Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát triển du lịch:
Không chỉ khai thác những gì sẵn có
Thứ tư: 00:10 ngày 01/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xoá bỏ hình thức làm du lịch manh mún, tạo nên những sản phẩm du lịch và dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng, tiêu chuẩn cao, hướng tới tầm quốc tế, để làm nên bàn đạp cho du lịch từng địa phương phát triển, cũng chính là tạo nên các mắt xích bền vững, chất lượng cho sự liên kết phát triển du lịch đạt hiệu quả cao.

Đại biểu thưởng thức ẩm thực ở Tây Ninh.

Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ vừa khép lại. Tại đây, lãnh đạo tỉnh đã giới thiệu với lãnh đạo các địa phương trong vùng, các cơ quan báo chí, truyền thông về tiềm năng, hướng đi của ngành du lịch Tây Ninh, trọng tâm là phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19. Một trong những câu chuyện được đặt ra là cách làm du lịch của tỉnh nhà như thế nào cho hiệu quả.

Góp phần phục hồi ngành du lịch

Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnom Penh- Vương quốc Campuchia; có đường biên giới tiếp giáp với vương quốc này hơn 240km, 3 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu chính và 10 cửa khẩu phụ.

Trong đó, cửa khẩu quốc tế gồm Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam. Tây Ninh có đường Hồ Chí Minh đi qua, có sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông chảy qua là điều kiện thuận lợi về giao thông trong việc phát triển kết nối tour, tuyến du lịch trong vùng Đông Nam bộ, kể cả Vương quốc Campuchia và các nước ASEAN.

Tây Ninh có Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam- “Thủ đô” của cách mạng miền Nam, có quần thể di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng núi Bà Đen cao nhất Nam bộ, có Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia “Lễ vía bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen”, có công trình cáp treo - máng trượt đầu tiên ở Việt Nam, có nhà ga cáp treo Bà Đen Mountian được trao kỷ lục Guiness nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới.

Tây Ninh còn có hồ Dầu Tiếng với diện tích mặt nước rộng hơn 27.000 ha, có nhiều đảo lớn, nhỏ, là công trình hồ thuỷ nông nhân tạo lớn nhất khu vực, phục vụ tưới tiêu cho hơn 72.000 ha đất nông nghiệp trong, ngoài tỉnh.

Toà thánh Cao Đài Tây Ninh- một công trình kiến trúc đặc sắc, độc đáo- nơi thờ phụng của một tôn giáo nội sinh phát tích tại Tây Ninh. Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát- Vườn di sản ASEAN với hệ thống rừng mang tính nguyên sinh, là nơi cư trú của hơn 130 loài chim nước, đặc biệt có loài chim quý, hiếm được ghi vào sách Đỏ của Việt Nam.

Ẩm thực Tây Ninh cũng độc đáo, đậm đà như tình người Tây Ninh, nổi tiếng cả nước. Đó là bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương, các món ăn chay, muối ớt Tây Ninh, mãng cầu núi Bà Đen, bò tơ Tây Ninh. Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bảng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Tây Ninh có nhiều sản phẩm riêng, là một điểm đến với nhiều dấu ấn đặc biệt trên hành trình khám phá Đông Nam bộ, đặc biệt khi phát triển các hoạt động du lịch liên kết du lịch Tây Ninh với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ.

Trên cơ sở phát huy lợi thế, tỉnh Tây Ninh đã và đang tập trung triển khai phát triển du lịch, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư du lịch; xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, nhằm đem lại sự thoải mái, an tâm; tạo ra những cơ hội mới cho du lịch phát triển như một điểm đến an toàn cho du khách trong những ngày đến với Tây Ninh.

Mục tiêu của Tây Ninh là tập trung phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh, lễ hội, lịch sử, sinh thái, văn hoá cộng đồng, văn hoá ẩm thực, làng nghề, sản phẩm nông sản nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch.

Tây Ninh chọn Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen để đầu tư, phát triển thành khu du lịch đặc sắc, mang tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò trung tâm, có sức lan toả lớn, dẫn dắt phát triển du lịch của tỉnh.

Phát triển sản phẩm và liên kết kích cầu du lịch là bước cụ thể hoá liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư lớn, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch ở các địa phương.

Xoá bỏ hình thức làm du lịch manh mún, tạo nên những sản phẩm du lịch và dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng, tiêu chuẩn cao, hướng tới tầm quốc tế, để làm nên bàn đạp cho du lịch từng địa phương phát triển, cũng chính là tạo nên các mắt xích bền vững, chất lượng cho sự liên kết phát triển du lịch đạt hiệu quả cao.

Hiện nay, Tây Ninh áp dụng chính sách giảm giá từ 10% đến 30% đối với các dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ du lịch nhưng không giảm chất lượng, thời gian từ nay đến cuối năm 2020.

Tại hội nghị vừa qua, 8 doanh nghiệp du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch tỉnh Tây Ninh ký kết với các doanh nghiệp lữ hành thành phố Hồ Chí Minh thoả thuận hợp tác.

Bằng những chính sách nêu trên, Tây Ninh đã và đang cùng với các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ tuyên truyền mạnh mẽ kích cầu du lịch nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, góp phần cùng đưa ngành du lịch vượt qua khó khăn trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tiến tới phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Doanh nghiệp nói gì về kích cầu du lịch nội địa?

Chủ doanh nghiệp tư nhân trà Hoàn Ngọc Bảy Nga cho biết, sau dịch Covid-19, việc tổ chức hội nghị về du lịch như một cơn mưa “giải khát” mà doanh nghiệp đang trông đợi.

Các doanh nghiệp được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để hợp tác với nhau nhằm tạo ra những tour du lịch đáp ứng được nhu cầu của du khách. Ông Trần Hùng Việt- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc liên kết vùng là cần thiết để nâng cao sản phẩm du lịch cho từng địa phương.

Ông Việt nói: “Mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch riêng, sự liên kết các tỉnh trong vùng sẽ đem lại cho du khách nhiều bất ngờ thú vị tại mỗi điểm du lịch. Người Việt đi du lịch Việt sẽ còn là dịp để sau này chúng ta giới thiệu với du khách quốc tế”.

Trước khi hội nghị chính thức diễn ra, chiều 27.6, nhiều doanh nghiệp đã đến khảo sát Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Bà Dương Thị Ngọc Phương- Giám đốc Công ty Thế giới hoang dã (thuộc rừng quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai) cho biết, bà rất vui khi có cơ hội tìm hiểu thêm về đặc điểm sinh học, vẻ đẹp thiên nhiên của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Bà nói tiếp: “Phát triển du lịch du sinh thái là một loại hình du lịch được yêu thích ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với các nhà đầu tư cũng như công ty lữ hành, chuyến đi này giúp tôi hiểu biết rõ hơn về các vườn quốc gia ở Việt Nam.

Có một điều đáng lưu ý, tại các khu du lịch ở vườn quốc gia nói chung, không riêng gì vườn quốc gia nào, đó là tuy thiên nhiên đẹp nhưng lại thiếu tiện nghi sinh hoạt, nghỉ ngơi của du khách”.

Theo góc nhìn của bà Phương, các tỉnh trong vùng như Bình Phước, Tây Ninh có lợi thế để phát triển du lịch dã ngoại ở các vườn quốc gia, trảng cỏ- được xem như một thảo nguyên thu nhỏ.

Đoàn doanh nghiệp chụp ảnh lưu niệm tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Bà Trần Thị Minh Thảo (Công ty du lịch Vietravel - TP.Hồ Chí Minh) nhận xét, Tây Ninh có tiềm năng phát triển du lịch, có nhiều điểm tham quan. “Khi đến Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, du khách có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về khu rừng thiên nhiên này. Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát có nhiều điều kỳ thú và đây chính là một sản phẩm du lịch”- bà Minh Thảo nêu.

Ông Trương Hoàng Phương- Giám đốc Công ty du lịch Exotic (TP.Hồ Chí Minh) bình luận, hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ là một cơ hội để các công ty du lịch biết thêm từng sản phẩm du lịch mới của từng địa phương trong khu vực.

“Dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế khó khăn, do đó, người dân muốn đi du lịch sẽ không chọn đi đến nơi quá xa vì tốn kém. Thay vào đó, du khách chọn những địa điểm gần, thời gian chuyến đi ngắn. Hội nghị lần này là dịp để doanh nghiệp làm du lịch biết thêm một số sản phẩm du lịch mới để giới thiệu với khách hàng”- ông Phương nói.

Ông Võ Anh Tài, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Sài Gòn nêu ý kiến,  du lịch Đông Nam bộ có nhiều tiềm năng. Thời gian tới, doanh nghiệp này dự kiến cho ra nhiều gói sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Theo kế hoạch, sau khi hết dịch bệnh, Việt Nam được đón khách quốc tế, doanh nghiệp này sẽ đưa lượng khách nước ngoài đến vùng Đông Nam bộ tăng mỗi năm 10%. Liên quan vấn đề đào tạo nhân lực, doanh nghiệp này cam kết tạo mọi điều kiện cho học viên, sinh viên ngành du lịch đến thực tập.

Bà Trần Nguyện- Giám đốc kinh doanh Tập đoàn SunWorld cho biết đang sẵn sàng để “khởi động” lại hoạt động du lịch, một trong những biện pháp của doanh nghiệp này là giảm giá các loại dịch vụ, trong đó có giá vé đi cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen.

Bà Nguyện cho rằng, miền Đông Nam bộ trở thành điểm “phải đến” trong thời điểm này của du khách. Muốn vậy, theo bà Nguyện, phải làm mới sản phẩm để nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Ông Apirat, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh nhận xét, các tour du lịch đến khu vực Đông Nam bộ không tập trung nhiều ở các tỉnh mà chỉ đổ về TP. Hồ Chí Minh. Theo ông tổng lãnh sự, TP. Hồ Chí Minh và Vũng Tàu có tiềm năng hơn hẳn các tỉnh khác trong khu vực về kinh tế du lịch.

Việt Đông

Ký kết nhiều thoả thuận

Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ ký kết 5 thoả thuận chính, gồm công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến; phát triển nguồn nhân lực du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Trong đó, đối với công tác quản lý nhà nước về du lịch, các địa phương trong vùng trao đổi thông tin về quy hoạch, kế hoạch dài hạn, tình hình hoạt động du lịch theo từng năm.

Trao đổi thông tin về sản phẩm du lịch, về thị trường du lịch, về thoả thuận liên kết và phát triển sản phẩm du lịch, trên cơ sở tiềm năng của mỗi địa phương, mỗi tỉnh sẽ lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để giới thiệu cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết thường xuyên trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch gắn với đặc trưng của mỗi địa phương.

Về quảng bá du lịch, TP. Hồ Chí Minh làm đầu mối mời các cơ quan truyền thông, hãng lữ hành của TP. Hồ Chí Minh và quốc tế thực hiện các chương trình khảo sát để quảng bá du lịch. Các tỉnh trong liên kết chịu trách nhiệm đón tiếp, giới thiệu tại địa phương mình và luân phiên làm đầu mối tổ chức chương trình.

Các cơ quan thông tin đại chúng của các tỉnh trong chương trình liên kết chia sẻ thông tin, bài viết giới thiệu tiềm năng du lịch của từng địa phương trên truyền hình, báo chi. Phấn đấu mỗi tuần có ít nhất một bài viết, phóng sự về du lịch của một trong các địa phương trên các chuyên trang, chuyên đề du lịch của báo, đài địa phương.

Đối với thoả thuận phát triển nguồn nhân lực, TP. Hồ Chí Minh giới thiệu, hỗ trợ giảng viên tập huấn, đào tạo nhân lực do các địa phương đề xuất. Căn cứ nhu cầu thực tế, các địa phương tổng hợp nhu cầu nhân lực của từng doanh nghiệp làm du lịch để triển khai công tác đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp.

Thoả thuận cuối cùng trong việc ký kết là, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết chủ động lựa chọn, giới thiệu doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng và các dự án trọng điểm về phát triển du lịch để các thành viên cùng giới thiệu, xúc tiến đầu tư.

TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ kêu gọi, giới thiệu nhà đầu tư trong nước và quốc tế cho các tỉnh trong chương trình liên kết. Các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong chương trình liên kết đến đầu tư phát triển du lịch tại địa phương mình.

Các tỉnh, thành phố trao đổi, cung cấp thông tin về hạ tầng du lịch, giao thông và dịch vụ. Trên cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, các tỉnh thành viên trong chương trình liên kết cùng nhau thúc đẩy, phát huy lợi thế để phát triển liên kết vùng.

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh