Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khởi sắc vùng đồng bào Chăm ở thành phố Tây Ninh
Thứ bảy: 04:30 ngày 17/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số đang sinh sống, cư trú xen kẽ nhau với những nét văn hoá riêng biệt. Trong đó, dân tộc Chăm là một trong ba dân tộc thiểu số có số lượng đông nhất với 1.086 hộ gia đình và 4.444 nhân khẩu, chiếm 0,38% dân số toàn tỉnh.

Khu dân cư của đồng bào dân tộc Chăm ở phường 1 ngày một đổi thay.

Riêng trên địa bàn phường 1, TP. Tây Ninh có 2 dân tộc thiểu số, chiếm 2,94% dân số. Trong đó dân tộc Chăm có 125 hộ với 365 nhân khẩu đã định cư sinh sống lâu đời tại đây.

Đồng bào dân tộc Chăm 100% theo Hồi giáo. Bà con luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương, phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tích cực tham gia các phong trào, mô hình của địa phương phát động, triển khai.

Nói về đời sống của bà con dân tộc Chăm, bà ÊnhaSina - Trưởng khu phố 2, phường 1, TP. Tây Ninh cho biết: "Người Chăm chúng tôi sinh sống lâu đời ở phường 1, sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay, hộ sản xuất lúa biết áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống lúa mới, sạ hàng ít tốn giống, cho năng suất tăng hơn. Bà con biết sử dụng bón phân cân đối và biết phòng trừ sâu bệnh, không nuôi nhốt trâu bò ở nhà như trước đây”.

Thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh, thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng, các tuyến đường khu vực đồng bào dân tộc sinh sống đều được nhựa hoá, bê tông hoá. 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện lưới quốc gia, có nhà ở kiên cố, không còn nhà tạm, dột nát.

Đồng bào ở đây đều có thẻ BHYT được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh và học tập của các em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) còn tổ chức dạy chữ dân tộc Chăm cho các em.

Y Lợi, học sinh lớp 12A2, Trường phổ thông Dân tộc nội trú Tây Ninh chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Em vào trường học được ở nội trú, nhà trường miễn học phí và hỗ trợ từ ăn uống cho đến việc đi học, đồng thời cung cấp cho em dụng cụ học tập rất đầy đủ".

Bà Ênhasina- Trưởng khu phố 2, phường 1, TP.Tây Ninh (bên phải) trò chuyện với các em học sinh trong khu phố.

Năm 2023, UBND phường 1 phối hợp Uỷ ban MTTQVN phường ra mắt mô hình “Vận động đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp”, vận động người dân phát quang, dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh, hoa kiểng trước nhà.

Địa phương còn xây dựng tuyến đường cờ, lát sân và lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời tại Thánh đường trị giá hàng trăm triệu đồng.

Các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào luôn được quan tâm. Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho đồng bào dân tộc trên địa bàn được thực hiện hiệu quả.

Các ngành chức năng địa phương thường xuyên tổ chức khám, chữa bệnh; phối hợp thực hiện chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng và kiểm tra các công trình vệ sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Đến nay, các hộ gia đình đều sử dụng nước sạch; mức sống đạt trung bình và khá trở lên, không còn hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Chủ tịch UBND phường 1 cho biết, thời gian qua các chương trình, dự án và chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, triển khai hiệu quả. Các điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số phát triển ổn định. 

Nguyễn Thế

Tin cùng chuyên mục