Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khơi thông, huy động và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực
Thứ bảy: 09:59 ngày 01/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tại buổi làm việc với Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng chính sách trên tinh thần khơi thông, huy động và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực...

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP

Tại buổi làm việc ngày 29/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả, thành tích của Bộ Tài chính và ngành tài chính trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước và củng cố, nâng cao tiềm lực, uy tín, vị thế của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, hội nhập và phát triển.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ngành tài chính phải tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng chính sách trên tinh thần khơi thông, huy động và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực, thúc đẩy giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực mạnh mẽ phát triển đất nước cả trước mắt và trong trung, dài hạn.

"CÁI GÌ THẤY ĐÚNG THÌ LÀM, KHÔNG ĐÚNG THÌ PHẢI SỬA"

Đề cập đến việc phải mạnh dạn điều chỉnh, hoàn thiện chính sách khi có điểm bất cập, không phù hợp, Thủ tướng quán triệt: "Cái gì thấy đúng thì làm, không đúng thì phải sửa”. 

Việc thiết kế, xây dựng cơ chế, chính sách phải tham khảo ý kiến các đối tượng bị tác động và dự báo, đánh giá đầy đủ những tác động, ảnh hưởng.

"Chỉ có làm được như vậy thì chính sách mới đi vào cuộc sống, mới sống được lâu dài. Vì vậy, cần tập trung đầu tư hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thu chi ngân sách Nhà nước bằng công nghệ số và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn quốc gia, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả, ổn định hệ thống, nhất là trong công tác quản lý thuế, hải quan, kho bạc nhà nước", Thủ tướng chỉ đạo.

Theo Thủ tướng, Bộ Tài chính cần tập trung hơn cho công tác quản lý nhà nước, nhất là xây dựng chiến lược, kế hoạch, thể chế, cơ chế, chính sách, phân cấp quản lý, thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát và việc cơ cấu lại, đổi mới tổ chức bộ máy cũng cần tập trung theo hướng này.

“Thời gian tới, tôi đề nghị các đồng chí tập trung cho công tác rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, phát huy hơn nữa vai trò của tài chính - ngân sách Nhà nước phục vụ phát triển đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ Tài chính phải cương quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “chống lobby chính sách”, chống lợi ích nhóm. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả. 

Về các vấn đề cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải nghiên cứu, thiết kế chính sách để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trên tinh thần phát huy tối đa sự sáng tạo, tự lực, tự cường của các cấp, các ngành.

"Dứt khoát xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp, xóa bỏ cơ chế xin - cho để mọi cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự lực, tự cường phấn đấu với tinh thần cao nhất, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, biến cái không quan trọng thành cái quan trọng mới là quan trọng", Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt.

CHUẨN BỊ PHƯƠNG ÁN VỐN CHO KẾ HOẠCH CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm rà soát, hoàn thiện các chính sách thuế phù hợp với tình hình thực tế của đất nước và kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc xây dựng luật về đăng ký và quản lý tài sản; đẩy nhanh chuyển đổi số, số hóa công tác quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước.

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP

"Thiết kế công cụ quản lý, kiểm soát nợ công một cách phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, phải bảo đảm sự hài hoà giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, phù hợp với hoàn cảnh đất nước trong bối cảnh hiện nay", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về bố trí kinh phí cho các chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm sao có hiệu quả, rõ ràng, minh bạch, theo hướng khuyến khích tự lực, vươn lên thoát nghèo.

Về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, cần nghiên cứu, có cơ chế phù hợp, hiệu quả để phát huy vai trò chủ đạo của Trung ương nhưng tạo sự linh hoạt, sáng tạo, có trách nhiệm của địa phương, cân đối được thu chi ngân sách. 

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng về lĩnh vực tài chính - ngân sách Nhà nước. 

Đồng thời, chuẩn bị phương án bố trí nguồn để thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ tài chính và các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của Bộ.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2021, Bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 40 đề án (1 Luật, 15 Nghị định, 8 Quyết định, 16 đề án khác). Tính đến cuối tháng 4/2021, Bộ đã trình 9 đề án (3 Nghị định, 1 Quyết định và 5 đề án khác).

Trong đó, nhiều văn bản mới ban hành đã tập trung tháo gỡ một số điểm nghẽn của nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần giúp nhân dân giảm bớt khó khăn do đại dịch Covid-19 và thiên tai, dịch bệnh.

Bộ Tài chính cũng đang tập trung xây dựng một số đề án lớn về tài chính - ngân sách Nhà nước để góp phần khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển để trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, trong đó có Đề án Đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách Nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương.

Nguồn vneconomy

Tin liên quan