễ dàng được người tiêu dùng, du khách tiếp nhận.
Dự án Green Transformation từ lục bình thân thiện với môi trường góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, từ đó thúc đẩy lối sống bền vững hơn, khuyến khích sự sáng tạo trong cộng đồng, giúp mọi người tìm ra cách mới để sử dụng lại các vật liệu thừa.
Chị Thư tin rằng, thiên nhiên luôn mang trong nó những giải pháp bền vững nhất. Việt Nam có nguồn tài nguyên thực vật dồi dào như lục bình, nếu biết khai thác đúng cách, không chỉ góp phần giảm rác thải, bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra giá trị kinh tế và việc làm cho lao động địa phương. Đó là con đường khởi nghiệp gắn với trách nhiệm đối với sự bền vững sinh thái mà chị luôn muốn hướng tới.
Chi mong muốn sản phẩm mình làm ra có thể từng bước thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, truyền cảm hứng về lối sống xanh, tái chế sáng tạo và xa hơn, có thể trở thành sản phẩm OCOP xanh của địa phương, tạo nguồn thu ổn định cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên nông thôn.

“Tiêu dùng xanh” đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt phổ biến tại các nước phát triển và đang lan toả mạnh mẽ sang các nước đang phát triển có thu nhập ở mức trung bình trở lên. “Sản phẩm handmade lục bình chính là một lời kêu gọi, một hành động lan toả thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi người. Tôi đặt tên sản phẩm này là Green Transformation có ý nghĩa biến đổi xanh, với mong muốn sản phẩm sẽ mang đến sự thay đổi ý thức của người tiêu dùng, giúp mọi người hướng đến lối sống xanh bền vững”- chị Thư cho hay.
Để chuẩn bị cho cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2025 do Trung ương Đoàn tổ chức trong thời gian tới, chị Thư đang nỗ lực hoàn thiện sản phẩm như tìm hiểu thêm các giải pháp xử lý, gia cố vật liệu tự nhiên để nâng cao chất lượng sản phẩm; trao đổi, học hỏi thêm từ chuyên gia, bạn bè… qua đó phát triển dự án để xây dựng một "thương hiệu xanh" mang bản sắc Tây Ninh.
Linh San