Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giai đoạn 2014-2022:
Khối Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vùng đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều hoạt động nổi bật
Thứ năm: 23:31 ngày 10/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giám đốc Sở KH&CN Tây Ninh Nguyễn Thị Kim Quyên nhấn mạnh, qua các ý kiến tại hội thảo sẽ tăng cường mối liên kết, chia sẻ các mô hình hay, giải pháp hay để cùng chung tay xây dựng và phát triển thị trường KHCN...

Quang cảnh hội thảo.

Chiều 9.11, tại khách sạn Sunrise diễn ra hội thảo tổng kết hoạt động của Khối Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KH&CN) vùng đồng bằng Sông Cửu Long (Khối META) giai đoạn 2014-2022. Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện của Hội thảo Khoa học - Công nghệ và kết nối cung cầu công nghệ năm 2022 được diễn ra trong hai ngày 9 và 10.11.2022.

Đến dự có Phó Cục trưởng phụ trách Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN Phạm Thế Dũng; Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Cường; Giám đốc Sở KH&CN Tây Ninh Nguyễn Thị Kim Quyên, lãnh đạo các Sở KH&CN và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ.

Phát biểu mở đầu hội thảo, Giám đốc Sở KH&CN Tây Ninh Nguyễn Thị Kim Quyên nhấn mạnh, qua các ý kiến tại hội thảo sẽ tăng cường mối liên kết, chia sẻ các mô hình hay, giải pháp hay để cùng chung tay xây dựng và phát triển thị trường KHCN cũng như đồng kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng vì mục tiêu phát triển ngành KHCN ổn định, bền vững.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Phạm Thế Dũng bày tỏ mong muốn hội thảo sẽ là tiền đề để tạo sự phát triển trong giai đoạn mới của Khối META, đồng hành cùng hoạt động đổi mới sáng tạo lĩnh vực KH&CN của vùng đồng bằng Sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ.

Khối META chính thức thành lập ngày 15.10.2014 tại thành phố Cần Thơ thông qua việc ký kết “Thoả ước hợp tác” giữa 13 Trung tâm Ứng dụng vùng Tây Nam bộ. Thông qua hoạt động liên kết giữa các Trung tâm trong cùng lĩnh vực xây dựng mối quan hệ hợp tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị và tìm kiếm giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Trong quá trình hoạt động, Khối kết nạp thêm 11 thành viên mới- trong đó có Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Tây Ninh. Đến nay, tổng số thành viên của Khối là 24 thành viên thuộc 21 tỉnh/thành phố vùng đồng bằng Sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ và Hà Nội.

Các Trung tâm trong Khối META đã và đang nghiên cứu làm chủ các công nghệ, quy trình công nghệ trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thực phẩm, môi trường, đời sống. Các công nghệ đã thương mại hoá hoặc sẵn sàng chuyển giao như hệ thống xử lý nước sinh hoạt, nước thải, các sản phẩm từ composite, các quy trình kỹ thuật trồng hoa, nấm, hệ thống chống sét thẳng, thiết bị sản xuất nước uống ion O2, quy trình chế biến bảo quản thực phẩm chức năng bột gạo mầm, quy trình sản xuất dinh dưỡng thuỷ canh và canh tác rau ứng dụng công nghệ thuỷ canh…

Đối với việc liên kết chuyển giao công nghệ giữa các Trung tâm thành viên, trong giai đoạn 2014-2022, đã có 11 hợp đồng chuyển giao công nghệ, quy trình công nghệ được thực hiện giữa các Trung tâm ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và đời sống (như quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh, công nghệ nuôi cấy mô cây hoa hồng môn, xử lý bèo lục bình, quy trình sản xuất nước uống ion O2, kỹ thuật trồng cà chua và rau an toàn trong nhà màng, quy trình trồng rau an toàn, sản xuất nước uống ion…).

Từ năm 2021, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ đang triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá nhằm nhân rộng kết quả đến các Trung tâm thành viên, qua đó, tạo nguồn thu cho các Trung tâm.

Ngoài ra, Khối còn thường xuyên tổ chức và tham gia trưng bày các công nghệ/sản phẩm công nghệ của các Trung tâm tại các sự kiện triển lãm, trưng bày công nghệ tại thành phố Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Nai, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh…

Nhìn chung, những kết quả đạt được bước đầu phần nào chứng minh và khẳng định vai trò Khối Ứng dụng nói riêng và của khoa học kỹ thuật nói chung trong sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng Sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ.

Tuy mạng lưới các tổ chức KH&CN trung gian được hình thành và đa dạng về các loại hình nhưng hiện nay, tại các tỉnh/thành phố thực hiện yêu cầu sắp xếp, tinh gọn về cơ cấu tổ chức trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở KH&CN nên phần lớn các Trung tâm Ứng dụng, Trung tâm Thông tin, Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã sáp nhập.

Trung tâm mới thành lập không còn chuyên biệt về lĩnh vực ứng dụng mà gồm nhiều lĩnh vực như thông tin KHCN, kiểm định, kiểm nghiệm, đo lường; do đó thiếu về nhân lực phụ trách hoạt động ứng dụng nói chung cũng như hoạt động liên kết hợp tác nói riêng. Cùng với đó, yêu cầu tăng mức độ tự chủ dẫn đến các Trung tâm có sự điều chỉnh trong định hướng phát triển cũng như chức năng, nhiệm vụ. Các Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ dẫn đến hạn chế về nhân lực cho các hoạt động khác.

Qua phân tích các hạn chế trong hoạt động, Khối thống nhất định hướng trong thời gian tới, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ cấu Khối và Ban điều hành; xây dựng Khối theo mô hình liên kết mới, phù hợp hơn về tổ chức, vai trò, nhiệm vụ và định hướng phát triển. Các Trung tâm thành viên cũng sẽ tích cực, chủ động hơn trong việc liên kết cũng như thực hiện các hoạt động chung của Khối.

Tại hội thảo, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Fundgo và Khối META cùng ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy hoạt động của Khối trong thời gian tới.

C.T

Tin cùng chuyên mục