Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khốn khổ vì bị lừa đảo qua mạng
Thứ hai: 08:42 ngày 10/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều người lâm vào cảnh khốn khổ vì bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Hoạt động này diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Mặc dù ngành chức năng đã nỗ lực ngăn chặn nhưng vẫn còn nhiều trường hợp bị sập bẫy và mất tiền.

Nhiều chiêu trò

Qua mạng xã hội Telegram, bà H.T.T.T, ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành được một đối tượng (không rõ nhân thân lai lịch) rủ rê đầu tư ngoại tệ thu lợi nhuận qua ứng dụng Radian trên điện thoại di động.

Bà T nộp hơn 2,6 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của chúng để được hướng dẫn đặt lệnh mua ngoại tệ. Khi bà T đề nghị được rút tiền lời và tiền đã đầu tư thì đối tượng đưa ra nhiều lý do khác nhau, yêu cầu nộp thêm tiền, lúc này bà T mới biết mình bị lừa.

Bà L.K.H, ngụ phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh nhận được cuộc gọi của một người xưng là “cán bộ Công an” thông báo bà liên quan đến vụ án ma tuý do tên Phan Văn Long cầm đầu. Vụ việc đang được Công an Đà Nẵng thụ lý điều tra.

Đối tượng Long khai nhận mỗi tháng chuyển khoản cho bà H 2 tỷ đồng. Vị "cán bộ công an" yêu cầu bà H hợp tác điều tra, nếu không sẽ bắt giữ. Sau đó, bà H được chúng hướng dẫn mở tài khoản nộp tiền vào để chứng minh không có liên quan đến tội phạm, và hứa sau khi chứng minh, bà H có thể rút lại số tiền đã nộp. Tin lời bọn chúng, bà H chuyển hơn 3 tỷ đồng vào nhiều tài khoản khác nhau do đối tượng chỉ định.

Chị T.T.L, ngụ xã Tân Thành, huyện Tân Châu bị đối tượng xưng là Nguyễn Thị Huyền Anh, nhân viên bộ phận kiểm tra hành lý của sân bay Tân Sơn Nhất gọi điện thoại cho biết có gói quà từ Đài Loan gửi về. Bên trong gói quà có vàng, tiền đô la Mỹ và yêu cầu chị L gửi 25 triệu đồng vào số tài khoản đối tượng chỉ định để đóng thuế. Chị L nhiều lần chuyển tiền hơn 736 triệu đồng cho bọn chúng.

Ngoài ra, các đối tượng còn gọi điện đến các nhà hàng, quán ăn để đặt tiệc, đồng thời yêu cầu phải có 1 loại rượu vang ngoại nhập theo chỉ định của đối tượng. Sau đó, chúng giới thiệu cho nhà hàng chuyển tiền đặt cọc trước để hưởng hoa hồng và chiếm đoạt tiền đặt cọc.

Chúng còn dùng nhiều chiêu thức khác, như chiếm đoạt tài khoản Facebook, Zalo, hoặc giả nick của người quen biết với bị hại rồi nhắn tin mượn tiền, đối tượng sử dụng phần mềm chỉnh sửa khi gọi trực tiếp hình ảnh như người thật nói chuyện, mượn tiền; mạo danh công ty bảo hiểm thông báo nhận tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, nợ tiền quỹ bảo hiểm xã hội; mạo danh nhân viên y tế thông báo người thân đang cấp cứu, yêu cầu nạn nhân đóng phí, chuyển tiền để chiếm đoạt v.v...

Bọn tội phạm còn lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hình thức như giả vờ là người nước ngoài muốn chuyển tiền về Việt Nam làm từ thiện, nạn nhân sẽ được hưởng 30%-40%, sau đó, bọn chúng giả danh nhân viên sân bay, hải quan yêu cầu nộp thuế, phí; giả nhân viên siêu thị thông báo được khuyến mãi, tặng quà, trúng thưởng và yêu cầu đóng tiền phí; cho vay tiền các app vay tiền trên mạng, khi đăng ký vay sẽ nói làm hồ sơ bị sai và yêu cầu chuyển tiền để sửa hồ sơ; lừa đảo làm nhiệm vụ cộng tác viên bán hàng qua ứng dụng Lazada, Shopee hoặc ứng dụng lạ, yêu cầu làm nhiệm vụ 1, 2 lần với số tiền nhỏ sẽ được hoàn tiền và hưởng 20% đến 40%. Sau đó, chúng yêu cầu làm nhiệm vụ với số tiền lớn và thông báo bị lỗi, yêu cầu tiếp tục đóng tiền để chiếm đoạt.

Đề cao cảnh giác

Để phòng ngừa với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an tỉnh Tây Ninh đề nghị cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nâng cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi, nắm thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp nắm chắc và phòng tránh không để bị lừa đảo.

Người dân cần biết, khi làm việc với bị can, nạn nhân, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng phải gửi giấy triệu tập trực tiếp. Việc giao nhận giấy triệu tập có ký nhận và ghi rõ ngày, giờ nhận cụ thể. Việc triệu tập không được thực hiện bằng miệng, qua điện thoại hoặc tin nhắn.

Tuyệt đối không được tin theo các đối tượng giới thiệu là nhân viên bưu điện, nhân viên nhà mạng, cán bộ ngân hàng, cán bộ công an gọi điện thông báo số điện thoại người dùng cần nâng cấp và yêu cầu thao tác bấm vào các số mà đối tượng hướng dẫn. Hoặc chúng nói rằng Công an đang nâng cấp dữ liệu quốc gia về dân cư, yêu cầu nạn nhân đọc mật khẩu tài khoản ngân hàng (mã OTP) để xác minh trong hệ thống dữ liệu hoặc với nhiều lý do “hợp lý” khác để lấy thông tin tài khoản ngân hàng.

Tăng cường tính năng bảo mật các tài khoản mạng xã hội, các tài khoản ngân hàng. Không mở các tin nhắn, e-mail từ nguồn không rõ ràng. Không cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng không quen biết. Luôn đề cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video qua các ứng dụng mạng xã hội với nội dung vay mượn tiền, chuyển tiền gấp. Thận trọng trước các đường link yêu cầu nhập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP để tham gia làm cộng tác viên bán hàng làm việc tại nhà.

Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Để tránh rủi ro, người mua cần trực tiếp đến cửa hàng hoặc địa chỉ người bán, kiểm tra hàng hoá trước khi mua. Hãy thận trọng khi bình luận (comment) để lại số điện thoại của mình mua hàng “livestream” trên mạng. Các đối tượng lừa đảo sẽ theo dõi và biết được số điện thoại, sau đó lừa đảo thanh toán tiền để gọi điện yêu cầu cung cấp mã OTP và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Không cho mượn, cho thuê các giấy căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng, tài khoản ngân hàng. Trường hợp nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào có dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục